TP. Hồ Chí Minh: Dành 42.500 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2022

Theo Bùi Hằng/kinhtemoitruong.vn

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, trong phiên bế mạc, các đại biểu HĐND Thành phố đã nhất trí thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, HĐND TP.HCM cũng đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2022, với nguồn vốn ngân sách Nhà nước của Thành phố là 42.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công cân đối từ nguồn bội chi ngân sách Thành phố trong năm 2022 hơn 9.900 tỷ đồng; Vốn đầu tư công cân đối từ ngân sách Thành phố hơn 32.500 tỷ đồng.

Về phân bổ chi tiết tổng số vốn, HĐND Thành phố thông qua mức vốn hơn 29.464 tỷ đồng. Trong đó, đối với vốn đầu tư công cân đối từ bội chi ngân sách Thành phố sẽ bố trí cho các dự án sử dụng vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ với tổng số vốn bố trí 5.450 tỷ đồng. Còn vốn đầu tư công cân đối từ ngân sách Thành phố với tổng số vốn 24.013 tỷ đồng.

Mặt khác, UBND Thành phố cũng dự phòng kế hoạch đầu tư công năm 2022 hơn 3.043 tỷ đồng để tiếp tục bố trí bổ sung vốn cho các chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công được HĐND thông qua trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố trong các đợt điều chỉnh, bổ sung.

Song song đó, các đại biểu cũng đã thống nhất với phương án dự kiến nguồn vốn Trung ương bố trí cho Thành phố năm 2022 hơn 2.479 tỷ đồng. Cụ thể, đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước có 4 dự án:

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) với nguồn vốn 1.000 tỷ đồng; Dự án xây dựng nút giao thông An Phú với nguồn vốn 365 tỷ đồng; Dự án xây dựng hạng mục mới Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM là 283 tỷ đồng; Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh là 120 tỷ đồng.

Về vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương có 5 dự án, gồm: Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 với số vốn là 190 tỷ đồng; Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 (Ngân hàng Thế giới) với số vốn là 400 tỷ đồng; Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM (SECO) với số vốn là 50 tỷ đồng; Dự án cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại TP.HCM (dự án SPR) với số vốn là 11 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên là 60 tỷ đồng.

Các dự án xây dựng trường học, y tế, giao thông phục vụ dân sinh, các dự án phục vụ công tác phòng chống dịch cần được quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Đối với các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và các dự án đã có khối lượng và dự án có khả năng hoàn thành trong năm cần xem xét ưu tiên bố trí đảm bảo đủ vốn để thực hiện dự án, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, người dân đồng ý giao đất nhưng không có nguồn vốn chi trả cho người dân trong vùng dự án.

HĐND Thành phố giao UBND Thành phố chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của từng số liệu, số vốn bố trí của từng dự án; Đảm bảo đúng quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan; Đúng các nguyên tắc bố trí vốn nêu tại Tờ trình.

Cùng với đó, có giải pháp hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án và theo quy định giải ngân vốn được giao đảm bảo đạt trên 95%.