Thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam

Hà Hường

Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam tăng 50,12% về số lượng so với cùng kỳ 2022
Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam tăng 50,12% về số lượng so với cùng kỳ 2022

Chuyển biến tích cực

Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán điện tử (TTĐT).

Cụ thể: Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016, của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định số 241/QĐ-TTg, ngày 23/2/2018, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội;

Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019, của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;

Chỉ thị số 22/CT-TTg, ngày 26/5/2020, của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp…

Các chủ trương, chính sách tập trung vào việc hoàn thiện và tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống TTĐT.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ưu tiên các ngành nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề xuất xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và được Chính phủ thông qua tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 (Kế hoạch dựa trên các kết quả đạt được trong giai đoạn trước, rà soát, đánh giá hiện trạng, nhu cầu phát triển TMĐT giai đoạn tới). 

Trong đó, xác định ưu tiên việc ban hành các chính sách, quy định và triển khai các giải pháp toàn diện nhằm tăng tỷ lệ TTĐT, thanh toán trên nền tảng di động trong giao dịch trực tuyến và giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt, phương thức giao hàng nhận tiền (COD) trong TMĐT; Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong TMĐT; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, NFC, POS...

Tại Quyết định số 316/QĐ-TTg, ngày 09/3/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thí điểm áp dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022 đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%...

Như vậy, những định hướng và nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng một môi trường thuận lợi, ưu đãi cho TTĐT phát triển là rất rõ ràng, dần đưa TTĐT trở thành phương thức thanh toán được sử dụng phổ biến trong cuộc sống và công việc kinh doanh đối với cả doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2025

Bên cạnh đó, bối cảnh đại dịch bệnh COVID-19 đã thúc đẩy tiến trình chuyển dịch hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Sự chuyển dịch này tiếp tục được duy trì sau đại dịch, thậm chí còn tăng trưởng nhiều hơn khi các ngân hàng nắm bắt xu hướng, tích cực triển khai các dịch vụ, công nghệ hiện đại, với nhiều chương trình ưu đãi

Thời gian qua, các ngân hàng số đã tích cực phát triển các ứng dụng với nhiều phiên bản cập nhật cũng như liên tục cung cấp các phiên bản mới. Tốc độ và khả năng xử lý của các ngân hàng số được tăng lên đáng kể.

Các ứng dụng này đã trở thành công cụ thanh toán hàng ngày ở Việt Nam. Việc sử dụng bằng QR code hay chuyển khoản tương đối phổ biến. Do đó, hiện nay các ứng dụng ngân hàng số phổ cập tại Việt Nam.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết hết 2022, hoạt động thanh toán không dung tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng khoảng 85% về số lượng và trên 31% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng khoảng 90% và trên 40%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 50,12% về số lượng so với cùng kỳ 2022. Cụ thể, qua kênh Internet tăng 90,21% về số lượng và 10,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 60,29% về số lượng và 13,89% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 142,06% về số lượng và 49,42% về giá trị; qua POS tăng 36,65% về lượng và 29,72% về giá trị.

Hệ thống TTĐT liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử nhìn chung hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân.

Bên cạnh đó, 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nhiều tổ chức tín dụng chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số.

Đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số; tích cực ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 hoặc hợp tác với công ty Fintech nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng trong hoạt động thanh toán.

Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%. Các ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data) trong đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân...

Các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp;

Nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC, thanh toán/rút tiền tại ATM bằng QR Code, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization) đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, qua đó góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân.

Một số vấn đề đặt ra

Mặc dù, đạt được một số kết quả về thanh toán không dung tiền mặt, tuy nhiên hoạt động này còn có những hạn chế, đó là:

Môi trường pháp lý trong lĩnh vực TTĐT vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ. Trên thực tế, các chính sách về TTĐT ra đời chưa có đột phá đáng kể và chưa được luật hóa, nhiều quy định còn bất cập và chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.

Vì vậy, hoạt động tạo môi trường phát triển dịch vụ và hình thành cơ chế bảo vệ các chủ thể, khách thể trong hoạt động TTĐT cũng như xây dựng quy trình giải quyết tranh chấp chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Bên cạnh đó, còn thiếu sự liên kết giữa các ngân hàng, trung gian thanh toán và các công ty cung cấp giải pháp thanh toán điện tử. 

Hiện nay, các tổ chức tài chính gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và các công ty cung cấp giải pháp TTĐT đều tự xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán mà chưa có sự liên kết, phối hợp và chia sẻ hạ tầng thanh toán với nhau.

Các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng.

Trên thực tế, hiện có khá nhiều sản phẩm thanh toán phi tiền mặt, nhưng mới chỉ có hệ thống thẻ ngân hàng là được kết nối liên thông. Trên thị trường có 50 - 60 ví điện tử, song không liên kết với nhau và mỗi ví sử dụng một QR Code khác nhau.

TTĐT tại Việt Nam mặc dù đa dạng nhưng chưa tạo lập được một hệ thống liên thông giữa các sản phẩm, dịch vụ TTĐT để tạo tiện lợi cho khách hàng.

Hiện nay, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân và điều này trở nên phổ biến hơn ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ngay cả trong các giao dịch TMĐT thì thanh toán điện tử vẫn còn ở mức thấp, đa phần người dân thực hiện mua sắm bằng hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng - COD, chiếm khoảng 85 - 90% tổng số giao dịch.

Nguyên nhân chính là do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh an toàn khi thực hiện mua sắm trực tuyến và chi phí khi sử dụng các phương thức TTĐT.

Cùng với đó, còn thiếu sự liên kết trên phạm vi rộng giữa các trung gian thanh toán với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ. Hiện nay, giữa các trung gian thanh toán với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chưa thiết lập được mối quan hệ bền chặt, rộng khắp.

Tại nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện TTĐT, dù họ có mong muốn thực hiện, có đủ kiến thức, kỹ năng và sở hữu các phương tiện thanh toán điện tử.

Gian lận và nguy cơ lừa đảo từ TTĐT đang có xu hướng gia tăng, trong đó các đối tượng lừa đảo đã tiếp cận người dùng và giới thiệu các chương trình hỗ trợ lãi suất vay, hỗ trợ rút tiền dư trong thẻ tín dụng, đóng hoặc kích hoạt thẻ tín dụng… từ đó chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng của người dùng để mua sắm trên các sàn TMĐT.

Thủ đoạn giả danh nhà mạng yêu cầu khách hàng nâng cấp Sim 4G nhằm chiếm đoạt Sim của khách hàng bằng cách nhắn mã USSD hoặc làm giả giấy tờ của khách hàng, sau đó đăng ký với nhà mạng để chiếm đọat Sim và thực hiện các giao dịch gian lận như rút tiền khỏi tài khoản, mua sắm và thanh toán online với các thiết bị điện tử đắt tiền… sau khi nhận mã OTP từ Sim...