Vì sao Fed rút QE3?

Theo gafin.vn

(Tài chính) Quan chức Fed nhận thấy lợi ích kinh tế của gói QE ngày càng suy giảm và lo ngại về rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke. Nguồn: internet
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke. Nguồn: internet
Biên bản họp hôm 17 và 18/12/2013 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) được công bố trong ngày thứ Tư bao gồm kết quả cuộc khảo sát được thực hiện trước cuộc họp của các quan chức về chi phí cũng như lợi ích của chương trình nới lỏng định lượng (QE).




Biên bản cho thấy: “Đa số các thành phần tham dự đều đánh giá hiệu quả của QE3 dần suy yếu khi chương trình này vẫn đang tiếp diễn”. Các thành viên cũng lo lắng về chi phí của việc mua thêm tài sản xuất phát từ các rủi ro đối với sự ổn định tài chính trước nguy cơ đầu tư quá mức vào các tài sản rủi ro của lĩnh vực này.

Biên bản không đưa ra lịch trình cụ thể cho việc cắt giảm QE3 dù một vài quan chức đã đề cập đến sự cần thiết phải có một lộ trình rõ ràng hơn. Cuộc khảo sát được thực hiện trước cuộc họp của các quan chức Fed cho thấy ngân hàng trung ương có thể kết thúc chương trình mua tài sản trong nửa cuối năm nay.

Hôm 18/12, với tỷ lệ 9 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Fed quyết định cắt giảm quy mô QE3 bớt 10 tỷ USD xuống 75 tỷ USD với hiệu lực bắt đầu từ tháng 1/2014. Các quan chức cho biết bước đi đầu tiên này khá thận trọng do mối lo lắng về việc thắt chặt các điều kiện tài chính ngoài ý muốn.

Các quan chức dự báo các điều kiện trên thị trường lao động sẽ tiếp tục cải thiện và hầu hết mọi người đều tin tưởng vào triển vọng của lĩnh vực này. Theo biên bản, một số quan chức muốn cắt giảm QE3 mạnh hơn trong tháng 12 và chấm dứt chương trình này một cách tương đối nhanh. Số khác lại muốn Fed ấn định số lần cắt giảm và ngày chấm dứt hoàn toàn chương trình này.

Tuy nhiên, các thành viên có quyền bỏ phiếu của ngân hàng trung ương lại khẳng định rằng việc cắt giảm QE3 trong tương lai sẽ được thực hiện với sự cân nhắc kỹ và nhấn mạnh rằng thu hồi QE3 không phải là một quá trình được thiết lập sẵn.

Một thay đổi quan trọng trong quan điểm của Fed là một số thành viên có quyền bỏ phiếu muốn hạ mức thềm tỷ lệ thất nghiệp để nâng lãi suất ngắn hạn từ 6.5% xuống 6%. Trước đó, Fed cho biết sẽ không hạ lãi suất cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới ngưỡng 6.5% trong một thời gian dài. Một số quan chức phản đối việc hạ mức thềm tỷ lệ thất nghiệp vì cho rằng điều này sẽ khiến thị trường bối rối và làm giảm uy tín của ngân hàng trung ương.

Cũng trong biên bản, lần đầu tiên các quan chức cho biết sẽ theo dõi sát mức lạm phát thấp. Tuy nhiên, hầu hết các quan chức Fed đều tin tưởng lạm phát sẽ trở về mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

Theo dự kiến, các nhà làm chính sách thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhóm họp vào hai ngày 28 và 29/01 để bàn về bước đi tiếp theo trong chiến lược cắt giảm dần tốc độ của chương trình mua trái phiếu khi nền kinh tế mạnh hơn.