Nhà ở, văn phòng hưởng lợi từ bất động sản công nghiệp

Theo Hà Thanh/VnExpress.net

Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại Việt Nam tăng lên sẽ tạo thêm nguồn cầu nhà ở, văn phòng cực lớn cho thị trường địa ốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông John Campbell, Tư vấn cấp cao phòng Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, trong hai quý đầu năm 2019 thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam ghi nhận nhiều tăng trưởng tích cực và điều này sẽ tạo cú hích lớn cho thị trường nhà ở, văn phòng.

Tính đến nay, có 326 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 95.500 ha. Thị trường ghi nhận 251 khu công nghiệp đã hoạt động với 60.900 ha (74% lấp đầy), 75 khu công nghiệp (29.300 ha) đang xây dựng, đền bù và giải phóng mặt bằng; 17 đặc khu kinh tế duyên hải có tổng nguồn cung 845.000 ha với 3,6 triệu lao động.

Chuyên gia này phân tích, khi tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ngày càng cao, lực lượng người lao động, quản lý, chuyên gia làm việc tại đây chắc chắn sẽ cần nhà ở. Mặt khác, các nhà sản xuất (doanh nghiệp, tập đoàn) cũng có nhu cầu đặt văn phòng làm việc, văn phòng đại diện tại vùng sản xuất để thuận tiện cho việc quản lý và kết nối thương mại.

Bên cạnh nhà ở và văn phòng là hai thị trường liên thông có nguồn cầu kết nối mạnh mẽ với thị trường bất động sản công nghiệp, nhiều khả năng bất động sản bán lẻ cũng được hưởng lợi kép từ chuỗi nhu cầu này. Bởi lẽ ở đâu có nhà ở và văn phòng phát triển, nơi đó lập tức xuất hiện các dịch vụ đi kèm để phục vụ cho hệ sinh thái bất động sản này.

Ông John Campbell cho hay, vốn đầu tư (FDI) vào ngành công nghiệp trong nửa đầu năm 2019 ghi nhận có 1.723 dự án mới đăng ký tương đương 7,41 tỷ USD. Phân khúc sản xuất thu hút 605 dự án, chiếm 71,2% FDI với 13,15 tỷ USD tăng 39,8% theo năm.

Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố thu hút đầu tư nhất, chiếm 26,3% và 16,7% tổng vốn FDI. Theo sau là Bình Dương chiếm 7,4% và Đồng Nai chiếm 6,7%. Nguồn vốn đầu tư từ Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 28,7% với 5,3 tỷ USD, theo sau là Hàn Quốc với 2,73 tỷ USD và Trung Quốc với 2,28 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, khu công nghiệp và vùng kinh tế thu hút gần 340 dự án FDI với tổng nguồn vốn gần 8,7 tỷ USD.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phát triển trên đà tăng của nguồn vốn FDI gấp 10 lần trong suốt thập kỷ qua. Nguồn cung đất công nghiệp dồi dào đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất và tăng các lựa chọn thuê đối với cả nhà xưởng xây sẵn cho thuê (RBF) và nhà xưởng xây theo yêu cầu (BTS).

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, Việt Nam cần cẩn trọng lựa chọn các dự án công nghiệp sắp tới để tăng trưởng hơn trong giá trị chuỗi, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Lao động giá rẻ và các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thuế ưu đãi sẽ tiếp tục trở thành những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam. Song khi tiếp tục chuyển đổi sang ngành công nghiệp giá trị cao Việt Nam phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng đầu tư.