Viễn cảnh khó khăn đối với kinh tế Anh liên quan tới Brexit

Theo baoquocte.vn

Kinh tế Anh tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại do những bất ổn xung quanh vấn đề vị thế của Vương quốc Anh sẽ như thế nào sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế xứ sở sương mù đang đứng trước nhiều khó khăn khi tiến trình đàm phán với EU về Brexit gặp trở ngại.

Tăng trưởng chậm lại trong năm 2017

Trong báo cáo mới nhất, Phòng Thương mại nước Anh (BCC) dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2017. BCC dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Anh sẽ chỉ tăng 2,1% năm 2016 và 1,1% năm 2017. BCC cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh năm 2018 từ 1,8% xuống 1,4% do nhận định đồng Bảng yếu sẽ đẩy chi phí nhập khẩu tăng lên và kéo theo lạm phát gia tăng, ảnh hưởng tới chi tiêu của các hộ gia đình.

Cũng theo dự báo của BCC, lạm phát sẽ vượt mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã đề ra, tăng lên mức 2,1% trong năm 2017 và 2,4% năm 2018. Việc lạm phát gia tăng cũng sẽ kiềm chế chi tiêu của các hộ gia đình và hoạt động đầu tư, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp.

Giám đốc BCC Adam Marshall cho biết trong khi một số công ty nhìn thấy những cơ hội kinh doanh lớn trong những tháng tới, thì có không ít công ty cảm thấy bất ổn gia tăng và điều này gây sức ép lớn lên kế hoạch đầu tư cũng như lòng tin của họ trong tương lai.

Trong báo cáo vừa công bố, BCC dự đoán đầu tư của các doanh nghiệp sẽ giảm 0,8% năm 2016 và sụt giảm 2,1% năm 2017, giảm nhẹ hơn so với dự báo trước đó.

Bên cạnh đó, số liệu do hiệp hội bán lẻ British Retail Consortium công bố cũng cho thấy người tiêu dùng Anh bắt đầu tỏ ra thận trọng hơn. Mặc dù các cửa hàng bán lẻ đã tung ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn nhân ngày "Thứ Sáu Đen", tuy nhiên số khách đến và mua sắm tại các trung tâm mua sắm lớn đã giảm mạnh trong tháng 11 vừa qua.

Hồi tháng 11, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã thừa nhận chính phủ nước này đang đối mặt với những thách thức rõ rệt liên quan tới Brexit, đồng thời nhấn mạnh cần có sự chuẩn bị tài chính đầy đủ để đối phó với những thách thức kinh tế trong một vài năm tới khi Anh chính thức ra khỏi "mái nhà chung".

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng hạ dự báo tăng trưởng của Anh trong năm 2016, từ 2% xuống 1,7% và trong năm 2017, từ 2% xuống còn 1%, do kế hoạch phát triển kinh tế của nước này chưa rõ ràng cũng như do những phản ứng tiêu cực từ nền kinh tế sau cuộc trưng cầu ý dân.

Đối mặt khó khăn

Trước những thách thức lớn đối với nền kinh tế, các ngân hàng đầu tư và các cơ quan nghiên cứu độc lập về kinh tế của Anh đều cho rằng nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế trong một thời gian dài. Tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô cũng được dự đoán sẽ còn tiếp diễn trong năm 2017 và 2018 khi nước Anh tiến hành đàm phán về mối quan hệ mới với các quốc gia thành viên trong EU.

Một trong các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Anh, Chủ tịch tập đoàn CK Hutchison Holdings, Li Ka-shing nhận định nước Anh sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn về kinh tế và thị trường tiền tệ trong 2 đến 3 năm tới. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế châu Âu và thế giới.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, trong tương lai, diễn biến của nền kinh tế Anh sẽ phụ thuộc vào tiến trình Anh chính thức rời EU.

Hồi tháng 10, Chính phủ Anh cho biết sẽ chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình đàm phán với các nước thành viên EU vào cuối tháng 3/2017, với lộ trình kéo dài 2 năm để đàm phán về tương lai quan hệ với khối và việc chính thức rời khỏi khối. Một thỏa thuận về Brexit cần phải hoàn tất vào tháng 10/2018 để được thông qua tại Nghị viện châu Âu vào tháng 3/2019.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng, việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon có thể sẽ bị trì hoãn tới tận mùa thu năm 2017. Lý do là Tòa án Tối cao Anh đã đưa ra phán quyết cho rằng Chính phủ Anh không thể khởi động quá trình đàm phán rời khỏi EU mà cần phải có sự thông qua của Quốc hội. Thêm vào đó, các Bộ cũng chưa tuyển được đủ số lượng chuyên gia cần thiết để phục vụ cho kế hoạch này và nội dung đàm phán cũng chưa xây dựng được lộ trình cụ thể.

Thủ tướng Anh Theresa May hiện đã thành lập Bộ phụ trách các cuộc đàm phán Brexit tuy nhiên Bộ trưởng David Davis cũng mới chỉ tuyển dụng được khoảng 50% số nhân viên cần thiết để giúp cơ quan này hoạt động theo kế hoạch.

Một cơ quan mới thành lập khác là Bộ Ngoại thương do Bộ trưởng Liam Fox đứng đầu cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển chọn các chuyên gia về đàm phán bởi trên thực tế sau nhiều thập kỷ là thành viên của EU, mọi quá trình đàm phán đều do các chuyên gia của liên minh thực hiện nên hiện ở Anh chỉ có rất ít các chuyên gia đàm phán có kinh nghiệm.

Ngoài ra, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào tháng 4 và tháng 5/2017 và cuộc bầu cử Quốc hội Đức dự kiến diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 10/2017 cũng sẽ gây những cản trở nhất định đối với tiến độ đàm phán.

Như vậy có nghĩa là nước Anh sẽ vẫn là thành viên đầy đủ của EU ít nhất là cho tới năm 2019. Và khi Anh và EU còn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về Brexit, nguy cơ đối với kinh tế mà đặc biệt là rủi ro trên thị trường tài chính, vốn nhiều lo ngại hiện nay, của cả hai bên là khó tránh khỏi.