IPO các đại gia: Cú hích cho TTCK?

Theo ĐTCK

Không giống như các đợt IPO của Vietcombank, PVFC, Bảo Việt được mổ xẻ nhiều trên mặt báo, đợt IPO của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), một trong ba DN lớn nhất trong Tập đoàn Dầu khí (PVN) và là đợt IPO lớn nhất của TTCK Việt Nam từ trước tới nay không thu hút sự chú ý của nhiều NĐT cũng như giới báo chí.

 

Một phần do TTCK đang ảm đạm, một phần là do đã có quá nhiều NĐT cá nhân cũng như tổ chức thua lỗ nặng nề khi đầu tư vào các đợt IPO đại gia trước đây. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh rộng hơn thì nhiều nước trong khu vực đã nối lại các đợt IPO lớn sau khủng hoảng kinh tế. Với Việt Nam, liệu điều này có nên thực hiện?
Ẩn số sức cầu
Bên lề buổi roadshow của PV Gas tại Hà Nội, một nhà báo đã đặt câu hỏi với ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt, đơn vị tư vấn IPO cho PV Gas về khả năng hấp thụ 95 triệu cổ phần trong đợt IPO này khi dòng tiền trên TTCK dường như đang cạn kiệt. Kịch bản nào cho đợt IPO của PV Gas, đơn vị có vốn lớn nhất từ trước đến nay được đem ra đấu giá? Ở cương vị của ông Hải, thật khó có thể trả lời câu hỏi trên.

PV Gas đặt mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015 đạt tốc độ tăng trưởng, doanh thu 18 -20%/năm, trong đó, cơ cấu doanh thu khí chiếm 61%, sản phẩm khí chiếm 17%, dịch vụ chiếm 22%. Tương lai của công nghiệp khí Việt Nam nói chung và PV Gas nói riêng đang phát triển. Tuy nhiên, với các NĐT cá nhân, nếu nhìn vào các chỉ số cơ bản khi đánh giá cổ phiếu như PE, EPS, doanh thu, lợi nhuận, quy mô DN, thì ở thời điểm này, cổ phiếu PV Gas chưa hẳn là khẩu vị thời thượng. Một NĐT hạng VIP của CTCK VNDirect, tham dự buổi roadshow PV Gas cho biết, chị sợ bị "om vốn", sợ thua lỗ khi mua cổ phần của các DNNN lớn như VCB, Bảo Việt, PVFC trước đây và thời điểm này, trên sàn có quá nhiều sự lựa chọn hấp dẫn.

Song quy mô của PV Gas chiếm ưu thế tuyệt đối trong ngành khí. Tới đây, DN này niêm yết cổ phiếu, giá trị vốn hóa cổ phiếu PV Gas chiếm tới 1/10 thị trường, có trọng số lớn trong rổ tính VN-Index, vậy thì các tổ chức khó có thể bỏ qua. Lãnh đạo PV Gas cho biết, có tới 40 NĐT nước ngoài, trong đó có cả các tổ chức tài chính và các tập đoàn năng lượng bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của PV Gas. Tất nhiên, họ phải mua cổ phiếu PV Gas với giá trúng thầu bình quân, tức là ít nhất 31.000 đồng/CP, bằng mức giá khởi điểm IPO. Tuy vậy, với các NĐT chiến lược, mua cổ phần của một DN lớn ngành dầu khí, họ nhắm đến nhiều mục tiêu khác thay vì đầu tư tài chính đơn thuần.
Lùi hay tiến?
Đã rất lâu, Việt Nam mới có đợt IPO quy mô lớn như vậy và theo ông Tô Hải, để làm được điều đó cần sự quyết liệt của đơn vị chủ sở hữu vốn của DN. Từ khi được phê duyệt phương án cổ phần hóa, PV Gas mất 12 tháng mới có thể tiến hành IPO. Đơn vị tư vấn trải qua 8 tháng mới hoàn thành các thủ tục, trong đó riêng việc xin ý kiến Chính phủ và các cơ quan có liên quan để phê duyệt giá khí làm cơ sở tính toán kế hoạch kinh doanh, ước doanh thu, lợi nhuận trong các năm 2011 - 2015 mất tới 4 tháng. PVGas là công ty thành viên của PVN, theo quy định, phương án IPO của PV Gas không phải trình Chính phủ, tuy nhiên đây lại là DN quy mô lớn, hoạt động trong ngành tài nguyên đặc thù, nên phương án IPO phải được Chính phủ phê duyệt.

Được sự hỗ trợ và chỉ đạo quyết liệt của PVN, có nhà tư vấn "tầm cỡ" trong các mối quan hệ là CTCK Bản Việt, PV Gas vẫn mất tới cả năm trời để có thể thực hiện IPO. Với các DN lớn khác thì sao? Cũng là nhà tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone, ông Tô Hải cho biết, chưa thể nói đến khi nào DN này làm xong phương án cổ phần hóa vì đang mắc nhiều vấn đề. Khó khăn ở đây có thể hiểu vừa là những vấn đề kỹ thuật vừa là ý chí chủ quan của đơn vị chủ sở hữu là VNPT.

"Bản thân các DN trong diện cổ phần hóa đều muốn tiến trình này được thực hiện thật nhanh để hoạt động thông thoáng hơn, song quan trọng là đơn vị chủ sở hữu có quyết tâm không", ông Tô Hải nói. Ngoài MobiFone, Vietnam Airlines, Vinatex, Vinaphone, VnSteel đều có chủ trương cổ phần hóa từ 2 - 3 năm trước, song đến thời điểm này vẫn ở vạch xuất phát.

Nhìn ra xung quanh, 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã tiến hành 176 vụ IPO và thu hút được khoảng 212,17 tỷ nhân dân tệ. Con số này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2009. Theo ước tính của Pricewaterhouse Coopers, các DN Trung Quốc có thể thu hút được khoảng 500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 74 tỷ USD) thông qua các đợt IPO trong năm 2010. Lo ngại sức cầu yếu của TTCK và những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới là hoàn toàn dễ hiểu, song giới chuyên gia cho rằng, nếu chỉ nhìn IPO trên góc độ của TTCK thì sẽ không thấy được hết mặt tích cực của nó. Cách quản lý, cơ chế kinh doanh, kinh nghiệm, công nghệ, tăng cường khả năng giám sát từ công chúng, thông tin minh bạch, quyền lợi của cổ đông được bảo đảm… để DN phát triển bền vững và có tính cạnh tranh cao hơn là những yếu tố cần tính đến khi thúc đẩy DN IPO. Kinh nghiệm thành công của PVN và bài học thất bại từ thiếu giám sát trong điều hành DN của Vinashin là ví dụ.

TTCK Việt Nam đang thừa cung, nhưng cung hàng chất lượng cao đến từ DN quy mô lớn, có giá đúng giá trị thực của DN để thu hút dòng vốn của các tổ chức đầu tư nước ngoài, tạo đà hỗ trợ thị trường trong nước thì vẫn thiếu.