Dư địa cho cổ phiếu bảo hiểm

Chí Tín - Theo Báo Đầu tư

Thị trường bảo hiểm vẫn còn có tiềm năng phát triển và điều này sẽ là dư địa cho các cổ phiếu bảo hiểm duy trì được giao dịch ổn định.

Trên 2 sàn chứng khoán hiện có 7 công ty bảo hiểm đang niêm yết, gồm Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam - Vinare (VNR), Tập đoàn Bảo Việt (BVH), PVI Holdings (PVI), Công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC), Công ty cổ phần Bảo hiểm Xăng dầu – Pjico (PGI), Công ty cổ phần Bảo Minh (BMI), Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI).

Ông Ian Cheng, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn bảo hiểm Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Công ty Ernst & Young) nhận xét, ở Việt Nam, thị trường bảo hiểm vẫn có tiềm năng phát triển rất tốt, cho dù gặp phải không ít khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Lý giải cho nhận định này, ông Ian Cheng cho biết,  nhiều nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á cũng từng trải qua nhưng giai đoạn khó khăn như Việt Nam hiện nay, thậm chí có thời điểm ở một số nước có một số công ty bảo hiểm bị thua lỗ lớn. “Tuy nhiên, phần lớn các công ty đều có sức mạnh tài chính vững vàng, nên họ thường đủ khả năng giải quyết những khó khăn của mình và thực tế chưa từng có khủng hoảng liên quan đến DN  bảo hiểm toàn cầu”, ông Ian Cheng nói.

Trong khi đó, một số DN bảo hiểm niêm yết cũng đang có định hướng phát triển khá rõ ràng. Chẳng hạn, BIC đang chủ trương tái cấu trúc, hình thành mô hình công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ (BIC Holdings) sẽ bao gồm các công ty con hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ, môi giới bảo hiểm, đầu tư tài chính, quản lý tài sản... Hiện BIC đang xúc tiến đàm phán với các đối tác để thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ và công ty quản lý tài sản. Sau khi thành lập 2 công ty này, cùng với các công ty con hiện có của BIC, như Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ (BIC hiện nay), Liên doanh LVI tại Lào, CVI ở Campuchia thì về cơ bản, mô hình BIC Holdings đã định hình.

Ngoài ra, một số công ty bảo hiểm niêm yết khác cũng vẫn duy trì được lợi nhuận khá trong 6 tháng đầu năm nay, bất chấp tình hình kinh tế chung còn  ảm đạm.

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2012 đã được soát xét của Tập đoàn Bảo Việt, lợi nhuận trước thuế của Bảo Việt đạt 1.027 tỷ đồng, tăng 54,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu lợi nhuận trước thuế của Bảo Việt, chiếm tỷ trọng lớn nhất là bảo hiểm nhân thọ (đạt 371 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2011), tiếp theo lần lượt là dịch vụ tài chính và hoạt động khác (321 tỷ đồng, tăng 19%); bảo hiểm phi nhân thọ (243 tỷ đồng, tăng 30%); dịch vụ ngân hàng (92 tỷ đồng, tăng 11%).

Trong khi đó, Công ty cổ phần PVI trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt mức lãi hợp nhất 235 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, và hoàn thành gần 61% kế hoạch lợi nhuận đã điều chỉnh. Vinare cũng đạt lãi ròng 153 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý II/2012, tổng doanh thu thuần từ bán bảo hiểm của Vinare là 183,3 tỷ đồng; lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm là 21,55 tỷ đồng. Ngoài các DN bảo hiểm niêm yết, động thái của một số DN chưa niêm yết, cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài đang góp phần làm sôi động hơn thị trường bảo hiểm trong thời điểm hiện tại. Qua đó, cũng tạo sức hấp dẫn để nhà đầu tư quan tâm hơn đến các cổ phiếu bảo hiểm nói chung.

Mới đây, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) vừa khuấy động thị trường thông qua việc ra mắt sản phẩm “Bảo hiểm cháy, nổ xe mô tô - xe máy”. MIC sẽ bồi thường cho chủ xe những thiệt hại do cháy, nổ xe mô tô xảy ra do mọi nguyên nhân. Trong khi đó, Công ty Bảo hiểm AAA cũng tạo ra điểm nhấn của mình trong một số sản phẩm, như bảo hiểm y tế, bảo hiểm du lịch toàn cầu...