HoREA đề nghị giữ nguyên diện tích nhà ở xã hội tối đa là 70 m2

PV

(Tài chính) Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đề xuất với Bộ Xây dựng giữ nguyên quy định hiện hành về diện tích tối đa của nhà ở xã hội là 70 m2 mỗi căn, thay vì tăng lên đến 90m2 như dự thảo Nghị định phát triển và quản lý nhà ở xã hội đang được đưa ra lấy ý kiến.

HoREA đề nghị tiêu chuẩn thiết kế mỗi căn hộ nhà ở xã hội tối đa không quá 70m2. Nguồn internet
HoREA đề nghị tiêu chuẩn thiết kế mỗi căn hộ nhà ở xã hội tối đa không quá 70m2. Nguồn internet

Theo HoREA, quy định diện tích tối thiểu của nhà ở xã hội là 25m2 sàn là hợp lý, bởi căn hộ này đáp ứng được nhu cầu đông đảo của nhiều hộ gia đình gồm hai vợ chồng và 1-2 con, hoặc hộ gia đình chỉ có một người, hộ độc thân.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu như đề xuất tăng diện tích nhà ở xã hội lên 90m2 của Bộ Xây dựng được thông qua, thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ được hưởng lợi khi chuyển đổi các căn hộ có diện tích này bị tồn kho sang nhà ở xã hội.

Theo dự thảo nghị định trên, trường hợp nhà ở xã hội là nhà chung cư thì được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, tiêu chuẩn thiết kế mỗi căn hộ có diện tích tối thiểu là 25m2, tối đa không quá 90m2. Tỉ lệ số căn hộ trong dự án có diện tích từ 25m2 đến dưới 30m2 và từ trên 70m2 đến dưới 90m2 không quá 20% tổng số căn hộ.

Còn đối với trường hợp nhà ở xã hội là nhà ở liền kề thấp tầng thì tiêu chuẩn diện tích đất xây dựng của mỗi căn nhà không vượt quá 90m2. Tỷ lệ số căn nhà trong dự án có diện tích đất xây dựng từ 70m2 đến dưới 90m2 không quá 10% tổng số căn nhà.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định này cũng quy định, người mua hoặc thuê nhà ở xã hội chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ khi trả hết tiền theo hợp đồng đã ký kết và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tuy nhiên theo HoREA, quy định diện tích sàn của nhà ở xã hội lên đến 90m2 theo dự thảo nghị định là chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay.

HoREA lập luận rằng mục tiêu phát triển nhà ở xã hội là nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cơ bản, tối thiểu, phổ biến của đông đảo người thu nhập thấp ở đô thị chứ không nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở tối đa của một số ít trường hợp hộ đông nhân khẩu đặc thù.

“Sẽ là không hợp lý khi một căn hộ diện tích 90m2 chỉ dành cho một hộ thụ hưởng lại bằng ba căn hộ loại 30m2, một diện tích có thể dành cho ba hộ. Trong khi đó, nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ nhiều khoản như miễn tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng bằng 5% (so với thuế suất bình thường là 10%), thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 10% (so với mức bình thường là 22%), lãi suất tín dụng ưu đãi… Với cùng một mức hỗ trợ của nhà nước, nếu phát triển được nhiều căn hộ nhỏ sẽ phục vụ được nhiều người dân hơn là phát triển một căn hộ diện tích lớn” văn bản kiến nghị góp ý của HoREA nêu rõ.

Từ đó, HoREA đề nghị tiêu chuẩn thiết kế mỗi căn hộ nhà ở xã hội tối đa không quá 70m2 như đã được quy định tại Nghị định 188/2013/NĐ-CP. Diện tích tối đa này, theo HoREA, có thể cộng thêm dung sai 10% do UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phù hợp thực tế từng dự án trên địa bàn.

Cũng theo đề xuất của HoREA gửi lên Bộ Xây dựng, hiệp hội này đề xuất mức cho vay tối đa với khách hàng mua nhà ở xã hội là 80% giá trị hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê mua, thay vì mức 70% như dự thảo nghị định.

Điều này sẽ phù hợp và thống nhất với Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng khi đã cho phép được vay đến 80% giá trị hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng cho thuê mua nhà ở xã hội.