Xuất khẩu giảm sút, Trung Quốc buộc phải sớm giải quyết chiến tranh thương mại

Theo Thái Bảo/doanhnhansaigon.vn

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh vào tháng 12/2018, sau khi cơn sốt đặt hàng vì chiến tranh thương mại qua đi.

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh vào tháng 12/2018. Nguồn: internet
Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh vào tháng 12/2018. Nguồn: internet

Điều này dẫn tới việc người tiêu dùng Trung Quốc đang dần nặng gánh bởi viễn cảnh kinh tế ngày càng ảm đạm.

Bloomberg ngày 14/1 báo động với những số liệu mới về kinh tế Trung Quốc biểu hiện tệ hơn so với dự đoán. Hoạt động xuất khẩu nước này vào tháng 12 giảm 4,4% so với một năm trước.

Kết quả hoạt động nhập khẩu mới đây được đánh giá là tệ nhất kể từ năm 2016 nếu tính theo đồng USD. Cùng lúc đó, nhập khẩu của Trung Quốc giảm 7,6%, cũng là số liệu tệ nhất kể từ 2016. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng tại đây đang giảm dần.

Những diễn biến trên đang bày ra một bức tranh không mấy lạc quan, buộc các nhà đàm phán Bắc Kinh phải xúc tiến quá trình đàm phán thương mại với Mỹ.

Thế nhưng, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã đạt mức kỷ lục vào năm ngoái. Riêng chi tiết này càng khiến việc đạt được một thỏa thuận thương mại trở nên cấp thiết. Tổng thống Donald Trump trước đó đe dọa sẽ đặt thêm thuế quan lên hàng nhập khẩu từ cường quốc châu Á trên, nếu không đạt được một thỏa thuận nào cho đến ngày 1/3.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng quốc gia thương mại hàng đầu thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng do một tác động kép. Đó là sự kết hợp giữa tăng trưởng toàn cầu chững lại và sự bất an kéo dài vì chiến tranh thương mại.

Những yếu tố này được cảnh báo sẽ còn tồn tại trong giai đoạn trước mắt.

Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Oxford Economics - Louis Kujis - nhận định những số liệu xấu trên “có thể sẽ làm gia tăng áp lực buộc Trung Quốc phải đạt được thỏa thuận, ít nhất là một thỏa thuận hoãn leo thang thuế quan với Mỹ”.

“Cùng lúc đó, phía Mỹ dường như cũng đang chịu sức ép ngày càng lớn về việc hạ nhiệt căng thẳng, vì các tin tức mới đây về kinh tế và thị trường tài chính”, ông Kujis nói.

Chứng khoán Mỹ mở phiên ngày 14/1 ở mức thấp hơn, do những lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu. Chỉ số S&P 500 giảm 0,6% vào lúc 10h06 sáng, theo giờ New York.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của Commerzbank AG và Australia & New Zealand Banking Group lại cho rằng tin xấu sẽ còn đến tiếp.

Các lô hàng từ Trung Quốc đang phải chịu cảnh các đối tác thương mại hàng đầu giảm đơn hàng.

Thực tế, sức khỏe kinh tế châu Âu vẫn chưa mấy phục hồi, với tình hình tại Đức còn làm đậm hơn lo ngại về một đợt suy thoái. Tương tự, Nhật Bản cũng đang đối mặt với một năm 2019 không mấy dễ chịu, trong khi Mỹ chịu cảnh báo kinh tế sa sút.

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hong Kong, Nhật Bản và Đài Loan đều giảm mạnh so với năm trước, theo Bloomberg.

Trung Quốc được cho là hiện không còn quá phụ thuộc vào thương mại. Tuy nhiên, với vị trí là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, số sản lượng, lợi nhuận và việc làm của Trung Quốc vẫn dựa vào phần lớn từ nhu cầu ở nước ngoài.