Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo cung ứng năng lượng bằng mọi cách

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Giá than đá tại Trung Quốc trước đó tăng lên mức kỷ lục bởi Trung Quốc đang chật vật với tình trạng thiếu nhiên liệu trước kỳ nghỉ lễ kéo dài nhân dịp Quốc khánh.

Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Các quan chức chính quyền trung ương Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp năng lượng nhà nước Trung Quốc kinh doanh nhiều loại mặt hàng liên quan đến năng lượng, từ than đá cho đến điện và dầu, đảm bảo nguồn cung cho mùa đông năm nay bằng tất cả mọi cách, theo những nguồn tin mà Bloomberg có được.

Đề nghị trên được đưa ra trực tiếp sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, người chuyên giám sát ngành năng lượng và sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc, có cuộc họp khẩn cấp vào tuần này với quan chức nhiều cơ quan tại Bắc Kinh cũng như cơ quan hoạch định chính sách kinh tế. Việc để bị mất điện sẽ không thể được chấp nhận, nguồn tin cho hay.

Trong phiên giao dịch mới đây trên thị trường New York, giá dầu giao hợp đồng tương lai khôi phục lại một phần mức suy giảm. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng khoảng 1,4% lên 75,84USD/thùng. Giá khí đốt tương lai tại New York tiếp tục tăng, cổ phiếu của công ty xuất khẩu khí đốt Cheniere Energy tăng.

Giá than đá tại Trung Quốc trước đó tăng lên mức kỷ lục bởi Trung Quốc đang chật vật với tình trạng thiếu nhiên liệu trước kỳ nghỉ lễ kéo dài nhân dịp Quốc khánh. Giá than đá đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay khi nhu cầu tiêu thụ tại các nhà máy tăng vọt và sản lượng các mỏ than đá giảm đi.

Cuộc họp khẩn cấp này cho thấy tình hình thiếu năng lượng tại Trung Quốc giờ đang khó khăn đến như thế nào. Cuộc khủng hoảng năng lượng tệ hại đã gây tổn hại nặng nề đến Trung Quốc, một số vùng đã phải hạn chế cấp điện cho các khu vực sản xuất công nghiệp, cùng lúc đó, một số khu vực dân cư cũng thường xuyên phải sống trong cảnh bị cắt điện bất ngờ.

Tình trạng thiếu năng lượng tại Trung Quốc đang gây ra nhiều rối loạn trên thị trường hàng hóa toàn cầu, nó khiến cho giá cả nhiều loại mặt hàng, từ thuốc trừ sâu cho đến silicon, tăng mạnh.

Biến động trên thị trường năng lượng chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa sau quy định mới nhất từ chính phủ trung ương, theo chuyên gia phân tích trưởng về thị trường hàng hóa tại ngân hàng SEB, ông Bjarne Schieldrop.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây đã thề sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Ông Lý nhấn mạnh Trung Quốc sẽ cố gắng đảm bảo những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống được đáp ứng, đồng thời giữ ổn định cho ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng.

Sản xuất Trung Quốc suy giảm trong tháng 9, như vậy chuỗi 18 tháng sản xuất tăng trưởng liên tiếp giúp cho kinh tế Trung Quốc phục hồi từ đại dịch COVID-19 đã chính thức kết thúc. Các quy định hạn chế điện đe dọa gây gián đoạn sản xuất Trung Quốc trông thời gian nữa, theo tin từ WSJ.

Chỉ số quản trị sản xuất của Trung Quốc tháng 9 giảm xuống mức 49,6 điểm, theo Cơ quan Thống kê Quốc gia tại Bắc Kinh công bố vào ngày thứ Năm. Đây là lần đầu tiên tính từ tháng 2/2020 chỉ số rơi xuống dưới ngưỡng 50 điểm phân định giữa tăng trưởng và suy giảm. Ở thời điểm đó, khu vực đô thị Vũ Hán và rất nhiều khu vực thuộc tỉnh Hồ Bắc đã bị buộc phải đóng cửa nhằm kiềm chế virus lây lan mạnh.

Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Wall Street Journal đã kỳ vọng chỉ số PMI không thay đổi. Thay vào đó, chỉ số PMI thấp đi có thể coi như dấu hiệu đáng lo ngại cho nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.

Quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc đã chịu tác động tiêu cực từ các đợt bùng dịch khu vực, tình trạng đóng cửa tại các cảng và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng cũng như khác biệt về chính sách quản lý trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và giá hàng hóa tăng vọt.

Chuyên gia kinh tế tại Cơ quan Thống kê Quốc gia, ông Zhao Qinghe, vào ngày thứ Năm nói rằng việc chỉ số của ngành sản xuất rớt xuống dưới ngưỡng 50 trong tháng 9 chủ yếu bởi tâm lý tại các doanh nghiệp trong các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng ví như dầu, than đá, cao su và nhựa.
Ngành sản xuất vốn là động lực quan trọng cho quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc từ đại dịch COVID-19, chủ yếu bởi nhu cầu với hàng hóa Trung Quốc tăng khi thế giới đang khó khăn với đại dịch COVID-19. Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng trong năm ngoái.