Giải nhiệt cơn sốt đất đặc khu kinh tế

Theo Minh Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Trong khi vấn đề về đặc khu vẫn còn nằm trên bàn giấy và đang trong quá trình bàn thảo thì đất ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang) đã lên cơn sốt giá. Với sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, lãnh đạo ba địa phương trên đã có những giải pháp kịp thời hạ nhiệt cơn sốt đất này.

 Câu chuyện sốt đất tại đặc khu đã đặt ra cho cơ quan chức năng bài học về quản lý và có những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn không cho thị trường bất động sản phát triển theo hướng manh mún. Nghuồn: Internet
Câu chuyện sốt đất tại đặc khu đã đặt ra cho cơ quan chức năng bài học về quản lý và có những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn không cho thị trường bất động sản phát triển theo hướng manh mún. Nghuồn: Internet

Theo một số chuyên gia, câu chuyện sốt đất tại đặc khu đã đặt ra cho cơ quan chức năng bài học về quản lý và có những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn không cho thị trường bất động sản phát triển theo hướng manh mún mà phải có kế hoạch và có quy hoạch.

Anh Thanh Tùng, một người dân ở Vân Đồn, cho biết mỗi m2 đất tại đây trong vòng mấy tháng đã nhảy vọt gấp đôi. Đơn cử như đất ở tỉnh lộ 334 thuộc xã Hạ Long, từ 5 triệu đồng lên 12-15 triệu đồng/m2. Tại khu đô thị Thuỷ Sản Thống Nhất, từ 9 triệu tăng lên 25-28 triệu đồng/m2. Có những vị trí đắc địa như đường Seoul, đường 58 hoặc lô mặt biển đã lên đến 40-45 triệu đồng/m2.

Vòng xoáy sốt ảo

Tại Phú Quốc, các dự án quy mô nhỏ có mức giá trung bình 4-7 triệu đồng/m2, các dự án có quy hoạch bài bản, diện tích lớn từ 10 đến 55 ha có mức giá 15-25 triệu đồng/m2. Đất thổ cư được giao dịch nhiều chủ yếu từ những mảnh có diện tích 3.000 m2 trở lên.

Ông Đặng Đức Giới, Tổng Giám đốc công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Đặc khu – DK Land, cho biết hiện nay, dòng sản phẩm như đất của dân ở Phú Quốc chưa có đơn vị nào đủ đẳng cấp, trình độ, chuyên nghiệp để tư vấn, cung cấp thông tin về quy hoạch và giá một cách chính xác nhất cho khách hàng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Vân Phong. Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết trong quý I/2018, đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư lớn và cá nhân ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hạ Long, Nha Trang… đi tham khảo giao dịch đất tại Vân Phong.

Ông Mathew Powel, Giám đốc Savills Hà Nội, cho biết các khu vực này phần lớn đất chưa được quy hoạch, nếu khách hàng mua sẽ dễ vướng vào quy hoạch, các nhà phát triển bất động sản sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong giải phóng mặt bằng và đền bù với giá đất cao hơn giá trị thực, từ đó không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng ngoài số đông những khách hàng đầu tư lâu dài còn có nhóm tham gia đầu tư ngắn hạn, có những người có hành vi găm giữ, thổi giá đẩy giá, tạo nên cơn sốt ảo và khan hàng ảo.

Các địa phương vào cuộc

Ngay khi Bộ Xây dựng chỉ đạo, các địa phương trên đã vào cuộc ngay lập tức và đưa ra các biện pháp siết chặt quản lý đất đai. Tại Khánh Hoà, trước diễn biến đất Bắc Vân Phong phức tạp, từ tháng 12/2017, tỉnh không cấp phép xây dựng thêm dự án mới mà chỉ quản lý chặt những dự án đã có. Địa phương cũng đã thành lập tổ liên ngành để giám sát chặt tình hình đất đai.

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, cho biết tỉnh đã chỉ đạo đo đạc ngay những khu vực nóng để không phát sinh thêm. Tuy nhiên, thực tiễn và quản lý gặp khó khăn nên cần phải có hỗ trợ kinh phí, bồi thường hỗ trợ sớm để phát triển đặc khu, đảm bảo tránh tình trạng sau này đội giá lên cao quá.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa qua, tỉnh đã rà soát tất cả các dự án trên huyện Vân Đồn, thu hồi 9 dự án nhỏ với khoảng 352 ha không triển khai và đồng thời nghiêm cấm việc chuyển đổi đất rừng, nuôi trồng thuỷ sản trong thời điểm này. Tại Vân Đồn, toàn bộ quy hoạch chi tiết 1/500 đã dừng lại để chờ quy hoạch chung báo cáo Thủ tướng phê duyệt.

“Tỉnh đã nghiêm cấm chuyển đổi đất rừng, nuôi trồng thuỷ sản trong thời điểm này. Tỉnh đã có nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó có họp Hội đồng Nhân dân huyện để triển khai và hiện nay tỉnh đã khống chế được hiện tượng sốt ảo”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói.

Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thừa nhận tình trạng mua bán đất tại Phú Quốc đang diễn ra khá nghiêm trọng. Tỉnh đã thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra và xử lý những vụ việc này.

Qua kiểm tra cho thấy cứ 100 căn nhà được xây dựng có 63 căn vi phạm. Tất cả vi phạm này đều được xử lý theo quy định. “Hiện nay, tình trạng mua bán trái phép đất khá nhiều. Tỉnh đã nỗ lực ngăn chặn và đến thời điểm này mới tạm thời dừng lại”, ông Hồng nói.

Trước tình trạng sốt ảo tại các địa phương trên, ông Nguyễn Văn Đính đặt vấn đề rằng gốc rễ cơn sốt đất này phải chăng là do thông tin quy hoạch tại các địa phương hiện nay chưa minh bạch.

Ngay khi có chủ trương quy hoạch, chính quyền cần phải đi trước, có kế hoạch và giải pháp quản lý, đặc biệt là quản lý tài nguyên đất đai để ngăn chặn ngay tình trạng mua bán không phù hợp.

Để tránh được những cơn sốt đất trên diện rộng trong tương lai, theo ông Đính, các cơ quan chức năng cần có tính toán trước và có kế hoạch để kiểm tra, giám sát, đồng thời cần đưa ra giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn tình trạng sốt ảo, không cho phát triển theo hướng manh mún, tất cả phải đi theo đúng quy trình, đúng bản chất của thị trường.