Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại một số nước


Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng công nghệ in 3D, internet vạn vật, trí thông minh nhân tạo và công nghệ thực tại ảo đã và đang tạo ra những đột biến về tăng năng suất lao động, đổi mới phương thức sản xuất, đặc biệt biến đổi kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một số nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Mỹ

Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010, kinh tế Mỹ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành dịch vụ như: Ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm, công nghệ thông tin và giảm tỷ trọng của các ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp và khai mỏ. Theo đó, ngành Khai mỏ của Mỹ giảm tỷ trọng từ 1,6% năm 2000 xuống còn 1,5% năm 2010; ngành sản xuất, chế tạo cũng giảm tỷ trọng từ 22% năm 2000 xuống còn 18,6% vào năm 2010. Trong khi đó, ngành Giáo dục tăng tỷ trọng từ 1,6% năm 2000 lên 1,7% năm 2010; ngành Tài chính – ngân hàng tăng tỷ trọng từ 16% năm 2000 tăng lên 17,6% năm 2010 (Bảng 1).

Đến giai đoạn năm 2011 - 2016, các ngành kinh tế Mỹ chịu tác động từ Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, xu hướng chuyển dịch ngành kinh tế diễn ra mạnh mẽ. Điển hình là ngành Công nghệ thông tin (CNTT), dịch vụ có tỷ trọng chuyển dịch mạnh nhất trong nền kinh tế Mỹ. Các ngành Khai mỏ, nông nghiệp tỷ trọng chuyển dịch giảm nhẹ. Trong giai đoạn này, ngành CNTT tăng tỷ trọng từ 5% lên 5,5%; ngành Giáo dục, y tế, dịch vụ tăng từ 1,7% lên 2,1%.

Bảng 1: Cơ cấu kinh tế Mỹ giai đoạn 2000 – 2016 (%)

Ngành

2000

2005

2008

2010

2013

2016

Nông lâm, nghiệp

1,4

1,3

1,3

1,4

1,3

1,3

Khai mỏ

1,6

1,5

1,5

1,5

1,8

1,5

Xây dựng

5,8

5,7

4,8

4,0

3,9

4,2

Sản xuất

22

20,2

19,4

18,6

19,0

18,5

Bán lẻ

4,9

5,2

4,9

5,2

5,3

5,3

Kho vận và vận tải

3,3

3,2

3,3

3,2

3,2

3,2

Công nghệ thông tin

4,4

4,4

4,7

5,0

5,2

5,5

Tài chính – ngân hàng

16

17,5

17,3

17,6

17,3

17,3

Giáo dục, y tế, dịch vụ

1,6

1,6

1,7

1,7

2,0

2,1

Nghệ thuật, dịch vụ ăn uống

3,8

3,7

3,8

3,8

3,9

4,1

Các dịch vụ khác

2,4

2,2

2,2

2,1

2,0

2,1

Dịch vụ công

11,7

11,7

12,0

12,7

11,5

10,9

Các dịch vụ khác

21,1

21,8

23,1

23,2

23,6

24

 

Có thể thấy, cơ cấu ngành kinh tế của Mỹ có sự chuyển dịch theo đúng quy luật thị trường, không có sự can thiệp của Chính phủ. Các xu hướng công nghệ mới của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đều đặt trụ sở ở Mỹ như: Apple, Intel, Microsoft, Facebook, Uber, Amazon…

Trung Quốc

Cuộc CMCN 4.0 đã có những tác động nhất định đến xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Trung Quốc. Mặc dù, trình độ kinh tế của Trung Quốc so với các nước phát triển còn ở mức thấp, nhưng quốc gia này vẫn đạt những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế và thích ứng nhanh chóng với CMCN 4.0.

Giai đoạn từ 1980 - 2000, Trung Quốc từ một nước lạc hậu đã trở thành một nước công nghiệp có sản lượng sản xuất lớn nhất thế giới. Ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh, năm 2006, công nghiệp ở Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 42% GDP. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng của các ngành Ngân hàng, kinh tế Trung Quốc có xu hướng chuyển dịch nhiều hơn sang các ngành dịch vụ. Từ năm 2006 - 2015, các ngành Công nghiệp, nông nghiệp có xu hướng giảm tỷ trọng, trong khi các ngành Dịch vụ lại có xu hướng tăng tỷ trọng.

Cụ thể, đối với ngành công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế đã liên tục giảm, rõ nét nhất là năm 2015 với tỷ trọng là 35,3%. Đây cũng là năm tỷ trọng ngành Công nghiệp giảm xuống mức thấp nhất. Trong khi đó, ngành Điện thoại viễn thông vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khi sản lượng điện thoại sản xuất tăng từ 150 triệu chiếc lên gần 170 triệu chiếc, sản lượng màn hình sản xuất tăng từ 13 triệu chiếc lên 16 triệu chiếc…

Bảng 2: Cơ cấu kinh tế Trung Quốc (%)

Ngành

2011

2012

2013

2014

2015

Nông nghiệp

9,7

9,7

9,6

9,3

9,1

Công nghiệp

39,9

38,7

37,4

36,3

34,3

Xây dựng

6,7

6,8

6,9

7

6,8

Thương mại

8,9

9,2

9,5

9,7

9,6

Kho vận, vận tải

4,5

4,4

4,4

4,4

4,4

Dịch vụ, nhà hàng, khách sạn

1,8

1,8

1,7

1,7

1,8

Tài chính, ngân hàng

6,3

6,5

6,9

7,2

8,4

Bất động sản

5,8

5,8

6

5,9

6,1

Các ngành khác

16,5

17,1

17,7

18,4

19,5

 

Có thế thấy, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Trung Quốc cũng chịu tác động mạnh mẽ từ CMCN 4.0. Tuy nhiên, nước này đã tận dụng triệt để những thành tựu của cuộc cách mạng để cải cách nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững hướng tới mục tiêu vượt qua Mỹ, trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.

Đức

Thuật ngữ “CMCN 4.0” được bắt nguồn từ báo cáo về công nghiệp 4.0 của Đức từ năm 2013. Theo đó, Đức đã có kế hoạch xây dựng ngành Công nghiệp 4.0 hướng tới hình thành các “nhà máy thông minh” dựa trên sức mạnh của Đức trong các hệ thống nhúng. Từ hệ thống nhúng này các nhà máy phát triển các hệ thống độc lập, các bộ phận độc lập, tự động hóa cao và có khả năng nhúng vào một môi trường hay một hệ thống "mẹ" với sự tương thích cao về cả phần cứng và phần mềm.

Các hệ thống này đáp ứng và giải quyết được các vấn đề trong lĩnh vực công nghiệp, tự động hoá điều khiển, quan trắc và truyền tin. Mặc dù, trước kế hoạch này những công nghệ tiền đề của CMCN 4.0 vẫn có những ảnh hưởng nhất định tới sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đức. Sau kế hoạch “Công nghiệp 4.0”, Đức tiếp tục củng cố sức mạnh của mình trong các lĩnh vực công nghiệp cơ khí, cũng như mở rộng sang các lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Đức, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đức đã chuyển sang ngành công nghiệp chế tạo khi tỷ trọng của ngành này đã tăng từ 20,6% năm 2003 lên 21,2% năm 2007 và tăng tới 23% vào năm 2017. Trong khi đó, cơ cấu các ngành Dịch vụ như dịch vụ tài chính, bất động sản thậm chí tỷ trọng giảm, do sự gia tăng tỷ trọng của ngành Công nghiệp chế tạo. Tỷ trọng GDP của ngành Giáo dục gần như không thay đổi, nhóm y tế - giáo dục - các dịch vụ công và quốc phòng tăng từ 15,5% lên 18% phản ánh sự gia tăng phúc lợi xã hội của Đức.

Bảng 3: Cơ cấu kinh tế Đức (%)

Ngành

2003

2005

2007

2015

2017

Nông ngư lâm nghiệp

0,9

0,8

0,9

0,7

0,9

Công nghiệp chế tạo

20,6

20,6

21,2

23,0

22,6

Xây dựng

3,9

3,6

3,6

4,6

4,9

Bán lẻ, khách sạn, vận tải

18,2

16,1

15,6

16,0

16,2

dịch vụ tài chính

3,8

4,3

3,5

4,7

4,6

Bất động sản

24,6

22,4

22,8

11,0

10,7

Giáo dục - y tế - xã hội - quốc phòng

15,5

16,2

15,3

18,0

18,0

Khác

12,4

16,0

17,0

22,0

22,2

Tổng số

100

100

100

100

100

 

So với Mỹ và Trung Quốc, nền kinh tế Đức có xu hướng chuyển dịch tương đối khác biệt, do nước này có chiến lược chuyển dịch kinh tế trước tác động của CMCN 4.0 từ rất sớm. Nhờ đó, Đức đã đạt được các mục tiêu trong áp dụng công nghệ của CMCN 4.0 đối với phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, bảo đảm vị thế và gia tăng đáng kể tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong cơ cấu GDP.

Kinh nghiệm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Phân tích tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại 3 nước (Mỹ, Trung Quốc, Đức) có thể rút ra một số bài học sau:

Thứ nhất, kinh nghiệm của các quốc gia phát triển cho thấy, CMCN 4.0 đã âm thầm tác động đến kinh tế thế giới từ đầu năm 2000. Đặc biệt, cuộc Cách mạng này đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi phương thức sản xuất, từ đó tác động mạnh mẽ, toàn diện đến nền kinh tế thế giới cả về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh và thị trường lao động.

Việc sớm có chiến lược phát triển kinh tế - sản xuất phù hợp với CMCN 4.0 sẽ giúp các quốc gia chủ động hơn trong việc tận dụng tối đa các cơ hội cũng như hạn chế các nguy cơ do CMCN 4.0 đem lại. Có thể thấy, Mỹ, Trung Quốc và Đức đều có chiến lược phát triển sản xuất từ sớm để ứng phó với những thách thức cũng như tận dụng những cơ hội từ CMCN 4.0.

Thứ hai, CMCN 4.0 đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các nước phát triển trên thế giới. Theo đó, CMCN 4.0 tác động tới nhiều ngành trong nền kinh tế và làm biến đổi cơ cấu lao động trong các ngành sản xuất, do quá trình tự động hoá, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan tới cuộc Cách mạng này.

Về lâu dài, các ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan tới CMCN 4.0 sẽ là các ngành có tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, đồng thời, làm tăng sự cần thiết của giáo dục và làm tăng tỷ trọng của ngành này trong các nền kinh tế. Vì vậy, muốn tận dụng các lợi thế của CMCN 4.0, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế các quốc gia cần phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Thứ ba, CMCN 4.0 có những công nghệ dẫn đầu như công nghệ thông tin, công nghệ về vật liệu, công nghệ in 3D, công nghệ robot… Các công nghệ này sẽ hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ tương ứng và là những ngành mũi nhọn trong tương lai. Tuy nhiên, công nghệ tiên tiến mà CMCN 4.0 đem lại cũng có tác động hiện đại hoá, tăng cường khả năng sản xuất của các ngành công nghiệp, dịch vụ sẵn có.

Kinh nghiệm của Đức cho thấy, việc áp dụng CMCN 4.0 trong việc xây dựng củng cố vị trí ngành công nghiệp truyền thống là khá thành công. CMCN 4.0 thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu về các ngành đang có thế mạnh ở Đức. Chính vì vậy, các quốc gia như Việt Nam bên cạnh việc phát triển, đón đầu xây dựng các ngành công nghiệp mới như công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo cần chú ý tới hiện đại hoá, áp dụng công nghệ mới đối với các ngành sản xuất, chế tạo mà từ trước tới nay Việt Nam vẫn đang có lợi thế.

Thứ tư, cần có chiến lược thích ứng với cuộc CMCN 4.0 trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên dựa trên các lợi thế sẵn có, cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia; trong quá trình xây dựng chiến lược ứng phó cần có sự tham gia đầy đủ của các doanh nghiệp trong nước, vì đây chính là nguồn lực chủ yếu để thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh CMCN 4.0.

Thứ năm, CMCN 4.0 có xu hướng phát triển mạnh ngành sản xuất chế tạo như Đức, Mỹ. Nguyên nhân là do các công nghệ mới của cuộc cách mạng này giúp hiện thực hóa chu trình tự động hóa sản xuất, từ đó giảm số lượng nhân công lao động trong sản xuất, tiết giảm chi phí.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Kinh tế Trung ương (2016), Kỷ yếu hội thảo “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”;
  2. Dương Hoàng Linh (2017), “Nghiên cứu xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”;
  3. Kỷ yếu Hội thảo “Cách mạng sản xuất mới và hàm ý chính sách” do Bộ Ngoại giao phối hợp với OECD tổ chức ngày 16/06/2016 tại Hà Nội;
  4. Hải Ly (2016), Thế giới đang ở giữa cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Báo Nhân dân;
  5. Erik Brynjolfsson and Andrew NcAfee (2014), “The second machine Age: Work, Progress and Prosperity in a Time of Brilliant Technologie”;
  6. Jost Wübbeke, Mirjam Meissner, Max J. Zenglein, Jaqueline Ives|, Björn Conrad (2016), “Made in China 2025: The making of a high-tech superpower and consequences for industrial countries”.