Thanh tra việc quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất: Tháo gỡ từ chính sách

Theo Bảo Hân/daibieunhandan.vn

Để khắc phục những chồng chéo trong công tác thanh tra giữa các sở, ngành chức năng, nhất là trong công tác thanh tra việc quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất, một trong những giải pháp được đại diện thanh tra các sở, ngành của Hà Nội đề xuất là cần có bộ công cụ thanh tra chuẩn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn An Huy cho biết: Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước luôn ủng hộ, vận động, khuyến khích, tạo điều kiện đối với các dự án đầu tư để góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Nhưng cùng với đó là việc thực hiện quản lý đối với các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có sử dụng đất, từ đó đặt ra nhiều quy định.

Cụ thể, liên quan đến thẩm quyền, nội dung, biện pháp quản lý được quy định rất rõ tại các Luật Đầu tư 2014, Luật Xây dựng 2014, Luật Đất đai 2013, và Nghị định số 42/2017/ NĐ- CP ( sửa đổi NĐ số 59/2015/ NĐ- CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng)… Tuy vậy, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện.

Cụ thể, vẫn còn một số quy định chưa rõ ràng, liên tục phải sửa đổi bổ sung, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. Ví dụ, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn chưa phân định rõ trường hợp giao đất, cho thuê đất theo một trong 3 hình thức bao gồm đấu thầu theo Luật Đấu thầu; quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư; đấu giá quyền sử dụng đất...

Trong khi đó, để xác định một dự án đầu tư có hiệu quả hay không là vai trò của thanh tra, song thực tế, việc thanh tra công tác quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất hiện vẫn còn nhiều thiếu sót, lâu nay vẫn bị ảnh hưởng bởi kết quả mỗi năm thanh tra được bao nhiêu cuộc, xử lý được bao nhiêu vi phạm?... chứ ít khi nhắc đến việc qua công tác thanh tra phát hiện được những gì còn tồn tại của chính sách, qua đó đề xuất chỉnh sửa để có thể tránh xảy ra những vi phạm.

Chia sẻ về vấn đề này, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Thế Minh cho biết, trong quá trình triển khai công tác thanh tra thuộc phạm vi ngành cho thấy có nhiều bất cập về cơ chế, chính sách quản lý các dự án đầu tư sử dụng đất, giữa thực tế và quy định của pháp luật có sự chênh lệch, năng lực quản lý còn yếu kém; công tác giải phóng mặt bằng (vị trí đất, năng lực nhà đầu tư…) chưa hiệu quả; nhiều dự án đầu tư dàn trải dẫn đến thiếu vốn, chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản… dẫn đến tình trạng dự án bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của Nhà nước, của dân...

Việc xử lý sau thanh tra chưa thực hiện được do khó đánh giá được hiệu quả việc quản lý dự án có sử dụng đất. Một trong những nguyên nhân là quy định, trình tự, thủ tục, biện pháp nghiệp vụ công tác thanh tra vẫn còn chồng chéo, dàn trải, một vấn đề nhưng có nhiều sở, ngành cùng vào thanh tra. Ví dụ điển hình về quy trình rút giấy phép và thu hồi đất đối với dự án vi phạm, Sở Kế hoạch và Đầu tư quy định phải thu hồi đất trước khi thu hồi giấy phép, nhưng ngành tài nguyên và môi trường lại quy định phải thu hồi giấy phép trước khi thu hồi đất)…

Thiếu bộ công cụ chuẩn

Để công tác thanh tra việc quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất hiệu quả, bà Nguyễn Thanh Tâm, Thanh tra Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, dự án đầu tư có sử dụng đất là những dự án có thể là được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất (dự án xây dựng nhà ở tái định cư…), giao đất có thu tiền sử dụng đất (dự án xây dựng nhà ở để bán…) hoặc cho thuê đất (dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, dự án xây dựng nhà ở để cho thuê…).

Do đó, việc thanh tra đối với những dự án này nên thực hiện khoanh vùng để xác định rõ quy trình thanh tra các dự án đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng vốn để xây dựng dự toán nhưng trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc như việc đánh giá hiệu quả dự án còn nhiều khó khăn; nhiều cơ quan còn buông lỏng quản lý, thiếu thanh tra, kiểm tra; nhiều đơn vị vẫn cố tình vi phạm, mức phạt, hình phạt chưa đủ tính răn đe…

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Hùng cũng cho rằng, về dự án quyền sử dụng đất, dự án đầu tư đất, Sở đã thanh tra, kiểm tra nhiều dự án nhưng có nhiều dự án muốn gia hạn phải căn cứ vào cấp phép đầu tư. Do vậy, để thực hiện hiệu quả nên khoanh vùng lại những dự án, loại đất nào đưa vào đấu giá nhằm lựa ra những hình thức thuận lợi trong quá trình thanh tra.

Xuất phát từ công tác thanh tra tại cơ sở, đại diện thanh tra thị xã Sơn Tây, huyện Thanh Trì cho rằng, các dự án đầu tư có sử dụng đất chính là động lực để phát triển kinh tế xã hội, để biến điều này thành hiện thực thì các chủ đầu tư phải làm điều đó.

Vì vậy, trong thanh tra phải hết sức công bằng, thanh tra không đơn thuần chỉ đi “soi”, bắt lỗi chủ đầu tư, mà chính ngành thanh tra phải tìm và nhìn ra được những lỗi sai, tồn tại, bất cập trong cơ chế chính sách để từ đó có những đề xuất và tìm ra biện pháp tháo gỡ, xử lý, làm sao để dự án đầu tư tiếp tục thực hiện có hiệu quả.

Tất nhiên, để làm được điều này, cần sớm xây dựng một quy trình chuẩn cho công tác thanh tra, không chỉ riêng đối với thanh tra việc quản lý dự án có sử dụng đất… Vì khi đã có quy trình chuẩn, thanh tra từng ngành, các địa phương cứ theo đó làm, sẽ tránh được sự chồng chéo và những hiểu lầm không đáng có từ cơ sở được thanh tra.