Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển đất

Gia Hân

Sáng 22/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất. Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu khai mạc Hội nghị. 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu khai mạc Hội nghị. 

Đảm bảo chất lượng, sát thực tiễn của dự thảo

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024, trong đó tại Điều 114 quy định về Quỹ phát triển đất và giao “Chính phủ quy định chi tiết Điều này”. Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định quy định về Quỹ phát triển đất, thời hạn ban hành tháng 5/2024.

Quỹ phát triển đất trước đây được thành lập theo quy định của pháp luật đất đai năm 2003. Để đánh giá thực trạng hoạt động của Quỹ phát triển đất tại các địa phương, Bộ Tài chính đã rà soát chính sách liên quan và có các công văn gửi các địa phương để đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về Quỹ phát triển đất theo quy định của pháp luật đất đai năm 2024, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất, tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển đất.

 

Qua tổng hợp báo cáo của 63/63 địa phương gửi Bộ Tài chính thời điểm năm 2023 cho thấy, có 57 địa phương đã thành lập Quỹ phát triển đất; trong đó có 27 Quỹ hoạt động theo mô hình độc lập, 30 Quỹ hoạt động theo mô hình ủy thác.

Bên cạnh việc đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu như: Chưa rõ nguồn vốn hoạt động của Quỹ; Thực hiện việc cấp vốn điều lệ cho Quỹ hay đưa vào dự toán ngân sách để chi bổ sung vốn hoạt động hàng năm cho Quỹ; Mô hình tổ chức của Quỹ chưa bao quát hết thực tiễn… Thứ trưởng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ phát triến đất đã bảo đảm cho hoạt động của Quỹ được an toàn, hiệu quả hay chưa; Nguồn vốn hoạt động của Quỹ như dự thảo có phù hợp không; Việc bố trí vốn và cách thức hoàn trả vốn ứng theo 2 trường hợp như dự thảo đã hợp lý chưa; Tính đồng bộ của dự thảo Nghị định với quy định có liên quan của các dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở…

Để bảo đảm thời hạn trình Chính phủ trước ngày 10/5/2024 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đồng thời đảm bảo chất lượng và tính bao quát chung của dự thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng đề nghị đại biểu tham gia các nội dung cần thiết để giúp cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện dự thảo.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản phát biểu tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản phát biểu tại Hội nghị.

Thông tin về một số nội dung của dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, dự thảo Nghị định gồm 06 chương với 26 điều và Phụ lục các mẫu biểu kèm theo.

Báo cáo của các địa phương cho thấy, việc thành lập và hoạt động của Quỹ phát triển đất là cần thiết, góp phần giúp chính quyền địa phương tập trung nguồn lực tài chính để kịp thời ứng vốn, đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả của dự án.

Thực tế thực hiện, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất sạch là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nếu không có một nguồn lực sẵn sàng chi trả để thực hiện các công việc này thì sẽ có ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện các dự án/nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng tạo quy đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất sẽ góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Việc ra đời của Quỹ phát triển đất đã góp phần đáp ứng các nhu cầu nêu trên.

Quỹ phát triển đất được sử dụng cho 4 mục đích

Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc UBND cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, có vốn điều lệ, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn. Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu, hạch toán độc lập.

Thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ; khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì chỉ cần rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ. Tuy nhiên, để bao quát thực tế có thể phát sinh, dự thảo quy định, căn cứ thực tế địa phương, UBND cấp tỉnh giao cho Sở Tài chính hoặc cơ quan chuyên môn khác thuộc UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương lập hồ sơ đề nghị thành lập Quỹ, trình UBND cấp tỉnh.

Sau khi phê duyệt Đề án thành lập Quỹ, UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định thành lập, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất trên cơ sở Đề án thành lập Quỹ đã được HĐND tỉnh thông qua.

Bà Chu Nguyên Thành - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư  Phát triển TP. Hà Nội nêu ý kiến tại Hội nghị.
Bà Chu Nguyên Thành - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư  Phát triển TP. Hà Nội nêu ý kiến tại Hội nghị.

Về nguồn vốn hoạt động của Quỹ, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, dự thảo đề ra 2 phương án về vốn điều lệ: Phương án 1: Vốn điều lệ của Quỹ phát triển đất được cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức vốn điều lệ ban đầu, vốn điều lệ bổ sung cấp cho Quỹ phát triển đất; Phương án 2: Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương.

Còn đối với việc quản lý vốn điều lệ, dự thảo cũng xây dựng 2 hình thức như sau: Vốn điều lệ của Quỹ được gửi tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Vốn điều lệ của Quỹ được gửi tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc các ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước trên địa bàn.

Về sử dụng vốn hoạt động của Quỹ, theo Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh, dự thảo Nghị định quy định vốn hoạt động của Quỹ được sử dụng cho 4 mục đích: Ứng vốn cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai; Ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất để thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng trên quỹ đất đã được giao quản lý nhằm nâng cao giá trị khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Khẳng định sự cần thiết của Quỹ này, bà Chu Nguyên Thành - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Phát triển TP. Hà Nội cho biết, Thành phố được thành lập Quỹ phát triển đất từ năm 2011 và thực hiện đến năm 2017 thì uỷ thác cho Quỹ đầu tư quản lý. Từ khi hoạt động đến nay, Quỹ đã ứng hơn 20 nghìn tỷ đồng thực hiện các nhiệm vụ rất hiệu quả.

Đánh giá cao và cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị định, bà Chu Nguyên Thành khẳng định, Quỹ này có nhiệm vụ ứng để giải quyết các vấn đề về nguồn tài chính giúp các địa phương có nguồn lực linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ, sau đó sẽ hoàn trả lại cho Quỹ. 

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Về mô hình hoạt động của Quỹ, Tổng Giám đốc đồng tình với dự thảo là chỉ để 2 mô hình: độc lập và uỷ thác. Tổng Giám Đốc Chu Nguyên Thành bày tỏ mong muốn: “sớm ban hành nghị định để Quỹ hoạt động, đóng góp cho sự phát triển địa phương”.

Cơ bản nhất trí với dự thảo, đại diện Sở Tài chính TP. Hải Phòng nêu ý kiến: "Về giám sát đánh giá hiệu quả hoạt động Quỹ, cần làm rõ hơn vì dự thảo chưa quy định cụ thể nội dung giám sát đánh giá, tiêu chí đánh giá hiệu quả như thế nào. Nếu dựa vào kế hoạch tài chính của quỹ, thì kế hoạch đó liệu có được UBND tỉnh giao hay không? Vì vậy, phải có tiêu chí đánh giá. Đề nghị xem xét bổ sung, làm rõ nội dung này trong dự thảo."

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn nêu ý kiến góp ý về các nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị định nhằm giúp hoàn thiện hơn nữa các quy định tại dự thảo Nghị định này.