Kho bạc Nhà nước:

Tập trung nguồn lực triển khai Đề án Tổng Kế toán Nhà nước


Tổng kế toán Nhà nước, cụ thể là Báo cáo tài chính nhà nước, là một nội dung mới, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam và tương đối phức tạp với phạm vi ảnh hưởng rộng đến hầu hết các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc khu vực nhà nước.

Với sự quan tâm của toàn bộ hệ thống KBNN, tình hình triển khai Đề án Tổng KTNN đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Nguồn: Internet.
Với sự quan tâm của toàn bộ hệ thống KBNN, tình hình triển khai Đề án Tổng KTNN đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Nguồn: Internet.

Đây có thể được xem là nền móng quan trọng, làm tiền đề cho các giai đoạn hoàn thiện tiếp theo, góp phần vào công cuộc cải cách quản lý tài chính công tại Việt Nam để tiến đến một nền tài chính ngày càng công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Kế toán Việt Nam -Tương lai và triển vọng” do Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tổ chức với sự phối hợp, hỗ trợ của Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) tại Việt Nam, được tổ chức mới đây, ông Tạ Anh Tuấn-Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết: Trong những năm gần đây, quá trình cải cách kế toán công đã, đang diễn ra mạnh mẽ tại rất nhiều quốc gia và trở thành xu thế chung hướng đến áp dụng phương pháp kế toán dồn tích cho toàn bộ khu vực công và lập Báo cáo tài chính Chính phủ nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng quản lý tài chính công.

Đối với Việt Nam,Tổng kế toán Nhà nước (TKTNN), cụ thể là Báo cáo tài chính nhà nước, là một nội dung mới, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam và tương đối phức tạp với phạm vi ảnh hưởng rộng đến hầu hết các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc khu vực nhà nước. 

Với yêu cầu ngày càng phức tạp của công tác quản lý tài chính nhà nước, yêu cầu phản ánh đầy đủ, kịp thời cũng như công khai và minh bạch thông tin tài chính nhà nước ở Việt Nam, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kế toán nhà nước, để vừa đảm bảo vận dụng một cách phù hợp, linh hoạt những nguyên tắc, thông lệ và chuẩn mực kế toán công quốc tế, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Trước tình hình đó, tại Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020 và Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức KBNN thuộc Bộ Tài chính, Chính phủ đã giao cho hệ thống KBNN chức năng Tổng KTNN (nay là Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính).

“Tổng KTNN được hiểu là mô hình tổ chức, vận hành các yếu tố cấu thành KTNN (với 3 yếu tố nòng cốt là: khung pháp lý, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực; hệ thống thông tin), thực hiện kế toán tại các đơn vị thuộc khu vực Nhà nước nhằm đạt mục tiêu tổng hợp và lập Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) cho từng địa phương và cho toàn quốc”, ông Tạ Anh Tuấn chia sẻ.

Với sự quan tâm của toàn bộ hệ thống KBNN, tình hình triển khai Đề án Tổng KTNN đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng; Điển hình như: Xây dựng khung pháp lý; Xây dựng hệ thống thông tin Tổng KTNN; Tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực triển khai thực hiện Tổng KTNN.

Xác định Tổng Kế toán là nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển của KBNN giai đoạn tới, phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, toàn bộ hệ thống KBNN đã và đang tập trung toàn bộ nguồn lực để triển khai Đề án Tổng KTNN, trong đó, KBNN đề ra các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nhiệm vụ trước mắt là trong thời gian tới lập thành công BCTCNN đầu tiên. Với nhiệm vụ này, trong năm 2019, chính thức vận hành Hệ thống thông tin Tổng KTNN; triển khai thí điểm lập BCTCNN; hoàn thành BCTCNN tỉnh đầu tiên, trình UBND tỉnh để báo cáo HĐND tỉnh (tháng 11/2019); đến tháng tháng 5/2020, hoàn thành BCTCNN toàn quốc đầu tiên, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội.

Hai là, có định hướng cải cách trung và dài hạn. Về định hướng này, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý: một mặt, cần hoàn thiện các chế độ kế toán chưa được ban hành; rà soát, sửa đổi các văn bản pháp lý hiện hành để cải thiện chất lượng nguồn thông tin đầu vào của BCTCNN; mặt khác, ban hành theo lộ trình Chuẩn mực kế toán công của Việt Nam trên cơ sở phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với đặc thù riêng của Việt Nam để tiến tới từng bước áp dụng kế toán dồn tích thống nhất trong khu vực kế toán nhà nước.

Đồng thời, nâng cấp Hệ thống thông tin Tổng KTNN theo hướng kết nối/giao diện với hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, kết nối với mạng lưới của Chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu tài chính nhà nước tập trung để cung cấp số liệu tài chính nhà nước nhanh chóng, chính xác, góp phần rút ngắn thời gian lập BCTCNN xuống còn khoảng 6-9 tháng.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực làm công tác kế toán trong khu vực nhà nước thông qua cải cách tổ chức bộ máy kế toán khu vực nhà nước; tiến hành đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo được sự ủng hộ từ các cấp quản lý, các Bộ, ngành, địa phương cũng như sự chia sẻ của dư luận về những khó khăn, thách thức trong những năm đầu lập BCTCNN.