Nhà đầu tư chứng khoán: Thất bại do đâu?

TBKTSG

Từ đầu năm đến nay, phần lớn các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam đều trong tình trạng thua lỗ. Nhiều nhà đầu tư đã tạm ngừng giao dịch hoặc chuyển sang kênh đầu tư khác.

Tại các sàn giao dịch chứng khoán hiện nay, không khí sôi động, nhộn nhịp không còn nữa, một số nhà đầu tư rảnh rỗi bám sàn thì quan sát bảng điện với vẻ vô cảm, tám chuyện hơn là đầu tư. Lý giải cho việc thất bại này có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân xuất phát từ những bản thân thị trường.

Về phía nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ: vẫn còn tâm lý “bầy đàn”, thích mua bán theo số đông, nóng vội, không kiên nhẫn, thích lướt sóng nên đã là “mồi ngon” cho những nhà đầu tư lớn, các tổ chức, vốn có nhiều thông tin hơn, có tiềm lực tài chính mạnh hơn và luôn có chiến lược và định hướng đầu tư rõ ràng. Cũng cần nói thêm, tuy các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đã chuyên nghiệp hơn so với 10 năm trước tuy nhiên trình độ quản lý tài chính, đọc hiểu báo cáo tài chính và hiểu rõ bản chất của công ty, của ngành vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Về phía công ty chứng khoán: có sự ưu đãi quá mức với nhà đầu tư lớn, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Nhiều công ty chứng khoán đã và đang cung cấp các sản phẩm tiện ích cho khách hàng lớn (còn gọi là khách VIP) như: mua bán chứng khoán trong cùng một ngày, cung cấp các sản phẩm phái sinh, cho phép bán khống một số chứng khoán và đa phần các công ty chứng khoán đều sẵn sàng cho phép các nhà đầu tư lớn sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ cao thậm chí không cần vốn đối ứng, được ưu đãi đến ngày thứ T + n (n: tùy công ty có thể là 0 ngày, 2 ngày, 4 ngày hoặc thậm chí là 12 ngày) đã tạo nên sự bất bình đẳng nghiêm trọng trên thị trường và kết quả là phần thua thiệt bao giờ cũng thuộc về nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Về phía công ty niêm yết: chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc và kịp thời việc công bố thông tin. Chẳng hạn khi giá cổ phiếu tăng nhiều phiên, thông tin kết quả kinh doanh tốt mới được công bố, như trường hợp TDH, KSH trước đây. Khi đó Ủy ban Chứng khoán (UBCK) đã phạt một số cá nhân vì việc sử dụng thông tin nội bộ để thu lợi cá nhân. Hoặc khi xuất hiện những tin đồn thì một số công ty niêm yết lại chậm trễ trong việc công bố thông tin. Đa phần các công ty có công bố thông tin thì cũng rất sơ sài, chẳng hạn như “cổ phiếu biến động giá ngoài sự kiểm soát công ty, do thị trường quyết định...”, cụ thể như trường hợp AAA, SQC, ITA, PVA, HTV...

Về phía cơ quan quản lý nhà nước: chưa kiểm tra sâu sát kịp thời việc công bố thông tin, việc làm giá cổ phiếu cũng như có chế tài thích đáng để minh bạch thị trường.

Hiện nay, cơ chế giám sát và yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin chưa thật sự hiệu quả. Cơ quan quản lý nhà nước gần như bất lực trước tình trạng làm giá, có chăng chỉ là xử lý cho có lệ. UBCK cũng thừa nhận rất khó để chứng minh và xử phạt đối với một số trường hợp làm giá. Nhiều trường hợp làm giá lộ liễu nhưng không thể xử lý đã làm mất niềm tin nơi nhà đầu tư.

Để thị trường phát triển vững chắc, lành mạnh, hiệu quả ngoài việc tăng thêm hàng hóa chất lượng cho thị trường, cần phải minh bạch hơn nữa thị trường, nâng cao năng lực quản lý, kịp thời ban hành các văn bản và quy phạm theo kịp sự phát triển của thị trường. Có như vậy niềm tin của nhà đầu tư mới được cải thiện. Quá trình thay đổi, cải tiến cần phải được thực hiện đồng bộ từ phía công ty chứng khoán, cơ quan quản lý đến công ty niêm yết và cần phải thực hiện quyết liệt.