Trên 84.000 tỉ đồng đầu tư 3 tuyến đường bộ cao tốc trọng điểm phía Nam

Theo Kỳ Anh/Báo Hậu Giang

Sáng ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, về một số dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc trọng điểm. Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tình hình chuẩn bị đầu tư 3 dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Bà Rịa Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Hậu Giang sẽ nỗ lực hết sức khi triển khai các dự án cao tốc qua địa bàn. Ảnh: Kỳ Anh
Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Hậu Giang sẽ nỗ lực hết sức khi triển khai các dự án cao tốc qua địa bàn. Ảnh: Kỳ Anh

Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tình hình chuẩn bị đầu tư 3 dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Bà Rịa Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đồng thời, xin ý kiến Chính phủ nội dung dự thảo tờ trình về chủ trương đầu tư dự án; cho ý kiến về cơ chế, chính sách liên quan đến phân chia dự án thành phần, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư các dự án thành phần. Giao trách nhiệm hoàn thiện tờ trình, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư đối với 3 dự án trên. Tại buổi làm việc, hầu hết các địa phương thể hiện tinh thần xung phong, quyết tâm cao nếu được giao thực hiện các dự án thành phần qua địa bàn.  

Tại điểm cầu Hậu Giang, ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, khẳng định: Tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng 37km tạo ra chuỗi kết nối mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hậu Giang thống nhất về hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án. Xác định dự án này sẽ đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới, Hậu Giang quyết tâm chính trị cao, nỗ lực hết sức khi triển khai các dự án cao tốc qua địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành phải quyết tâm cao, nỗ lực hơn nữa để thực hiện cấp bách 3 dự án cao tốc này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, địa phương, làm gọn lại nội dung tờ trình. Trong đó, tập trung làm rõ sự cần thiết đầu tư dự án; tính cấp thiết; làm rõ nguyên nhân khi đề xuất chuyển từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công. Cập nhật đánh giá tác động môi trường, tác động của dự án, tác động xã hội. Vận dụng cụ thể các nghị quyết; tính toán kỹ suất đầu tư từng tuyến đường cao tốc. Củng cố 3 hồ sơ dự án này thành 3 báo cáo tổng hợp, trên cơ sở đó xây dựng 1 tờ trình chung trình Bộ Chính trị.

Về nguồn vốn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành thống nhất quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư dàn trải. Với nhu cầu lên đến 83.000 tỉ đồng cho 3 dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải phải cân đối kỹ lưỡng. Riêng các địa phương phải cố gắng giải phóng mặt bằng sớm, trên tinh thần phải “quyết liệt vào cuộc thực hiện song song nhiều phần việc, khó đến đâu gỡ đến đó”.

3 dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Bà Rịa Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư trên 84.000 tỉ đồng. Trong đó, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư dự kiến trên 21.000 tỉ đồng. Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa Vũng Tàu có tổng mức đầu tư khoảng 17.800 tỉ đồng.

Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 44.000 tỉ đồng. Điểm đầu giao tuyến tránh Quốc lộ 91, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, đoạn đi qua Hậu Giang có chiều dài khoảng 37,7km; dự kiến sẽ khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2026.