Nghịch cảnh chứng khoán

Theo DDDN

Sau 1 tháng tăng tốc, TTCK đã thực sự xuống dốc kể từ giữa tháng 5. Một tháng tăng điểm cũng là một tháng thị trường với rất nhiều nghịch cảnh không dễ tìm lời giải.

 

Trong vòng một tháng lại đây, TTCK được chứng kiến hàng loạt vụ sáp nhập DN. Toàn bộ các thương vụ này đều liên quan tới các "đại gia" đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Phải kể tới đó là SGT (Cty cổ phần Viễn thông Sài Gòn - Saigontel) sáp nhập với KCB (Tổng Cty cổ phần phát triển đô thị Kinh Bắc) hay Vinamilk thâu tóm 100% Cty cổ phần sữa Lam Sơn... 

Thông tin tốt giá vẫn giảm

Những thông tin có thể coi là rất "hot" kể trên không đủ sức tác động tới thị trường. Mặc dù với trường hợp KCB và SGT thì đây thực sự là một cú sáp nhập để hoàn thiện và gia tăng sức mạnh cho cả hai bên. KBC hoạt động mạnh trong lĩnh vực bất động sản tại miền Bắc còn SGT có chân trong bất động sản lẫn dịch vụ viễn thông tại miền Trung, miền Nam. Đối với Vinamilk cũng vậy, cú thâu tóm khiến Vinamilk có thêm một trang trại bò sữa và gần 2.000 tấn sữa tươi mỗi năm. Trong bối cảnh thiếu sữa tươi nguyên liệu như hiện nay thì đây thực sự là một cú thâu tóm hết sức có ý nghĩa.

Tuy vậy, đối với VNM, kể từ sau công bố quyết định sáp thâu tóm Cty cổ phần sữa Lam Sơn (hôm 7/5) cổ phiếu VNM vẫn lình xình quanh mức 90.000-92.000 đồng/CP và đặc biệt hôm 17/5 vừa qua mã này còn mất 500 đồng/CP khi rớt từ 92.500 đồng/CP xuống còn 92.000 đồng/CP.

Đối với SGT, giá giao dịch của mã cổ phiếu này đã quay trở lại với thời điểm 1 tháng trước đây. Hôm 19/4, giá bình quân giao dịch của mã này là 23.000 đồng/CP thì đầu tháng 5, sau khi quyết định sáp nhập được chính thức công bố, giá nhích lên tới 28.450 đồng/CP rồi lại rơi rất nhanh xuống chỉ còn 23.750 đồng/CP hôm 17/5. Thanh khoản cũng giảm mạnh chỉ còn 61.000 CP được giao dịch so với hơn 400.000 CP hôm 19/4.

KCB cũng không khác so với tình trạng chung nêu trên, sau khi đạt đến 59.750 đồng/CP vào hôm 28-29/4, mã này cũng bắt đầu xuống mặc dù giới đầu tư đều cho rằng cú sáp nhập kể trên có thể gia tăng năng lực vốn đã mạnh của DN này. Cho tới ngày 17/4, giá giao dịch của cổ phiếu này chỉ còn 54.500 đồng/CP.

Kết quả kinh doanh trái chiều với giá CP

Cty cổ phần Hàng hải Hà Nội - mã MHC là một ví dụ. Doanh thu bán hàng và cung ứng dịch vụ trong quý 1 của Công ty cổ phần Hàng hải Hà Nội đạt 5,615 tỷ đồng, lỗ 49,53 tỷ đồng, thậm chí đại hội cổ đông thường niên năm 2010 phải hoãn tới tháng 6/2010 thay vì tháng 4 theo kế hoạch. Tuy nhiên cách đây chưa lâu, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã đưa cổ phiếu MHC vào diện cảnh báo theo do lợi nhuận sau thuế hợp nhất của MHC năm 2009 là số âm. 2009 âm, quý 1/2010 cũng âm nhưng HMC lại tăng giá liên tiếp suốt từ đầu tháng 4/2010 cho đến gần cuối tháng 4 và hiện đang ở mức trên 10.000 đồng/CP (cao hơn khoảng 2.000 đồng/CP so với giá đầu tháng 4 là khoảng 8.000 đồng/CP).

Cty cổ phần MT GAS mã MTG cũng là một ví dụ về nghịch lý. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý 1/2010 của Cty này đạt 115,67 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lỗ 718,76 triệu đồng; lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu -89,85 đồng. Kết quả kinh doanh như vậy song MTG vẫn tăng liên tiếp suốt hơn 1 tháng qua. Nếu hôm 1/4 giá bình quân giao dịch của CP này là 11.850 đồng/CP thì 17/5 là 20.150 đồng/CP. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng tăng mạnh.

Trong khi nhiều DN lỗ nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng thì lại có nhiều DN lãi song giá cổ phiếu vẫn giậm chân tại chỗ.

Kết thúc quý I/2010 SacomBank đạt trên 510 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (chưa bao gồm lợi nhuận hợp nhất từ các Cty trực thuộc), tăng 46% so với cùng kỳ năm 2009. Một điểm đáng chú ý nữa ở SacomBank là tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,75%, một con số mà nhiều ngân hàng không dễ có được.

Kết quả kinh doanh thì như vậy song suốt gần 2 tháng qua cổ phiếu của ngân hàng này cứ loanh quanh ở mức trên dưới 21.000 - 22.000 đồng/CP.

Trong hàng loạt DN lãi lớn nhưng CP vẫn xuống có lẽ chỉ trường hợp của SSI là còn có chút căn cứ để giải thích là do tác động của việc BloomBerg trích dẫn lời của lãnh đạo SSI về chính sách tiền tệ. Lợi nhuận sau thuế của SSI trong quý 1/2010 đạt 270,7 tỷ đồng, xấp xỉ 9 lần so với lợi nhuận của quý 1/2009 là 30,3 tỷ đồng. Song cổ phiếu SSI suốt từ 1/4 đến giờ lại gần như xuống là chính. 1/4 giá giao dịch bình quân của cổ phiếu này là 43.350 đồng/CP. Đỉnh cao nhất mà SSI thiết lập được kể từ 1/4 đến nay là ngày 5/4, cổ phiếu này đạt mức giá bình quân 44.400 đồng/CP. Còn cho tới ngày 17/5 cho dù có lãi lớn song SSI cũng chỉ còn 38.250 đồng/CP. Tuy nhiên thanh khoản của SSI vẫn rất cao với 3.419.060 cổ phiếu được giao dịch trong phiên 17/5.

Kể từ giữa tháng 5, giá trị giao dịch cũng như giá đại bộ phận các cổ phiếu niêm yết đã rớt rất mạnh chấm dứt một giai đoạn bứt phá và đầy nghịch lý trên sàn chứng khoán. Qua đây, hi vọng nhà đầu tư có thể rút ra được những bài học hữu ích cho bản thân.