Nguồn vốn FDI "ào ạt" đổ vào bất động sản Việt Nam

PV.

Trong quý II/2016, Việt Nam tiếp tục nhận được một lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho những dự án mới được cấp phép và những dự án được tăng vốn. Trong 6 tháng đầu năm, có 1.145 dự án mới được cấp phép với lượng vốn FDI đăng ký lên đến 11,3 tỷ USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, lĩnh vực bất động sản thu hút 5% tổng vốn FDI.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bất động sản vẫn hút FDI

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2016, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI vào Việt Nam, với 25 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 604,8 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Cùng kỳ năm 2015, lĩnh vực này chiếm 8,5% tổng vốn FDI cam kết, nhưng số vốn cam kết lại thấp hơn, chỉ đạt 465,5 triệu USD. Như vậy, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản trong nửa đầu năm 2016 này vẫn cho thấy có chiều hướng gia tăng.

Theo giới quan sát, nhìn toàn cục, thị trường bất động sản hiện đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng nhưng chưa bền vững. Tuy nhiên dự báo trong năm 2016 này thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng không thấp hơn năm 2015 và sẽ có sự chuyển hướng tích cực.

Ngoài ra, với việc luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/07/2014, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được giao đất cho việc đầu tư vào các dự án nhà ở để bán sẽ giúp thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Thêm vào đó, đầu tháng 2/2016, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được đại diện Chính phủ ký kết tại Auckland (New Zealand), kết thúc quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm qua, nó sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước cũng như gia tăng dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản nói riêng.

Hàng loạt thương vụ đầu tư

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam với nhiều thương vụ lớn, có thể kể đến như: Tập đoàn bán lẻ Berli Jucker Thái Lan mua lại Metro Cash & Carry với giá 877 triệu USD. Hay Lotte đã mua lại Diamond Plaza nhưng giá trị thương vụ này chưa được tiết lộ. Ở phân khúc văn phòng, Tập đoàn Daibiru của Nhật Bản mua lại phần văn phòng tòa nhà Corner Stone từ VIBank với giá trị 60,1 triệu USD…

Trong đó, đáng chú ý là dự án Midtown có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 225,6 triệu USD sẽ thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh do DN đến từ đảo Cayman Islands đầu tư, là dự án bất động sản có quy mô lớn nhất được cấp phép trong 6 tháng qua.

Bên cạnh đầu tư trực tiếp, trong cùng thời gian trên, giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản mà cả bên mua và bán cũng có sự tham gia góp vốn của phía nhà đầu tư nước ngoài.

Như Keppel Land, nhà đầu tư đã phát triển nhiều dự án bất động sản lớn ở trong nước, đã ký kết thỏa thuận đầu tư có điều kiện để nắm giữ 40% cổ phần tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Empire City - đơn vị sẽ bỏ ra 1,2 tỉ đô la Mỹ để xây dựng khu phức hợp gồm khu căn hộ cao cấp, văn phòng, khu bán lẻ và tháp quan sát cao 86 tầng ở khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2, TP. Hồ Chí Minh.

Hay Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) tham gia góp vốn vào việc triển khai dự án River City, trên diện tích khu đất rộng 11,25 ha, quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng nhằm phát triển 12 block chung cư với khoảng 8.000 căn hộ, văn phòng và cửa hàng với mật độ xây dựng chiếm 23,6%.

Công ty cổ phần Sapphire (Sapphire JSC) thuộc Tập đoàn Sakkara (Úc) cũng cho biết có kế hoạch và tích cực tìm kiếm các dự án văn phòng, căn hộ, nhà ở cũng như các dự án tổng hợp, có quy mô từ trung bình đến lớn.

Năm 2016, xét về bất động sản thương mại đang hoạt động, bất động sản văn phòng sẽ tiếp tục là mục tiêu chính của các nhà đầu tư. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn là thị trường nhận được nhiều sự quan tâm, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài mới một khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP có hiệu lực.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ sôi động do Việt Nam đang nổi lên như một điểm nghỉ dưỡng mới, trong khi bất động sản công nghiệp cũng được kì vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi các tập đoàn đa quốc gia mở rộng các cơ sở sản xuất ở Việt Nam để tận dụng lợi thế của hiệp định TPP và những ưu thế về giao thương khác. Rào cản gia nhập thị trường bán lẻ cao sẽ thúc đẩy các đối thủ mới mua lại các danh mục hiện hữu trong kế hoạch gia nhập và mở rộng thị trường của họ.

Song song với những chính sách về tín dụng, những cải cách về hệ thống luật định như Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở với nhiều quy định thông thoáng cho nhà đầu tư và người mua, đây cũng chính là bàn đạp để thúc đẩy các giao dịch trong thị trường nhà ở, thu hút vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA)