Thị trường bất động sản Việt Nam: Yếu tố nào thu hút nhà đầu tư ngoại?

Theo baoxaydung.com.vn

Các chuyên gia bất động sản (BĐS), kinh tế nhận định: Thời gian qua, thị trường BĐS Việt Nam đã đi vào sự phát triển ổn định. Cùng với sự đầu tư từ các doanh nghiệp nội, BĐS Việt Nam chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào, nhất là phân khúc văn phòng, thị trường bán lẻ và khách sạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Có thể thấy, thời gian qua, nhờ những động thái tích cực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển như nâng cao yêu cầu về năng lực, tiềm lực tài chính của các Cty BĐS. Chính sách mở cửa cho người nước ngoài đầu tư BĐS ở Việt Nam cũng đã tạo cho các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam và cải thiện rất tốt cái nhìn nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư. Đây là yếu tố giúp thị trường có sức hấp các nhà đầu tư tiềm năng.

Theo ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Cty Jones Lang Lasalle Incorporated (JLL) Việt Nam, có 3 yếu tố sẽ tạo lực đẩy cho thị trường BĐS năm 2017. Đó là phát triển kinh tế ổn định; các bên liên quan của thị trường BĐS đều đang có triển vọng rất tốt như nợ xấu tiếp tục được xử lý rốt ráo, tín dụng đối với BĐS được phép tăng trở lại, nguồn vốn trong dân bắt đầu tham gia vào thị trường BĐS; chính sách và các vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước, định hướng, hỗ trợ thị trường phát triển minh bạch bền vững cũng sẽ là những nhân tố tích cực trong phát triển và thu hút vốn đầu tư vào thị trường BĐS.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2017, trong tổng số vốn FDI đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung đạt 1,42 tỷ USD, thì vốn vào lĩnh vực BĐS đạt 297,4 triệu USD. Trong 3 tháng đầu năm 2017, hoạt động kinh doanh BĐS thu hút khoảng 344 triệu USD, chiếm 4,5% tổng vốn FDI.
Đặc biệt, điều mà các nhà đầu tư ngoại quan tâm đến nhất chính là chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với họ. Hơn thế, so với các quốc gia xung quanh khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế là lao động trẻ, giá đất rẻ, giá xây dựng rẻ.

Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam lại là cơ sở hạ tầng kém so với các nước trong khu vực, nhiều nút thắt về thủ tục pháp lý, thị trường không minh bạch, thiếu thông tin, cơ sở pháp lý minh bạch,… gây bất lợi lớn cho Việt Nam khi có rất nhiều quốc gia tìm mọi cách để lôi kéo các nhà đầu tư vào nước họ. Đơn cử, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thua Thái Lan, Malaysia hay năm 2016, Việt Nam cũng đã tuột khỏi tay thương vụ xây dựng nhà máy sản xuất 1 tỷ USD từ Apple sang cho Ấn Độ cũng vì thủ tục đăng ký đầu tư, hạ tầng… chưa đáp ứng nhu cầu.

Điều này cho thấy, mặc dù các nhà đầu tư ngoại đánh giá cao thị trường Việt Nam vì GDP vẫn tiếp tục tăng trưởng, dân số trẻ, lãi suất được điều chỉnh, nhiều quy định với thị trường BĐS đã “cởi trói” và tháo gỡ nút thắt cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Song khi muốn tham gia vào một dự án, họ sẽ đặc biệt chú trọng đến pháp lý, sự hoàn thiện về nghĩa vụ tài chính của bên kêu gọi đầu tư hay bên bán đối với cơ quan quản lý nhà nước, tức là dự án đã có quyền sử dụng đất hay chỉ đơn thuần là được chấp nhận chủ trương?

Bên cạnh đó, họ lại mong muốn các tiêu chí quy hoạch phải rõ ràng (trong khu vực có dự án, nội tại từng dự án) để họ có thể định ra bài toán kinh doanh hiệu quả cho dự án trong tương lai.

Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Ưu thế vượt trội của nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh BĐS là tính chuyên nghiệp và theo chuẩn mực quốc tế ngay từ khâu thiết kế, lựa chọn vị trí, huy động vốn, triển khai xây dựng đến khai thác và quản lý mỗi dự án BĐS.

Thu hút họ đến là một chuyện nhưng để giữ chân họ ở lại đầu tư hay không thì Việt Nam cần phải thêm nhiều đãi ngộ hơn nữa trong vấn đề về thuế, thủ tục cấp phép đầu tư, các quy định pháp luật hiện hành dành cho nhà đầu tư ngoại, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ chuẩn quốc tế.