Chứng khoán ngày 24/2: Xuất hiện cầu mạnh đỡ giá

Theo Lan Ngọc (VnEconomy)

Lệnh mua dồn mạnh cuối ngày giúp giá nhiều chứng khoán và hai chỉ số có những chuyển biến tích cực. Lực lượng chặn mua giá thấp cũng duy trì khá lớn từ đầu phiên. Thị trường vẫn giảm điểm nhưng ở mức thấp nhất trong ngày. Tuy nhiên, khối ngoại đã trở lại bán ròng sau nhiều phiên mua ròng trước đó.

VN-Index tiếp tục giảm điểm nhưng đó không phải là kết quả tồi. Thị trường đang tìm điểm dừng sau phản ứng mạnh trước những tin xấu ở phiên liền trước. Chỉ số đóng cửa sát với mức cao nhất trong ngày, đặc biệt là cú lội ngược dòng trước giờ đóng cửa là chuyển biến tích cực.

Sau phiên ngày 23/2, sự sụt giảm của cả hai sàn có thể gây hoang mang ở một bộ phận nhà đầu tư. Và những gì xấu nhất có vẻ đã thể hiện tiếp ở giữa giờ giao dịch sáng nay. VN-Index về mốc 490 điểm, thị trường gần mất hết thành quả của 4 phiên tăng điểm trước đó. Đây cũng là thời điểm có sự chuyển biến, lực cầu vào sàn mạnh và tạo những cú nâng giá khá ấn tượng tại nhiều điểm cục bộ.

Có thể chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, khi đó cũng là thời điểm thông tin về CPI tháng 2 được giới đầu tư “truyền tai” với mức tăng chỉ với 1,96%. Là một mức tăng cao, nhưng vẫn nằm dưới 2% của một số dự tính trước đó. Nhưng nếu không phải là trùng hợp ngẫu nhiên, nhất là với thị trường nhạy như chứng khoán, thì chuyển biến từ thời điểm đó có phải là một phản ứng tích cực?

Sau CPI, sự chờ đợi tiếp tục hướng về khả năng điều chỉnh lãi suất cơ bản, có thể có cuối ngày mai (25/2). Thông tin này có thể ảnh hưởng trong ngắn hạn; về dài hạn, khi cơ chế lãi suất thỏa thuận được áp cho các khoản vay trung và dài hạn thì vai trò của lãi suất cơ bản sẽ trở nên mờ nhạt hơn.

Có thể từ những yếu tố tác động “bên ngoài”, nhưng rõ nét hơn là những chuyển động nội tại của thị trường trong phiên sáng nay. Lực cầu lớn đã xuất hiện rõ từ đầu giờ, tập trung chờ gom giá thấp. Có thể thấy điều này ở nhiều blue-chips, điển hình như sự đột biến của tổng cầu so với tổng cung tại VCG, KLS… so với những phiên gần đây.

Lực lượng canh mua này phát đi thông điệp tích cực hơn khi sự sẵn sàng trả giá cao hơn ở loạt lệnh ATC trên HOSE tại nhiều blue-chips, tạo cú nhảy khá ấn tượng về giá.

Tại SSI là sự đột biến về khối lượng với gần 1,7 triệu đơn vị, mức tăng 500 đồng/cổ phiếu vọt lên 1.500 đồng qua đợt khớp lệnh đóng cửa. Ấn tượng hơn, tại VCB, lượng mua ATC cực mạnh (so với quy mô giao dịch những phiên vừa qua) đã tạo cú đảo chiều ngoạn mục; giá từ giảm 200 đồng trước đó lên tăng 1.300 đồng; trong đó, khối ngoại tiếp tục là một trọng lực khi mua vào tới trên 75% tổng lượng giao dịch. Một kịch bản tương tự cũng có tại cổ phiếu ngân hàng khác là CTG. Ngay tại BVH, dù không có sức bật về giá cuối phiên nhưng lực lượng quét sàn lớn cũng là một điểm được chú ý, trong đó vẫn quen thuộc ở sự tham gia của khối ngoại.

Và dễ nhận thấy trên HOSE nhiều mã có được giá cao nhất trong ngày lúc đóng cửa. Ở những con số đơn thuần, lượng mã tăng tại đây cũng đã chiếm đa số với hơn 80 mã, trong khi chỉ còn 67 mã giảm và 5 mã giảm sàn.

Ở kết quả chung, VN-Index tiếp tục giảm điểm nhưng đã có chuyển biến tích cực về cuối phiên. Qua phiên này một khẳng định cần thiết được đưa ra là không có hiện tượng hoang mang như hôm qua, không có hiện tượng bán tháo bằng mọi giá. Trong khi đó, HNX đã cụ thể hóa những chuyển biến cuối ngày bằng mức tăng nhẹ chung cuộc của chỉ số.

Đóng cửa, hai sàn có khối lượng và giá trị không mấy thay đổi so với phiên liền trước. Nhưng sức cầu đã cho thấy quy mô lớn hơn. Và nếu ngày mai nút thắt chờ đợi về lãi suất cơ bản được gỡ, chuyển động tích cực đó có thể sẽ tiếp tục thể hiện. Thêm một thông tin đáng quan tâm là khối ngoại đã chấm dứt mua ròng trong phiên này khi đẩy mạnh bán ra, tuy nhiên giá trị bán ròng trên hai sàn là không lớn.