“Thế khó” của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Trong điều kiện bình thường, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vốn được coi như “chiến binh” chuyên giải quyết vấn đề giá cả tăng vọt. Tuy nhiên lần này, ngân hàng trung ương Mỹ cần đến sự hỗ trợ.

Ảnh: WashingtonPost
Ảnh: WashingtonPost

Quan điểm cho rằng lãi suất cao giúp làm giảm lạm phát vốn là một niềm tin phổ biến dựa trên triết lý kinh tế về quy luật cung cầu.

Tuy nhiên thực sự triết lý đó diễn ra trên thực tế như thế nào? Lần này nó sẽ hoạt động ra sao khi mà giá cả bị thổi phồng lên vượt qua chính sách kinh tế thông thường?

Thế tiến thoái lưỡng nan của ngân hàng trung ương

Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà phố Wall cảm thấy băn khoăn và thị trường bị rối loạn

Trong điều kiện bình thường, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vốn được coi như “chiến binh” chuyên giải quyết vấn đề giá cả tăng vọt. Tuy nhiên lần này, ngân hàng trung ương Mỹ cần đến sự hỗ trợ, theo nội dung bài báo mới được CNBC đăng tải.

Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Plante Moran Financial Advisors, ông Jim Baird, phân tích: “Liệu Fed có thể tự hạ được lạm phát hay không? Tôi nghĩ câu trả lời là không. Chắc chắn họ có thể giúp hạn chế bớt phía cầu bằng việc nâng lãi suất. Tuy nhiên, chính sách của Fed không thể giúp giải quyết được vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, cũng không thể tăng được năng lực sản xuất tại Trung Quốc, chính sách của Fed cũng không thể thuyết phục được những người làm nghề vận tải trên khắp nước Mỹ chấp nhận vận chuyển hàng đi xa qua nhiều vùng miền nước này”.

Dù vậy, các nhà hoạch định chính sách vẫn đang cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế và làm giảm lạm phát.

Cách tiếp cận này bao gồm 2 giai đoạn: ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất ngắn hạn, cùng lúc giảm dần quy mô chương trình trái phiếu 8 nghìn tỷ USD mà Fed đã tích lũy trong vòng nhiều năm qua nhằm giúp dòng chảy của tiền thông suốt trong nền kinh tế.

Theo định hướng của Fed, sự dịch chuyển hành động để hướng đến giảm được lạm phát diễn ra như sau:

Lãi suất cao hơn khiến cho tiền trở nên đắt đỏ và việc vay tiền kém hấp dẫn hơn. Thực tế này làm chậm nhu cầu sau khi cầu đã không ngừng ở mức thấp trong suốt đại dịch COVID-19. Nhu cầu giảm đi cũng đồng thời khiến cho các nhà kinh doanh chịu áp lực hạ giá nhằm thu hút người tiêu dùng mua sản phẩm của họ.

Các tác động tiềm năng bao gồm mức lương thấp, doanh số bán nhà giảm sâu hoặc thậm chí hoạt động kinh doanh nhà bị ngưng lại, kết quả định giá cổ phiếu sụt giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát leo thang và tác động từ cuộc chiến tại Ukraine lớn dần.

“Fed bao lâu nay vẫn thành công trong việc thuyết phục các thị trường rằng họ vẫn theo dõi sát sao tình hình, kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn được giữ vững. Khi mà chúng ta nhìn về phía trước, chắc chắn đó vẫn là sự quan tâm lớn nhất. Đó chính là điều mà chúng ta theo dõi rất sát sao nhằm đảm bảo nhà đầu tư không mất niềm tin vào khả năng của ngân hàng trung ương trong việc kiểm soát lạm phát dài hạn”, ông Baird nói.

Lạm phát giá cả tiêu dùng tháng 2/2022 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước và nhiều khả năng tăng với tốc độ tương tự trong tháng 3/2022. Giá xăng tăng 38% trong khoảng thời gian 12 tháng, giá thực phẩm tăng 7,9%, chi phí nhà ở tăng 4,7%, theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ.

Trò chơi của những kỳ vọng

Cũng có cả những yếu tố tâm lý trong cách suy nghĩ của người dân: lạm phát được tính toán đến trong một chu kỳ lặp đi lặp lại. Khi mà công chúng nghĩ rằng chi phí cuộc sống sẽ tăng lên, họ điều chỉnh hành vi theo đó. Doanh nghiệp tăng mức chi trả lương, người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn. Chu kỳ này khiến cho lạm phát bị đẩy lên cao hơn nữa.

Thực tế này lý giải tại sao các quan chức Fed không chỉ chấp thuận nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 3 năm mà họ còn nói nhiều hơn về vấn đề lạm phát trong nỗ lực hạ nhiệt kỳ vọng trong tương lai.

Nhìn từ cách đó, thống đốc của Fed Lael Brainard, người vốn luôn ủng hộ chủ trương lãi suất thấp đã có bài phát biểu vào ngày thứ Ba gây sốc đến thị trường khi bà nói rằng chính sách sẽ cần phải chặt chẽ hơn.

Đó là sự kết hợp giữa các cách tiếp cận: động thái hữu hình về chính sách lãi suất cũng như kỳ vọng về hướng diễn biến, rằng Fed hy vọng sẽ làm giảm lạm phát.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, ông Mark Zandi, nói: “Họ thực sự cần phải hãm đà tăng trưởng kinh tế. Nếu họ rút bớt động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán, chênh lệch tín dụng giãn ra và tiêu chuẩn bảo lãnh phát hành chặt chẽ hơn, tăng trưởng giá nhà đất chững lại, tất cả những yếu tố này sẽ làm chậm đà tăng trưởng của nhu cầu. Đây là một phần của cái mà họ đang làm ở đây, cố gắng siết chặt điều kiện tài chính một chút để đẩy tăng nhu cầu chững lại và kinh tế sẽ hãm đà tăng trưởng”.