Hiến kế gỡ rối 2% phí bảo trì chung cư

Theo Minh Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT công ty GP Invest, cho rằng nên có bộ tiêu chí để cử người vào ban quản trị một cách rõ ràng hơn. Ở một số dự án, trưởng ban quản trị lại là người của chủ đầu tư hoặc người vào ban quản trị cũng do chủ đầu tư tiến cử.

Cư dân chung cư TNR Goldsilk Complex vừa gửi đơn kiến nghị lên thành phố yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì
Cư dân chung cư TNR Goldsilk Complex vừa gửi đơn kiến nghị lên thành phố yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì

Tranh chấp chung cư, đặc biệt là tranh chấp quỹ bảo trì chưa bao giờ hết nóng, vì số tiền 2% quỹ bảo trì ở nhiều dự án lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, khiến nhiều chủ đầu tư không chịu bàn giao cho cư dân.

Buông lỏng quản lý?

Cư dân Dự án Pradise do công ty Cổ phần (CP) Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư vô cùng bức xúc và căng băng rôn phản đối chủ đầu tư về hàng loạt bất cập, sai phạm. Trong đó phải kể đến là việc tiền phí bảo trì khoảng 60 - 70 tỷ đồng của gần 2.000 hộ dân sống ở đây bị chủ đầu tư Hải Phát "om" hơn 3 năm nay.

Cư dân chung cư HHB Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng) cũng tỏ ra bức xúc vì chủ đầu tư Hải Phát không công khai minh bạch quỹ bảo trì, chủ đầu tư luôn trì hoãn bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị.

Công ty CP Tập đoàn Đại Dương và công ty CP Đầu tư thương mại VNECO Hà Nội chủ đầu tư chung cư Starcity, 81 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân mới chỉ bàn giao 2,5/30 tỷ đồng quỹ bảo trì cho ban quản trị.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư khác cũng trong tình trạng "chây ì" không trả phí bảo trì cho ban quản trị, như: Công ty CP May Thăng Long, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư số 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng; công ty Sản xuất thương mại BMM, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư BMM, quận Hà Đông; công ty CP Xây dựng số 2 - Vinaconex, chủ đầu tư chung cư nhà B Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm...

Những tranh chấp kể trên là điển hình cho việc buông lỏng quản lý các chung cư hiện nay. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Tp.Hà Nội, tính đến tháng 2/2019, trên địa bàn thành phố có 745 chung cư thương mại được đưa vào sử dụng, trong đó, mới 238/492 chung cư được bàn giao kinh phí bảo trì.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong quý II, quý III/2019, Sở sẽ tiến hành kiểm tra các chung cư ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố, tập trung kiểm tra vào công tác quản lý nhà nước về vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Trong năm 2018, Sở Xây dựng cũng đã tham mưu thành phố ra quyết định cưỡng chế kinh phí bảo trì 2% đối với một số CĐT và công khai trên các phương tiện đại chúng gần 20 chủ đầu tư chây ỳ bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị.

Để tránh những tranh chấp, thất thoát quỹ bảo trì, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đề xuất cần làm chặt ngay từ khâu bầu ban quản trị vì về nguyên tắc, ban quản trị sẽ được chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì để quản lý sau khi được bầu ra.

"Hiện nay, quy định chủ tài khoản của ban quản trị có thể là một hoặc nhiều thành viên đứng tên đồng chủ tài khoản. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hội nghị chung cư chỉ quy định một người trong ban quản trị làm chủ tài khoản. Theo tôi, cần quy định rõ tài khoản của ban quản trị phải có từ hai người trở lên làm đồng chủ tài khoản để tránh trường hợp lạm quyền, trục lợi", ông Châu nói.

Quỹ bảo trì - miếng bánh hấp dẫn

Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT công ty GP Invest, cho rằng nên có bộ tiêu chí để cử người vào ban quản trị một cách rõ ràng hơn. Ở một số dự án, trưởng ban quản trị lại là người của chủ đầu tư, rất gây phản cảm. Theo ông, để tránh rủi ro, tài khoản quỹ bảo trì nên đứng tên hai người trong ban quản trị, tránh tình trạng một người tự ký rồi rút tiền ra tiêu các khoản không rõ ràng.

"Điều mà nhiều người cũng đã nhìn thấy nhưng chưa nói lên được một thực tế đó là xuất hiện dấu hiệu "nhóm lợi ích" gây lộn xộn ở các chung cư, thậm chí "móc nối" với xã hội đen, khống chế cộng đồng dân cư ở đó để được bầu vào ban quản trị, nhằm thao túng và trục lợi các quỹ", ông Châu chia sẻ.

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, cho rằng việc chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị không phải là khó nếu ban quản trị đó được thành lập công khai minh bạch. Ở một số dự án do CEN Group quản lý đều được bàn giao quỹ bảo trì sau 3 tháng bàn giao hết nhà cho cư dân.

"Khi nhà chủ đầu tư đã thu tiền của dân rồi thì nên bàn giao cho dân, có sự giám sát của cơ quan nhà nước. Hiện nay, cơ chế luật pháp xử lý tranh chấp chung cư đã đầy đủ, các cơ quan liên quan có thực hiện được hay không. Nếu chủ đầu tư chưa giao cho dân thì phải có biện pháp cưỡng chế, nhưng bản thân tôi chưa từng thấy việc cưỡng chế này", ông Hưng cho hay.

Trước đó, HoREA đã kiến nghị cùng Bộ Xây dựng xem xét thực hiện nghiêm biện pháp cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho Ban quản trị. Đồng thời, HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất xây dựng "Luật Chung cư" để đáp ứng yêu cầu phát triển chung cư trong những năm tới.

Như vậy, mâu thuẫn chung cư xung quanh quỹ bảo trì nếu không có sự vào cuộc của cơ quan nhà nước và không có sự giám sát của chính quyền địa phương chắc chắn sẽ không bao giờ giải quyết được, vì "miếng bánh" quỹ bảo trì rất hấp dẫn đối với những cá nhân chưa tham gia công tác quản lý, điều hành bao giờ.