Liên kết, hợp tác phát triển khuyến công các địa phương khu vực phía Bắc
Dự kiến, Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XIX năm 2025 sẽ được tổ chức tại Hà Giang. Đây là hoạt động thường niên nhằm góp phần xây dựng, định hình các mối liên kết, hợp tác phát triển lĩnh vực khuyến công giữa các địa phương.
Tại Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII diễn ra ngày 16/5 vừa qua, đại diện tỉnh Hà Giang đã nhận cờ đăng cai tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XIX, năm 2025.
Hội nghị sẽ được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khuyến công năm 2024, ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2025 và các giải pháp thực hiện kế hoạch khuyến công năm 2025. Hội nghị sẽ thảo luận những vấn đề mới phát sinh từ nhu cầu phát triển và thực tiễn quản lý Nhà nước, cùng đồng thuận quan điểm đề xuất kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho Trung tâm khuyến công 28 tỉnh, thành phố phát huy lợi thế; đồng thời xây dựng, định hình các mối liên kết, hợp tác phát triển lĩnh vực khuyến công giữa các địa phương trong tương lai.
Theo báo cáo tại Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII năm 2024, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2024 được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 170,8 tỷ đồng, thấp hơn 8,5% so với kế hoạch năm 2023 (186,5 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia giao theo kế hoạch 71,5 tỷ đồng, chiếm 41,9% kinh phí khuyến công toàn vùng. Đến nay, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra dự toán và thống nhất phân bổ kinh phí (đợt 1) là 18,3 tỷ đồng (chiếm 25,6%) cho các đề án có nội dung về Tổ chức hội chợ và Tổ chức hội nghị.
Kinh phí khuyến công địa phương giao theo kế hoạch 99,2 tỷ đồng, chiếm 49% tổng kinh phí khuyến công địa phương toàn quốc đã được giao kế hoạch năm 2024 (202,3 tỷ đồng) và chiếm 58,1% kinh phí khuyến công toàn vùng.
Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, kinh phí toàn vùng ước thực hiện đạt 34,7 tỷ đồng, đạt 20,3% kế hoạch năm, cao hơn 10,25% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia do phân bổ (đợt 1) không cao, ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 8,5 tỷ đồng, đạt 11,9% kế hoạch năm; Kinh phí khuyến công địa phương ước thực hiện 26,2 tỷ đồng, ước đạt 26,4% kế hoạch năm.
Theo Cục Công Thương địa phương, chính sách khuyến công năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã tiếp sức, tạo điều kiện thuận lợi giúp lực lượng cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và năng lực sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương trong khu vực.
Công tác khuyến công toàn khu vực nhìn chung đã đạt được những kết quả quan trọng, động viên và huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công
nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn đến năm 2025 và tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương để tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn.
Công tác tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, tạo nguồn
thu sự nghiệp cho các tổ chức dịch vụ khuyến công. Tổ chức bộ máy đa số các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công cơ bản được kiện toàn theo định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gắn với với yêu cầu nhiệm vụ của ngành Công Thương.
Bên cạnh đó, việc khảo sát, xây dựng các đề án nhiệm vụ bám sát yêu cầu, hướng dẫn của Bộ Công Thương, chất lượng đề án được nâng cao, ngày càng có nhiều đề án nhóm, điểm, hỗ trợ phát triển các ngành, nghề và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, gắn với tiểm năng, thế mạnh của khu vực và từng địa phương.
Năm 2024, các địa phương trong khu vực sẽ hỗ trợ xây dựng 13 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới và mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 324 cơ sở chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 35 cơ sở công nghiệp nông thôn. Tổng kinh phí hỗ trợ là 98,1 tỷ đồng, chiếm 57,4% kinh phí khuyến công toàn vùng.
Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích hỗ trợ của Trung ương và của địa phương để thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Đồng thời, quan tâm hỗ trợ các làng nghề có sản phẩm tiêu thụ lớn trên thị trường, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đối với khu vực nông thôn.