Đề xuất không để xe ở tầng hầm chung cư: Người dân để xe ở đâu?

Theo Sông Hàn/diendanbatdongsan.vn

Nếu đề xuất không để xe dưới tầng hầm chung cư đi vào thực tế, lượng xe “khổng lồ” của người dân sẽ để đâu, trong khi đất đô thị ngày càng hạn hẹp

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng cháy, chữa cháy chiều 13/11 vừa qua, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề xuất:“Quốc hội cần ban hành luật không cho phép để xe trong hầm các toà nhà chung cư để phòng ngừa cháy nổ”. Đề xuất này đang nhận được những ý kiến trái chiều trong dư luận.

Nhiều cư dân chung cư đều không tin tưởng tính khả quan của đề xuất trên của đại biểu đến từ đoàn Quảng Bình
Nhiều cư dân chung cư đều không tin tưởng tính khả quan của đề xuất trên của đại biểu đến từ đoàn Quảng Bình

Một trong những lý do mà đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đưa ra đó là vì ông cho rằng, tầng hầm chung cư, nhà cao tầng, khách sạn đang được dùng làm nơi để xe cho hàng nghìn người. Mỗi xe máy, ôtô có một bình xăng nên tầng hầm chứa xe thành “kho xăng dầu” và khi cháy thì không thể nào cứu chữa được. Nếu dùng nước dập thì xăng nổi lên trên và vẫn cháy, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản người dân.

Đây không phải lần đầu có người đưa ra đề xuất cấm để xe trong hầm chung cư. Vào tháng 4/2018, sau vụ cháy chung cư Carina, Hiệp Hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (Horea) đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành kiến nghị đưa bãi giữ xe ra khỏi tầng hầm chung cư để hạn chế cháy, nổ.

Horea lập luận vụ cháy chung cư Carina bắt nguồn từ sự cố cháy xe gắn máy trong hầm. Trong khi khảo sát hiện nay cho thấy, phần lớn các chung cư đang bố trí chỗ để xe tại tầng hầm. 

Thực tế, những vụ cháy gây chết người tập trung chủ yếu ở các trung tâm thương mại, các tòa nhà. Trong khi, những khu vực như vậy đều phải đạt những tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) nghiêm khắc mới được đi vào hoạt động thì rất nhiều nơi lại xem nhẹ vấn đề PCCC.

Rồi, cũng có nhiều biểu hiện về sự vô cảm với tính mạng người dân đang diễn ra hằng ngày. Đơn cử, một số chung cư cao tầng nằm sát chợ dân sinh, khiến mặt bằng bị lấn chiếm, xe chữa cháy không vào được; khi dân kiến nghị thì người đứng đầu chính quyền địa phương thiếu sự phối hợp để tìm biện pháp giải quyết.

Tức là, những nghi ngại về sự cố cháy nổ ở tầng hầm chung cư là đúng. Dẫu vậy, nhiều cư dân chung cư đều không tin tưởng tính khả quan của đề xuất trên của đại biểu đến từ đoàn Quảng Bình.

Nói như vậy vì, các thành phố lớn với quỹ đất hạn hẹp thì ngoài việc vươn lên cao và khoan sâu vào lòng đất thì không còn cách nào khác. Việc hình thành các bãi xe ngầm là không tránh khỏi. Vấn đề là phải nâng cao tiêu chuẩn PCCC ở chung cư, bên cạnh đó là đẩy mạnh kiểm tra và giám sát thực hiện.

Một chuyên gia cũng nhận định rằng “Chúng ta không thể bố trí được các bãi đất trống quy mô lớn để làm chỗ đỗ xe trong các khu đô thị được. Điều đó là quá khó. Theo xu hướng hiện đại, tất cả đô thị có cao ốc đều phải bố trí hầm gửi xe. Thậm chí là 1 tầng hầm, 5 tầng hầm và cả 10 tầng hầm”.

Nói thẳng ra, cả thế giới người ta làm, mình phải học hỏi xem làm thế nào cho an toàn chứ không chịu cải tiến toàn cải lùi. Chúng ta phải hiểu rõ hơn là họ làm ra sao? Tại sao lại không nguy hiểm tới người ở bên trên, và cách thức hoạt động của nhà để xe như thế nào? Chứ không thể cứ nguy hiểm là cấm, đây là tư duy cũ kỹ không chấp nhận được.

Hơn nữa, xin dẫn ra một ví dụ về sự cố cháy ở tầng hầm chung cư mới nhất để thấy công tác PCCC ngay từ ban đầu quan trọng và hiệu quả như thế nào. Đó là, vào khoảng 3h40 (sáng 14/11), cư dân tại chung cư Vinaconex 9 (Đại lộ V. Lê Nin, xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An) nghe tiếng còi báo cháy liền hốt hoảng chạy xuống cầu thang thoát ra ngoài. Ngay sau đó vụ việc được thông tin tới cơ quan chức năng. Khoảng 30 phút sau, đám cháy được khống chế hoàn toàn. Riêng phần đầu của chiếc xe ô tô đã bị ngọn lửa thiêu rụi.

Đấy, từ ví dụ này đặt ra cho chúng ta vấn đề: Tại sao công tác PCCC ở đây lại hiệu quả? Và nó cho thấy PCCC không phải việc đùa và không thể xuề xòa khi… chưa có cháy? Vì tính mạng của con người, những thiết bị không đảm bảo chất lượng sẽ phải được hủy bỏ. Các chủ đầu tư các tòa nhà, chính quyền phải có trách nhiệm làm tất cả vì sự an toàn tính mạng và tài sản của cư dân sống ở các tòa nhà.

Theo đó, nhiều người đồng ý với bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng khi bà cho rằng: “Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ trong mỗi mắt xích nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu UBND các cấp. Chính phủ cần có giải pháp đủ mạnh, kể cả giáng chức người đứng đầu hoặc thay thế cán bộ thì mới khắc phục được những hạn chế trong công tác PCCC hiện nay”.

Suy ra, một điều cần thiết với những người thực thi công vụ, của doanh nghiệp/chủ đầu tư và người dân là cái tâm kiên quyết không thỏa hiệp với các sai phạm và sự tắc trách; là tinh thần cảnh giác, không lơ là trong PCCC. Đó mới là những giải pháp căn cơ nhất trong công tác PCCC ở các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại.

Chứ cấm để xe trong tầng hầm, thì người dân ở chung cư sẽ để xe ở đâu? Áp lực cho hạ tầng phía ngoài sẽ như thế nào? Nên ý tưởng này chỉ có trong lý thuyết tối ưu thôi, nó phi thực tế.