Doanh nhân, doanh nghiệp trong Hiến pháp

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định: Doanh nhân, doanh nghiệp (DN) không chỉ được hiến định trong Khoản 3 Điều 51 của Hiến pháp mà nội hàm, tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cũng như khẳng định vai trò của doanh nhân, DN còn “thẫm đẫm” trong Chương kinh tế nói riêng và Hiến pháp nói chung.

Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn: internet
Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn: internet

Theo ông Lê Minh Thông, việc nhập Chương II và chương III của Hiến pháp 1992 vào một Chương III của Hiến pháp sửa đổi không thuần túy là kỹ thuật lập hiến thông thường mà nó thể hiện tư duy mới của Việt Nam, tạo nền tảng xã hội rộng lớn cho nền kinh tế, khẳng định Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường...

Đồng thời, việc chỉ dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc nhất, cơ bản nhất, xương sống nhất của nền kinh tế cho phép chúng ta điều hành nền kinh tế uyển chuyển hơn, thông qua hệ thống cơ chế chính sách và các đạo luật mà Quốc hội sẽ ban hành để thích nghi với từng giai đoạn phát triển.

Theo ông đâu là những nội dung mới liên quan đến lĩnh vực kinh tế được thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi ?

Trong Hiến pháp sửa đổi, quyền kinh tế được đề cập ở rất nhiều điều, khoản, mục, không chỉ trong chương liên quan trực tiếp đến kinh tế là chương III.

Thứ nhất, khẳng định tính chất của nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Ở đây phải lưu ý khi chúng ta nói kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không đồng nhất kinh tế nhà nước là một thành phần kinh tế giống DN. Bởi kinh tế nhà nước là khái niệm lớn, nội hàm của nó bao gồm nhiều nguồn lực, nhiều yếu tố cấu thành như: tài nguyên, đất đai, nguồn lực con người, nguồn tài chính quốc gia... DNNN chỉ là một bộ phận của kinh tế nhà nước.

Quy định như vậy, một mặt không phương hại đến nguyên tắc căn bản của thị trường, mặt khác nó khẳng định trách nhiệm điều tiết kinh tế của nhà nước trong những tình huống bất khả kháng  của thị trường, cho phép chúng ta có thể xử lý những khiếm khuyết của thị trường. Trong thực tiễn nền kinh tế trải qua giai đoạn khó khăn vừa qua thì vai trò của nhà nước rất lớn, đặc biệt là chính sách tài khóa, thuế... tác động hỗ trợ thị trường hiệu quả.

Thứ hai, Hiến pháp sửa đổi đã giải quyết được bài toán về đất đai, khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai và khẳng định quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ. Vì đất đai là nguồn lực rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, Hiến pháp cũng đã đưa ra quy tắc quan trọng điều chỉnh quan hệ đất đai. Quy định hết sức chặt chẽ những trường hợp nào thì nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất như: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Thứ ba, một quy định rất mới và rất cần thiết đã được đưa vào Hiến pháp sửa đổi là quy định về tài chính, ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được sử dụng khi có dự toán, hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Điều này tạo ra kỷ luật về chế độ tài chính công và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Lần đầu tiên doanh nhân, DN được hiến định trong Hiến pháp, điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nhân, DN cũng như  nền kinh tế trong thời gian tới như thế nào, thưa ông ?

Chúng ta khẳng định rằng nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa mà lực lượng xung kích phải là doanh nhân, DN. “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, DN và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước”.

Ngoài thông điệp trên, nội hàm, tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cũng như khẳng định vai trò của doanh nhân còn rất rõ ràng trong Chương II (Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) và Chương III (Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường). Quan trọng hơn, Khoản 3, Điều 51 là cơ sở hiến định để các Luật mới ban hành hoặc sửa đổi sau này sẽ phải chú ý tới vị trí của doanh nhân, quy định rõ hơn vài trò, quyền lợi, trách nhiệm  và tạo điều kiện cho lực lượng này thực hiện tốt nhất sứ mệnh của mình. Điều này sẽ góp phần tạo ra môi trường kinh bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong những năm tiếp theo.

Mặc dù đã hiến định vị trí, vai trò của doanh nhân, DN, nhưng để đảm bảo tính thực thi hiệu quả, theo ông đâu là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới? 

Trong thời gian tới, chúng ta sẽ rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, xem những quy định nào đang cản trở sự phát triển của doanh nhân, DN thì phải sửa đổi. Bên cạnh đó, những Luật mới, sửa đổi phải tiếp tục khẳng định được vị trí, tạo điều kiện tối đa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nhân, DN. Trước mắt, tinh thần này cần được soi rọi, thể hiện trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi sắp tới.

Mặt khác, chúng ta đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là cơ hội tốt để chúng ta xử lý những bất cập hiện nay trong quan hệ kinh tế giữa các thành phần kinh tế. Vẫn có những phàn nàn DN nhỏ, DN tư nhân còn thiệt thòi trong quan hệ kinh tế nhưng chắc chắn những gì đang cản trở sẽ từng bước được tháo gỡ. 

Đây là công việc hết sức hệ trọng, do vậy Quốc hội, Chính phủ phải có chương trình rộng lớn, cụ thể để triển khai các hoạt động này.

Tôi cho rằng, với những quy định trong chương kinh tế nói riêng và Hiến pháp nói chung, một nền tảng pháp luật bình đẳng, tự do cạnh tranh sẽ được đảm bảo.

Xin cảm ơn ông!