Trách nhiệm lãnh đạo và những tác động đối với đạo đức kinh doanh, ý thức doanh nghiệp


Lãnh đạo là yếu tố đóng vai trò quyết định trong hầu hết các hoạt động, cũng như sự sống còn của doanh nghiệp. Dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo có trách nhiệm, việc định hướng đạo đức kinh doanh và nâng cao ý thức doanh nghiệp có điều kiện được thực thi hiệu quả. Trách nhiệm sẽ thúc đẩy lãnh đạo thực hành định hướng đạo đức kinh doanh theo các chuẩn mực xã hội và tăng cường kiểm soát các chính sách về nâng cao ý thức doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội để hoạt động tốt và nâng cao vị thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khái quát về trách nhiệm lãnh đạo, định hướng đạo đức kinh doanh, ý thức doanh nghiệp

Việc hoạt động có ý thức và tuân thủ đạo đức kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp (DN) có những lợi thế nhất định trong việc gia tăng giá trị và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Từ đó đặt ra yêu cầu nhiều hơn về trách nhiệm của lãnh đạo, bởi lãnh đạo có trách nhiệm sẽ định hình các hoạt động thuộc về đạo đức kinh doanh, nâng cao ý thức DN.

- Trách nhiệm lãnh đạo: Trách nhiệm lãnh đạo được thể hiện qua việc đáp ứng được các yêu cầu về đạo đức, tầm nhìn, cũng như yêu cầu về trách nhiệm đối với nhân viên và cộng đồng (Starratt, 2005). Trách nhiệm lãnh đạo bao gồm trách nhiệm hướng dẫn, giáo dục nhân viên và trách nhiệm của một công dân đối với xã hội (Starratt, 2005). Sự hướng dẫn và giáo dục của lãnh đạo đều nhằm giúp nhân viên hoàn thành tốt các công việc được giao và cải thiện hiệu suất của DN. Trách nhiệm lãnh đạo đối với xã hội sẽ giúp các hoạt động vì cộng đồng của DN được đẩy mạnh, qua đó sẽ có cơ hội được xã hội ghi nhận.

Theo quan điểm của nhóm tác giả, trách nhiệm lãnh đạo được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, từ đạo đức, tầm nhìn, hành vi đến nghĩa vụ đối với DN và cộng đồng. Lãnh đạo có trách nhiệm sẽ không ngừng thử nghiệm và vận dụng những cách thức quản lý tân tiến nhằm phát huy tối đa năng lực của nhân viên để gia tăng khả năng, những kết quả tốt trong hoạt động. Bên cạnh đó, lãnh đạo có trách nhiệm thường xuyên học hỏi, đổi mới tư duy, sáng tạo trong chiến lược quản lý, duy trì giá trị đạo đức cốt lõi nhằm làm gương cho nhân viên và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Ngoài ra, lãnh đạo có trách nhiệm thường nỗ lực hết mình trong nâng cấp bản thân, cải thiện tầm nhìn và giữ vai trò quan trọng trong định hướng đạo đức kinh doanh cũng như và nâng cao ý thức DN.

- Định hướng đạo đức kinh doanh: Trước đây, đạo đức kinh doanh chỉ là việc DN tuân thủ các nguyên tắc đạo đức thông thường, hành động chính trực, bảo vệ nhân viên và tuân thủ pháp luật (Kerr, 1988). Các DN được khuyến khích định hướng và tăng cường tuân thủ đạo đức kinh doanh để có thể đáp ứng được kỳ vọng của nhân viên và xã hội. Vì thế, đạo đức kinh doanh là một vấn đề quan trọng mà các DN đang hàng ngày phải đối mặt (Ruiz-Palomino và Banon-Gomis, 2017). Sự gia tăng của những hành vi phi đạo đức như: Xem thường các chính sách của DN, vi phạm pháp luật (Baehr và cộng sự, 1993) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các DN trong việc nghiêm túc thực thi định hướng đạo đức kinh doanh.

Ở Việt Nam, việc định hướng và thực hành đạo đức kinh doanh ở các DN là vấn đề khá mới mẻ. Định hướng đạo đức kinh doanh chỉ đơn giản việc hướng DN thực thi các hoạt động tương thân tương ái, tuân thủ luật pháp và quy định. Trong khi đó, các vấn đề về đạo đức đối với người tiêu dùng, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và tính bền vững là chưa được thảo luận đầy đủ hoặc chưa thực hiện nghiêm túc trong cộng đồng DN (Phạm và cộng sự, 2015). Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và toàn cầu hoá, các vấn đề về đạo đức kinh doanh ngày một trở nên phức tạp hơn. Nhu cầu tăng cường đạo đức kinh doanh (Crane và Matten, 2016) cũng đã yêu cầu các DN phải gia tăng sự chú ý và phát huy tầm quan trọng của định hướng đạo đức kinh doanh nhằm hoạt động hiệu quả và nâng cao danh tiếng.

- Ý thức DN: Trong những năm gần đây, ý thức không chỉ giới hạn trong những nghiên cứu về tâm lý học mà đang phát triển nhanh chóng trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội (Valerio, 2016). Ý thức đang dần phổ biến trong nhiều lĩnh vực, cũng như trong các hoạt động của DN (Kee và cộng sự, 2019). Sự quan tâm đến ý thức và lợi ích của của ý thức đối với các mối quan hệ nội bộ, cũng như quan hệ xã hội của DN đang ngày càng tăng lên rõ rệt (Kee và cộng sự, 2019). Điều này khiến các nghiên cứu về ý thức DN thường có xu hướng tập trung vào những giá trị tích cực mà nó đem lại (Nguyên và cộng sự, 2020). Ý thức DN đã được xác nhận là yếu tố có tác động tích cực đến hành vi của nhà quản lý và hiệu suất của nhân viên (Schuh và cộng sự, 2019), cho nên việc chú trọng phát huy ý thức sẽ giúp DN gặt hái được những kết quả có giá trị.

Lý thuyết nền

Vai trò của lý thuyết trách nhiệm lãnh đạo và lý thuyết hợp pháp đã được khẳng định trong cơ sở lý luận của ngành Khoa học xã hội. Trong các nghiên cứu thuộc về lĩnh vực quản trị kinh doanh, thì lý thuyết trách nhiệm lãnh đạo và lý thuyết hợp pháp đã được các học giả sử dụng để giải thích cho những mối quan hệ tương tác, cũng như làm rõ các yếu tố hành vi trong mô hình nghiên cứu. Việc này cũng giúp giảm thiểu các nhược điểm vốn có khi chỉ áp dụng một lý thuyết để phát triển nghiên cứu.

- Lý thuyết trách nhiệm lãnh đạo: Sự phát triển nhanh chóng của xã hội đã kéo theo những thay đổi về bản chất của lãnh đạo (Horner, 1997). Yêu cầu về lãnh đạo có trách nhiệm gắn với quyền và nghĩa vụ công dân của DN đã được thể hiện rõ nét trong các mục tiêu phát triển bền vững (Muff và cộng sự, 2020). Từ đó, vai trò then chốt của DN trong việc giải quyết các vấn đề giữa DN và xã hội đã hình thành, nên những kỳ vọng về việc DN phải xem xét các lợi ích của cộng đồng chứ không chỉ riêng (Dyllick và Muff, 2016).

Trên cơ sở này, lý thuyết trách nhiệm lãnh đạo đã yêu cầu lãnh đạo phải hội tụ các điều kiện về năng lực, sự tận tâm trong giáo dục, cũng như đào tạo nhân viên và chí hướng về đạo đức kinh doanh nhằm góp phần bảo vệ cộng đồng (Muff và cộng sự, 2020). Từ đó cho thấy, trách nhiệm lãnh đạo không chỉ là trách nhiệm với chính bản thân lãnh đạo hay với DN mà còn là trách nhiệm trên nhiều phương diện của xã hội. Ở đây, lý thuyết trách nhiệm lãnh đạo được sử dụng để giải thích cho tác động của trách nhiệm lãnh đạo đến định hướng đạo đức kinh doanh và ý thức DN. Theo đó, trách nhiệm lãnh đạo càng cao thì định hướng đạo đức kinh doanh và ý thức DN càng tốt, từ đó đóng góp cho sự an toàn và phát triển của xã hội.

- Lý thuyết hợp pháp: Lý thuyết hợp pháp là lý thuyết liên quan đến những nhận định và giả định được tổng quát hóa mà theo đó những hành động của DN được xem là đầy đủ, phù hợp, đúng đắn và đáp ứng được kỳ vọng của xã hội (Gray và cộng sự, 1995). Lý thuyết hợp pháp gắn liền với nhu cầu của DN về việc phải đáp ứng kỳ vọng mà các bên liên quan đặt ra thông qua các hoạt động có trách nhiệm đối với cộng đồng. Adams và Zutshi (2004), Deegan (2009) đã sử dụng lý thuyết hợp pháp để giải thích việc DN ngày càng quan tâm đến các hoạt động cộng đồng, đó là nhằm truyền thông đến các bên liên quan về việc DN thực hiện các nghĩa vụ đối với cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Tác động của trách nhiệm lãnh đạo đối với định hướng đạo đức kinh doanh và ý thức doanh nghiệp

Các vụ bê bối về đạo đức kinh doanh tại những DN hàng đầu như: Siemens, Volkswagen, UBER và nhiều trường hợp khác cho thấy, các DN chưa rút ra được bài học kinh nghiệm từ vụ bê bối ở Tập đoàn ENRON đã xảy ra trước đó (Muff và cộng sự, 2020). Hàng loạt vụ bê bối này đã làm tổn hại đến danh tiếng, cũng như niềm tin của xã hội đối với các DN (Muff và cộng sự, 2020). Trong khi, chính những hành vi sai trái của lãnh đạo hoặc lãnh đạo thiếu trách nhiệm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự yếu kém trong các hoạt động và làm suy giảm giá trị của DN (Pless và Maak, 2011).

Do đó, để gia tăng niềm tin của cộng đồng, cũng như nâng cao danh tiếng DN, lãnh đạo có trách nhiệm sẽ nỗ lực định hướng đúng đắn trong thực thi đạo đức kinh doanh và ý thức DN. Trách nhiệm lãnh đạo không chỉ thể hiện thông qua các đặc điểm và hành vi xuất chúng mà còn được thể hiện bởi vai trò chủ đạo của lãnh đạo trong việc chuyển đổi các hoạt động của tập thể thành lợi ích thiết thực cho DN và đóng góp cho xã hội. Trách nhiệm sẽ thúc đẩy lãnh đạo nhanh chóng phản hồi với mọi sự thay đổi và sẵn sàng xây dựng quan hệ đối tác với tất cả các cá nhân trong xã hội (Székely và Knirsch, 2005). Từ đó, DN có thể kỳ vọng trách nhiệm lãnh đạo giúp DN thực thi đạo đức kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu suất và hỗ trợ cho thực hiện thành công các chiến lược lâu dài của DN (Székely và Knirsch, 2005).

Mặt khác, trách nhiệm lãnh đạo được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, từ đạo đức, tầm nhìn, hành vi cho đến nghĩa vụ đối với DN và cộng đồng. Lãnh đạo có trách nhiệm sẽ không ngừng thử nghiệm và vận dụng những cách thức quản lý tân tiến nhằm phát huy tối đa năng lực của nhân viên. Bên cạnh đó, lãnh đạo có trách nhiệm học hỏi, đổi mới tư duy, sáng tạo trong chiến lược quản lý, duy trì giá trị đạo đức cốt lõi nhằm làm gương cho nhân viên và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Ngoài ra, lãnh đạo có trách nhiệm thường nỗ lực hết mình trong nâng cấp bản thân, cải thiện tầm nhìn và giữ vai trò quan trọng trong định hướng đạo đức kinh doanh cũng như nâng cao ý thức DN.

Đề xuất, khuyến nghị

Các nền kinh tế đang chuyển đổi trên thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề phổ biến về đạo đức kinh doanh (Nguyen và Van Dijk 2012; Van Vu và cộng sự, 2018). Mặc dù, các DN tại Việt Nam đã nhận thức rộng rãi về hành vi vi phạm đạo đức nhưng các nghiên cứu về định hướng đạo đức kinh doanh, cũng như ý thức DN nhằm thúc đẩy DN thực hiện các hoạt động có ích cho cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong thực tế, định hướng đạo đức kinh doanh là việc DN xây dựng các bộ quy chuẩn để hướng toàn thể nhân viên thực hành các hành động phù hợp với yêu cầu nội bộ và yêu cầu của luật pháp. Bên cạnh đó, ý thức DN sẽ giúp lãnh đạo và nhân viên có thể giảm căng thẳng, áp chế kiệt sức về tâm lý, từ đó tập trung tinh thần, kích thích tư duy sáng tạo nhằm cải thiện giao tiếp và tăng năng suất trong công việc.

Có thể thấy, việc lãnh đạo định hướng để DN thực hiện các hành động có ý thức sẽ giúp DN thu nhận được những lợi thế nhất định, bởi vì ý thức DN được xem là nền tảng để DN gia nhập vào làn sóng cạnh tranh và phát triển một cách bền vững (Kristensen, 2018). Hơn nữa, lãnh đạo sẽ được thúc đẩy bởi lợi nhuận và công cuộc tối đa hóa giá trị cho cổ đông (Horner, 1997). Họ sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến những người theo dõi để hoàn thành các mục tiêu của tổ chức và đưa đem lại hiệu quả hoạt động ở những mức độ cao (Rost, 1991). Do đó, lãnh đạo có trách nhiệm cố gắng sử dụng tối ưu các nguồn lực của DN để định hướng đạo đức kinh doanh và gia tăng ý thức DN. Việc này sẽ đem lại những giá trị hữu ích cho nội bộ DN và các bên liên quan cũng như góp phần nâng cao danh tiếng của DN.

Hiện tại, ý thức DN là một vấn đề rất được quan tâm (Hoài và Nguyên, 2020). Các DN hàng đầu trên thế giới như: Google, Ford Motor, Goldman Sachs và rất nhiều DN khác đang không ngừng vận dụng ý thức để giải toả căng thẳng trong công việc cũng như thúc đẩy hiệu quả của các hoạt động trong DN (Purser, 2018). Thông qua ý thức DN, những căng thẳng tồn tại trong hoạt động của DN sẽ được giải quyết ổn thoả (Becker, 2013). Từ đó, ý thức DN đã trở thành yếu tố quan trọng trong việc giúp nhân viên tự giám sát bản thân, điều chỉnh trạng thái cảm xúc cũng như thực hiện các hành động chính trực và có trách nhiệm đối với DN (Purser, 2018).

Bên cạnh đó, lãnh đạo có trách nhiệm sẽ thực hiện định hướng đạo đức kinh doanh và xây dựng ý thức DN mang tính phù hợp cao với các yêu cầu của luật pháp. Qua đó, DN có thể sẵn sàng ứng phó với các xung đột lợi ích hoặc mâu thuẫn với các bên liên quan trong các tình huống khó xử về đạo đức kinh doanh (Maak và Pless, 2006). Khả năng hành xử công bằng và đạo đức sẽ giúp DN nâng cao danh tiếng (Maak và Pless, 2006), cho nên lãnh đạo có trách nhiệm cần đưa ra những chính sách phù hợp trong định hướng đạo đức kinh doanh nhằm thực hiện trách nhiệm công dân của DN cũng như bảo vệ cộng đồng.

Mặt khác, ý thức DN được thiết lập bởi lãnh đạo có trách nhiệm sẽ thúc đẩy DN nâng cao tính tuân thủ các yêu cầu nội bộ và luật pháp. Thông qua lãnh đạo có trách nhiệm, các hành động có ý thức của DN sẽ có điều kiện được thực thi một cách triệt để. Từ đó thấy rằng, trách nhiệm lãnh đạo có thể đóng vai quyết định trong việc định hướng đạo đức kinh doanh và nâng cao ý thức DN.

Tổng quan các nghiên cứu cho thấy, đây là nội dung còn mới mẻ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tại Việt Nam, định hướng đạo đức kinh doanh chỉ đơn giản là việc hướng DN thực thi các hoạt động tương thân tương ái, tuân thủ luật pháp và quy định. Các vấn đề về đạo đức đối với người tiêu dùng, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và tính bền vững chưa được thảo luận đầy đủ hoặc chưa thực hiện nghiêm túc trong cộng đồng DN (Phạm và cộng sự, 2015). Đồng thời, ý thức DN cũng chưa được các DN tại Việt Nam đặc biệt xem trọng.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và toàn cầu hoá nền kinh tế, các vấn đề về đạo đức kinh doanh và ý thức DN đã ngày một trở nên phức tạp hơn trước. Nhu cầu tăng cường đạo đức kinh doanh (Crane và Matten, 2016) và ý thức DN đã yêu cầu các DN Việt Nam phải gia tăng sự chú ý và phát huy tầm quan trọng của định hướng đạo đức kinh doanh, cũng như ý thức DN nhằm hoạt động hiệu quả và nâng cao danh tiếng.

Thông qua các nghiên cứu trước và các lý thuyết nền, nhóm tác giả nhận thấy, tác động tiềm năng của trách nhiệm lãnh đạo đối với định hướng đạo đức kinh doanh và ý thức DN cần được các DN Việt Nam xem xét thấu đáo hơn. Việc đánh giá chính xác tác động của trách nhiệm lãnh đạo đối với định hướng đạo đức kinh doanh và ý thức DN sẽ giúp các DN hành xử có đạo đức trong kinh doanh và nâng cao ý thức trong các hoạt động. Xét trên khía cạnh hợp pháp và trách nhiệm lãnh đạo, định hướng đạo đức kinh doanh và tăng cường ý thức DN là những hoạt động mà lãnh đạo phải cam kết thực hiện nhằm đáp ứng các yêu cầu của luật pháp và xã hội.

Hơn nữa, các DN tại Việt Nam cần đẩy mạnh định hướng đạo đức kinh doanh và nâng cao ý thức DN để có thể tạo lập lợi thế cạnh tranh, gia tăng kết quả hoạt động kinh doanh, nâng cao danh tiếng và phát triển bền vững. Do đó, lãnh đạo các DN Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện sự nhìn nhận của xã hội về chính họ và DN (Pless và cộng sự, 2012) thông qua định hướng đạo đức kinh doanh và tăng cường ý thức DN.

* Nghiên cứu này là một phần sản phẩm của Chương trình Đề tài cấp Bộ được tài trợ bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo với mã số đề tài: B2020-KSA-01.

Tài liệu tham khảo:

1. Từ Thanh Hoài và Nguyễn Phong Nguyên, 2020, Mô hình ý thức doanh nghiệp và kiểm soát nội bộ hướng đến hành vi đạo đức kinh doanh ở các doanh nghiệp tại Việt Nam, Tạp chí Công Thương, 3(2/2020), 92-99;

2. Gray, R., Kouhy, R., and Lavers, S. (1995), Corporate social and environmental reporting. Accounting, Auditing and Accountability Journal, 8(2), 47-77;

3. Kristensen, M. L. (2018), Mindfulness and resonance in an era of acceleration: A critical inquiry, Journal of Management, Spirituality and Religion, 15(2), 178-195;

4. Kee, Y. H., Li, C., Kong, L. C., Tang, C. J., and Chuang, K. L. (2019), Scoping review of mindfulness research: A topic modelling approach, Mindfulness, 10(8), 1474-1488;

5. Muff, K., Liechti, A., and Dyllick, T. (2020), How to apply responsible leadership theory in practice: A competency tool to collaborate on the sustainable development goals, Corporate social responsibility and environmental management, 27(5), 2254-2274;

6. Nguyen, T. T., and Van Dijk, M. A. (2012), Corruption, growth, and governance: Private vs. state-owned firms in Vietnam. Journal of Banking and Finance, 36(11), 2935-2948;

7. Purser, R. E. (2018). Critical perspectives on corporate mindfulness. Journal of Management, Spirituality & Religion, 15(2), 105-108;

8. Valerio, A. (2016). Owning mindfulness: A bibliometric analysis of mindfulness literature trends within and outside of Buddhist contexts. Contemporary Buddhism, 17(1), 157-183;

9. Van Vu, H., Tran, T. Q., Van Nguyen, T., & Lim, S. (2018). Corruption, types of corruption and firm financial performance: New evidence from a transitional economy. Journal of Business Ethics, 148(4), 847-858.

* PGS., TS. Nguyễn Phong Nguyên, Từ Thanh Hoài - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.