"Âm thầm" thị trường bất động sản đặc khu kinh tế

Theo Minh Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Dự thảo Luật Hành chính – Kinh tế đặc biệt chưa được Quốc hội bấm nút thông qua, nhưng trên thị trường bất động sản của ba đặc khu kinh tế, các nhà đầu tư âm thầm chuẩn bị các điều kiện cho đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Trong cuộc đua này, các doanh nghiệp nội đang giữ thế “thượng phong”.

Tại Phú Quốc, hầu hết các khu nghỉ dưỡng lớn thuộc các doanh nghiệp Việt như Vingroup, Tập đoàn CEO, Sun Group...Nguồn: Internet
Tại Phú Quốc, hầu hết các khu nghỉ dưỡng lớn thuộc các doanh nghiệp Việt như Vingroup, Tập đoàn CEO, Sun Group...Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia, các đặc khu kinh tế trong tương lai như một thỏi nam châm cực mạnh thu hút dòng vốn đầu tư vào đây. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư 10 tháng năm 2017 cho thấy số vốn đăng ký mới nhiều nhất là lĩnh vực bất động sản với gần 300.000 tỷ đồng, chiếm 28% tổng số vốn đầu tư vào các ngành nghề. 

Nhiều dự án tỷ USD

Trước thềm kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã triển khai lấy ý kiến của cử tri đối với đề án xây dựng đặc khu Vân Đồn. Tổng số cử tri được lấy ý kiến là 30.364/30.959 người. Chỉ 1,19% số cử tri không nhất trí – con số này cho thấy người dân huyện đảo Vân Đồn đang mong chờ một cơ hội mới thay da đổi thịt cho vùng cực Đông Bắc của Tổ quốc đến mức nào.

Hiện tại, Vân Đồn có 4 siêu dự án kêu gọi đầu tư, trong đó có 3 siêu dự án quy mô vốn tỷ USD, gồm: Dự án Cảng và khu đô thị Bắc Cái Bầu, tổng vốn đầu tư dự kiến 25.200 tỷ đồng; Dự án Khu phi thuế quan – khu công nghiệp sạch tại Khu kinh tế Vân Đồn, tổng vốn đầu tư dự kiến 27.300 – 31.500 tỷ đồng; Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, quy mô dự kiến hơn 16.000 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong nước như CEO Group, FLC, Sun Group, MIK Group, BIM Group… đón đầu cơ hội từ Vân Đồn, dự kiến sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào sân bay, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế bao gồm cả casino, khu vui chơi giải trí…

Trong khi đó, ở Phú Quốc, nhà đầu tư đã và đang đón đầu cơ hội đặc khu đang đến rất gần với đảo Ngọc. 193 dự án có tổng vốn 215.194 tỷ đồng đã được cấp phép và chấp nhận chủ trương đầu tư. 

Có 30 dự án với tổng vốn đầu tư 49.143 tỷ đồng đã đi vào hoạt động và 24 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô vốn lên tới 103.408 tỷ đồng. Đầu tư mạnh nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, Phú Quốc sẵn sàng đón cơ hội trở thành đặc khu hành chính – kinh tế đầu tiên của cả nước.

Theo ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO, mặc dù chưa được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhưng Luật Hành chính – Kinh tế đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.

Hiện các cơ quan có trách nhiệm đang bổ sung, sửa đổi chính sách ưu đãi đặc biệt với các đặc khu trong tương lai. “Với chính sách cởi mở ưu đãi, các đặc khu kinh tế chắc chắn sẽ thu hút được nguồn vốn và những nhà đầu tư thực sự có kinh nghiệm, uy tín, có tiềm lực tài chính”, ông Trần Đạo Đức nói.

Ưu thế nhà đầu tư nội

Trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2015, có nhiều điểm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Hành chính – kinh tế đặc biệt mới được Quốc hội thảo luận, cơ chế cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều ngang nhau.

Việc tạo sân chơi bình đẳng này đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà làm luật và các nhà đầu tư trong nước là làm thế nào để doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh được với các Tập đoàn xây dựng ở nước ngoài hùng mạnh, có bề dày hoạt động, kinh nghiệm quản trị tốt, đặc biệt là có nguồn vốn dồi dào.

Ông Trần Đạo Đức cho rằng thu hút đầu tư từ nước ngoài, việc đầu tiên chúng ta có được là nguồn vốn, có kinh nghiệm quản lý. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chịu sự quản lý của Luật và chúng ta vẫn có đủ chế tài để tránh những rủi ro khi người nước ngoài lợi dụng kẽ hở để giữ đất, lợi dụng sự thông thoáng của Luật để lách luật, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước.

Cùng với các doanh nghiệp lớn khác trong nước, ông Trần Đạo Đức tự tin rằng Tập đoàn CEO đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài. 

“Chúng tôi là những nhà đầu tư trong nước, chúng tôi tự tin hiểu về thị trường, về chính sách, con người, điểm mạnh cũng như điểm yếu để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối tác nước ngoài”, ông Đức chia sẻ. 

Đồng tình với quan điểm trên, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam không thua kém gì các doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, khi doanh nghiệp Việt có lợi thế là sân nhà, từ thị trường trong nước, văn hoá, pháp lý… hoàn toàn có thể làm chủ được.

Đề cập đến sự cạnh tranh sắp tới giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, chia sẻ, những năm 80-90 của thế kỷ trước, nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế hơn. Nhưng hiện tại nhà đầu tư trong nước đang có lợi thế rất lớn, vì đã có bề dày kinh nghiệm trong việc đầu tư các phân khúc nhà ở cao cấp, nhiều khu nghỉ dưỡng. Hơn nữa, nhà đầu tư trong nước còn hiểu rõ tâm lý, văn hoá người Việt Nam. 

Tại Phú Quốc, hầu hết các khu nghỉ dưỡng lớn thuộc các doanh nghiệp Việt như Vingroup, Tập đoàn CEO, Sun Group… Đối với Vân Đồn và Bắc Vân Phong, việc cạnh tranh lấn át của các nhà đầu tư nước ngoài là khó xảy ra”, ông Hà bộc bạch.