Top 10 sự kiện bất động sản nổi bật 2017

Theo Báo Đầu tư Bất động sản

Không còn bùng nổ như giai đoạn 2015 - 2016, thị trường bất động sản năm 2017 đã phát triển bình ổn, trầm lắng hơn. Dù vậy, thị trường năm qua cũng chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý, có sức ảnh hưởng tới thị trường năm 2018 và các năm sau. Dưới đây là 10 sự kiện bất động sản đáng chú ý trong năm 2017 do Báo Đầu tư Bất động sản lựa chọn.

 Không còn bùng nổ như giai đoạn 2015 - 2016, thị trường bất động sản năm 2017 đã phát triển bình ổn, trầm lắng hơn. Nguồn: Internet
Không còn bùng nổ như giai đoạn 2015 - 2016, thị trường bất động sản năm 2017 đã phát triển bình ổn, trầm lắng hơn. Nguồn: Internet

1. Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu

Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 và có thời gian thực hiện 2 năm.

Nghị quyết này đã gỡ vướng cho xử lý nợ xấu và được đánh giá không chỉ giúp ngành ngân hàng giải quyết nợ tồn đọng, mà còn tạo ra cơ hội cho các giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản, bởi tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu này chủ yếu là bất động sản. Sau Nghị quyết này, nhiều ngân hàng đã tiến hành xử lý tài sản đảm bảo, rao bán các dự án bất động sản. 

2. Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch

Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch. Luật gồm 6 chương, 59 điều, 3 phụ lục và có hiệu lực thi hành chậm nhất vào thời điểm 1/1/2019. Luật này quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch. Đáng chú ý, Luật không cho phép điều chỉnh quy hoạch thấp hơn nếu việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến quy hoạch cao hơn...

Được đánh giá có ảnh hưởng bao trùm tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề, Luật Quy hoạch có tác động lớn tới thị trường bất động sản, vì được kỳ vọng sẽ giúp dẹp loạn trong công tác quy hoạch tại các đô thị, các dự án đô thị, nhà ở  hiện nay.

3. Vốn đầu tư nước ngoài và M&A trong lĩnh vực bất động sản đạt mức kỷ lục

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản năm 2017 (tính đến 20/12/2017) đạt hơn 3 tỷ USD, riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (cả cấp mới và đăng ký thêm) hơn 2,5 tỷ USD, tăng tới 64,5% so với năm 2016.

Cùng với việc dòng vốn ngoại chảy mạnh, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản, theo nhận định của JLL, cũng đạt mức kỷ lục. Ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM cho biết, theo ước tính năm 2017, giá trị M&A trên thị trường Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, trong đó M&A mảng bất động sản sôi động nhất.

Còn theo thống kê của CBRE Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước có gần 30 giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản, với tổng giá trị giao dịch khoảng 800 triệu USD. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chiếm đến 68% tổng giá trị M&A trên thị trường này.

4. Phân cấp mạnh cho các địa phương quản lý hoạt động triển khai dự án

Ngày 5/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong đó tăng cường phân cấp cho địa phương trong việc thẩm định thiết kế xây dựng nhằm giảm chi phí đi lại, thời gian thực hiện thủ tục triển khai dự án.

Phân cấp, ủy quyền thẩm định dự án, thiết kế, dự toán xây dựng cho Sở Xây dựng các địa phương đối với công trình nhà ở cấp I có quy mô dưới 25 tầng, chiều cao không quá 75 m (trước là công trình từ cấp II trở xuống, quy mô dưới 20 tầng); Sở Xây dựng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đối với tất cả các dự án do UBND thành phố quyết định đầu tư; Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đối với công trình từ cấp II trở xuống của dự án do tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư; Người quyết định đầu tư (các Bộ, cơ quan ở trung ương) thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật của công trình từ cấp II trở xuống.

Việc phân cấp cho các địa phương đã giúp giảm tới 70% số hồ sơ mà trước đây đều “dồn” hết về Bộ Xây dựng giải quyết, tạo ra sự thông thoáng về mặt pháp lý và cởi trói cho các doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản.

5. Cơn sốt đất nền tại TP. Hồ Chí Minh

Manh nha từ cuối năm 2016 và bùng phát trong năm 2017, chạy theo các thông tin quy hoạch, cơn sốt đất nền tại TP. Hồ Chí Minh đã lây lan từ khu Đông ra cả các huyện vùng ven, thậm chí tới cả Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, những khu vực cách rất xa trung tâm Thành phố.

Trước tình trạng này, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra biện pháp mạnh nhằm dập cơn sốt, trong đó có cả yêu cầu xử lý hình sự đối với các đối tượng thổi giá đất. Trước động thái này, cơn sốt đất nền tại TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng hạ nhiệt.

6. Bùng nổ tranh chấp chung cư

Tưởng chừng Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở với những quy định chi tiết về quản lý nhà chung cư sẽ giúp tranh chấp giảm xuống. Tuy nhiên, trong năm 2017, thị trường lại chứng kiến sự bủng nổ tranh chấp chung cư.

Tại TP. Hồ Chí Minh, theo HoREA, toàn Thành phố có 105 chung cư có xảy ra tranh chấp. Còn tại Hà Nội, dù không có con số thống kê cụ thể, nhưng tranh chấp xảy ra tại hàng loạt chung cư như Hồ Gươm Plaza, Capital Garden, Khu đoàn Ngoại giao, New Horizon, Mipec Riverside, Bắc Hà C14…

7. Lần đầu tiên HoREA có liên tiếp 2 văn bản chỉ đích danh một doanh nghiệp để cảnh báo người tiêu dùng

Giữa tháng 11/2017, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã liên tiếp có 2 văn bản gửi cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh báo cáo về hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba và Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên, HoREA có liên tiếp 2 văn bản chỉ đích danh  doanh nghiệp để cảnh báo người tiêu dùng.

Sau cảnh báo của HoREA, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và chỉ ra nhiều sai phạm của nhóm công ty này. Nhiều khách hàng sau đó cũng có đơn tố cáo Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba lừa đảo và các đơn tố cáo này được HoREA chuyển cho cơ quan công an.

8. Hà Nội công bố quy hoạch ga Hà Nội

Giữa tháng 9, Hà Nội lấy ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận với mục tiêu đưa nơi này thành cửa ngõ mới của Thủ đô, gồm ba chức năng "đầu mối giao thông", "trung tâm thương mại - văn phòng" và "đầu mối giao lưu cấp vùng". Trên diện tích 98 ha của quy hoạch, sẽ có 27 ha làm văn phòng, nhà ở; 30 ha thương mại; 3,6 ha công viên; 21 ha cho giao thông... Tuy nhiên, sau khi thông tin này được công bố đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhất là việc xây dựng một số công trình cao 40 - 70 tầng.

Về Quy hoạch này, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội cho rằng, việc xây dựng các tòa nhà cao 40-70 tầng ở khu vực này sẽ có tác động lớn về giao thông và không gian kiến trúc - cảnh quan đô thị đối với khu vực ga nói riêng và khu nội đô lịch sử Hà Nội nói chung, cần nghiên cứu, thẩm định kỹ lưỡng. 

9. TP. Hồ Chí Minh giảm diện tích tối thiểu sau tách thửa xuống mức thấp nhất là 36 m2

Ngày 5/12/2017, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 60/2017/QĐ-UBND thay thế Quyết định 33/2014 QĐ-UBND về việc quy định diện tích tối thiểu được tách thửa với nhiều điểm mới. Theo đó, Quyết định 60 quy định tách thửa cho cả đất ở và đất nông nghiệp thay vì trước đó Quyết định 33 chỉ quy định về tách thửa đất ở. Ngoài ra, Quyết định 60 cũng giảm diện tích tối thiểu sau khi tách thửa xuống còn tối thiểu là 36 m2 tại các quận: 1, 3, 4, 5, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú.

Dù tới ngày 1/1/2018 quyết định này mới có hiệu lực, nhưng ngay sau khi được ký ban hành, Quyết định 60/2017 đã có ảnh hưởng lớn tới thị trường đất nền TP. Hồ Chí Minh. Thị trường đất nền phân lô tách thửa tại quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh giao dịch diễn ra sôi động và giá cũng tăng trở lại.

Quyết định này khi có hiệu lực, được dự báo sẽ giúp phân khúc đất nền phân lô tách thửa tại TP. Hồ Chí Minh sôi động hơn nữa trong năm 2018.

10. Lùi thời hạn “siết” sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Tháng 8/2017, Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014.

Theo dự thảo, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ được giảm về mức 45% vào năm 2018 và 40% vào năm 2019, thay vì đưa về 40% vào năm 2018 như quy định hiện hành của Thông tư 36. Đây được xem là thông tin tích cực, góp phần giúp thị trường bất động sản hồi phục trở lại vào cuối năm sau quý III trầm lắng.