Tăng cường quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản

Gia Hân

Tại Nghị quyết số 27/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đảm bảo nguyên tắc Nhà nước sẽ không can thiệp nếu thị trường vận hành tốt, bảo đảm phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững.

Nghị quyết số 27/NQ-CP yêu cầu làm rõ nguyên tắc áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản trong mối quan hệ với các luật có liên quan.
Nghị quyết số 27/NQ-CP yêu cầu làm rõ nguyên tắc áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản trong mối quan hệ với các luật có liên quan.

Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội

Tại Nghị quyết số 27/NQ-CP, Chính phủ chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện việc thực thi pháp luật, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp hoặc chưa có quy định đầy đủ; trực tiếp chỉ đạo xây dựng các đề nghị xây dựng Luật, dự án Luật..

Đáng chú ý, về hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu, trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Xây dựng cần làm rõ nguyên tắc áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản trong mối quan hệ với các luật có liên quan: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Công chứng..., phù hợp với nguyên tắc xây dựng và áp dụng pháp luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Chính phủ nhấn mạnh, việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo nguyên tắc Nhà nước sẽ không can thiệp nếu thị trường vận hành tốt, bảo đảm phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững; có biện pháp, công cụ điều tiết phù hợp, kịp thời của Nhà nước khi cần thiết, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế.

Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, thiết kế các công cụ quản lý phù hợp về phạm vi, đối tượng và thẩm quyền của các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, minh bạch hóa thị trường, công bằng xã hội.

Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ Xây dựng phải thực hiện rà soát các quy định pháp luật của dự thảo Luật về: hợp đồng, công chứng, thẩm quyền, thủ tục, điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản... bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật về công chứng, dân sự, đất đai, đầu tư...

Triển khai quyết liệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Liên quan đến lĩnh vực bất động sản, về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu phải quy định cụ thể các chính sách đối với nhà chung cư, bao gồm: thời hạn sử dụng nhà chung cư; các trường hợp phải phá dỡ chung cư; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể, đảm bảo phù hợp với quy định Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng và Luật Đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo cần quy định linh hoạt Chương trình phát triển nhà ở cho địa phương, cắt giảm thủ tục hành chính để địa phương chủ động triển khai thực hiện... Song song với đó, phải gắn trách nhiệm của chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chính phủ trong việc triển khai quyết liệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030.

Xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, lợi nhuận định mức và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của các bên để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định cho phép nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hoặc đất khác (trừ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm) được thực hiện dự án nhà ở thương mại, phù hợp với quy hoạch khi có đủ điều kiện làm chủ đầu tư; có chính sách sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài gắn với đất thuê để phù hợp với thực tế.

Để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và các luật chuyên ngành khác với Luật Công chứng, Chính phủ yêu cầu cần sửa đổi theo hướng: Luật Nhà ở và các luật chuyên ngành khác quy định rõ các giao dịch phải công chứng, chứng thực về nhà ở, tài sản khác; Luật Công chứng quy định về trình tự, thủ tục công chứng các giao dịch đó; rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm nội dung dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thống nhất, đồng bộ với các Luật: Đầu tư, Kinh doanh bất động sản, Đất đai, Xây dựng, Quản lý, sử dụng tài sản công...