Trung Quốc: “Siêu lạm phát” chức phó ở địa phương

Sài Gòn Tiếp thị

Hiện nay nhiều chính quyền địa phương Trung Quốc công khai hoá thông tin hành chính bằng cách lập trang web của mình. Nhờ đó người ta phát hiện ra nhiều vấn đề bê bối của chính quyền, như vụ loạn chức phó chẳng hạn.

Cuối tháng 11 vừa qua, trên các diễn đàn mạng Trung Quốc lan truyền một bài viết cho biết Thiết Lĩnh, một thành phố nhỏ của tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, có chín phó thị trưởng và 20 phó bí thư. Mặc dù trang web của thành phố Thiết Lĩnh đã nhanh chóng xoá đi danh sách của 20 phó bí thư, nhưng tin này đã gây sự nghi ngờ của dư luận và khiến dân cư mạng Trung Quốc dấy lên “phong trào” phanh phui số lượng chức phó ở các địa phương.

Nhờ phong trào này, người ta phát hiện thành phố Thiết Lĩnh không phải nơi có chức phó nhiều nhất. Theo trang web chinanews.com.cn, thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, có 11 phó thị trưởng và 16 phó bí thư. Bình Giang, một huyện rất nghèo của tỉnh Hồ Nam, có 10 phó huyện trưởng và bốn trợ lý huyện trưởng. Còn huyện nghèo Thiêm Hoá ở tỉnh Sơn Đông chỉ có dân số không tới 400.000, nhưng lại có sáu phó huyện trưởng và 15 trợ lý huyện trưởng. Trang web của chính quyền thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, cho biết thành phố 10 triệu dân này có tám phó thị trưởng và bảy phó bí thư.

Số lượng ghế phó quá nhiều tiêu tốn khá nhiều tiền của ngân quỹ nhà nước. Báo điện tử Qianlong.com bình luận: “Phó thị trưởng phải có văn phòng riêng, chưa kể phó thị trưởng sành điệu yêu cầu phải có văn phòng hoành tráng. Bao nhiêu phó thị trưởng phải có bấy nhiêu thư ký, bấy nhiêu xe hơi, và bấy nhiêu tài xế. Phó thị trưởng nhiều như vậy, người đóng thuế làm sao nuôi nổi được”.

Giáo sư Trúc Lập Gia của học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc cho biết, chức phó quá nhiều không những gia tăng gánh nặng cho người đóng thuế, mà còn làm giảm hiệu quả hành chính. Ông Trúc nói: “Những thành phố cấp địa phương có 3 – 5 phó thị trưởng là bình thường. Nhưng hiện tượng chức phó quá nhiều đã bộc lộ sự thiếu sót của chế độ nhân sự hiện nay”.

Tân Kinh Báo của Trung Quốc tìm được nguyên nhân chính quyền địa phương tranh nhau mở rộng quy mô chức phó: “Các địa phương chấp nhận tình trạng số lượng chức phó nhiều để vừa lòng cả quan trên và cấp dưới. Quan chức cấp dưới có động lực để leo lên vị trí cao hơn. Còn quan chức cấp trên có thể lấy cơ hội thăng chức mà khuyến khích cấp dưới cố gắng làm việc. Đồng thời, chức phó càng nhiều, quyền lực của chức phó càng phân tán, quyền lực sếp trưởng càng vững chắc”.

Tình trạng này tồn tại còn vì luật pháp có kẽ hở, như giáo sư Tống Thế Minh của học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc nói: “Hiện Trung Quốc chưa có luật quy định rõ ràng về số lượng chức phó của các chính quyền địa phương”.