3 "điểm nóng” của thị trường bất động sản quý I/2019
Công tác di dời trụ sở các bộ, ngành tại Hà Nội; Phí bảo trì chung cư; Giá đất nền tại một số địa phương có quy hoạch, hạ tầng phát triển là 3 "điểm nóng" thu hút được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý I/2019, thị trường nhà ở và bất động sản trong tăng nhẹ nhưng không có biến động nhiều, không để xảy ra các biểu hiện cực đoan.
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, nhưng vấn đề được dư luận quan tâm nhiều là: Việc di dời trụ sở các bộ, ngành tại Hà Nội; Phí bảo trì chung cư; Giá đất nền tại một số địa phương có quy hoạch, hạ tầng phát triển...
Liên quan đến việc di dời trụ sở các bộ, ngành, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đây là nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn và việc này đang được cân nhắc để trình Thủ tướng Chính phủ dựa trên các nguyên tắc là phải được sự đồng thuận của các bộ, ngành, bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Đến nay, việc di dời các bộ, ngành đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt. Địa điểm và quy mô đã được xác định ở khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Việc khai thác để bảo đảm nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính thực hiện trên nguyên tắc của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước để cân đối nguồn vốn và việc đấu giá quyền sử dụng đất là nguồn lực được đề xuất. Việc đấu giá này phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch được phê duyệt, bảo đảm tính công khai, minh bạch, phù hợp với Luật Đất đai, Luật Đầu tư công.
Về thông tin xóa bỏ phí bảo trì chung cư 2% được dư luận nêu ra, Bộ Xây dựng đã tổ chức kiểm tra, làm việc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đồng thời nhận được báo cáo của 40 địa phương về các vấn đề liên quan đến phí bảo trì cũng như quản lý vận hành nhà chung cư.
Theo Bộ Xây dựng, việc sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư đang gây ra nhiều tranh cãi và là nguồn gốc của nhiều vụ tranh chấp chung cư. Hiện có 3 luồng ý kiến về vấn đề thu quỹ bảo trì chung cư: Thứ nhất, giữ theo quy định hiện hành, quan trọng là quản lý và sử dụng sao cho công khai, minh bạch; Thứ hai, là bỏ không thu nữa; Thứ ba, là sau 5 năm nhận nhà mới thu.
Trong 3 phương án trên, Bộ Xây dựng ưu tiên phương án 1 vì cho rằng điều quan trọng là phải có biện pháp quản lý công khai, minh bạch quỹ này, đặc biệt là cơ chế giám sát từ Ban quản trị. Bộ Xây dựng sẽ có phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề này trong tháng 4/2019.
Trước thông tin giá đất nền có nhiều biến động thời gian qua tại một số địa phương có quy hoạch, hạ tầng phát triển như Đà Nẵng, Quảng Nam hay Vân Đồn (Quảng Ninh) và tại một số huyện sắp thành quận. Bộ Xây dựng nêu quan điểm, thị trường đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, vừa qua đất đai tại một số địa phương có diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính cùng các địa phương liên quan có biện pháp để ổn định thị trường đất đai, ổn định tâm lý của người dân, tránh nguy cơ "vỡ trận" như báo chí khuyến nghị.
"Bộ đã có văn bản gửi về các đia phương. Trước mắt, Bộ Xây dựng cung cấp thông tin quy hoạch minh bạch, để người dân có thể tự đánh giá tiềm năng phát triển và xác định xem có thực hiện đầu tư không" - Đại diện Bộ Xây dựng cho biết.