Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với phát triển công nghệ tại Việt Nam


Hơn 30 năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều bất cập hạn chế. Dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020

Với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, môi trường chính trị ổn định, môi trường kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, nguồn nhân lực dồi dào với chi phí thấp, Việt Nam là một trong những quốc gia hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn FDI vào Việt Nam những năm gần đây có xu hướng tăng lên, nhất là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Từ sau năm 2015 tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam có sự gia tăng mạnh mẽ và liên tục, với tổng vốn đầu tư vào Việt Nam năm 2016 là 26,90 tỷ USD, thì đến năm 2019 con số này tăng lên 38,95 tỷ USD. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã sụt giảm, chỉ đạt 28,53 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019.

Với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, môi trường chính trị ổn định, môi trường kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, nguồn nhân lực dồi dào với chi phí thấp, Việt Nam là một trong những quốc gia hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Không chỉ gia tăng về số vốn đăng ký, mà vốn FDI thực hiện cũng tăng cao hơn trong giai đoạn 2016- 2020 (từ 15,8 tỷ USD lên 19,98 tỷ USD); số dự án đầu tư đăng ký mới tăng từ 2.613 dự án năm 2016 lên 3.883 dự án năm 2019.

Năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nên các dự án FDI vào Việt Nam có sự sụt giảm cả về vốn đăng ký, và các dự án đăng ký mới, nhưng vốn thực hiện chỉ sụt giảm nhẹ, đạt 98% so với năm 2019.

Việt Nam – Điểm đến của các dự án công nghệ cao

FDI có những đóng góp lớn trong dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm dao động trong khoảng 13-24 tỷ USD, chiếm tỷ lệ phần trăm cao trong tổng số vốn đầu tư đăng ký (40 - 70%).

Riêng năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 800 dự án cấp mới, 680 dự án điều chỉnh vốn đầu tư và 1268 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn là 13,601 tỷ USD, chiếm 47,67% tổng vốn đầu tư.

Đã có nhiều công ty công nghệ cao chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình như: Sanyo, Samsung, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec, Intel, Microsoft… Các tập đoàn này đã xây dựng nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại và đang tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam.

Những dự án đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia là tín hiệu rõ nét cho thấy, Việt Nam đang chuyển dịch từ ngành công nghiệp sản xuất giá trị thấp sang sản xuất có giá trị cao hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh dòng vốn FDI đang có những khó khăn cũng như cạnh tranh lớn hiện nay. Điều này cũng cho thấy, Việt Nam là một điểm đầu tư tốt với các tập đoàn đa quốc gia, nhất là với các dự án công nghệ cao.

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài về đối tác đầu tư, lũy kế đến 30/12/2020 đối với các dự án còn hiệu lực, Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu FDI về cả số dự án (8.983 dự án) và tổng số vốn đăng ký (70.645,07 triệu USD). Vị trí tiếp theo là Nhật Bản và Singapore.

Tổng vốn đầu tư của 3 quốc gia là 187.454,12 triệu USD, chiếm 48,81%/tổng vốn đầu tư của tất cả các quốc gia (139 quốc gia đang đầu tư vào Việt Nam). Với gần 50% số vốn đầu tư FDI của 3 quốc gia có nền công nghiệp phát triển là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore cho thấy, thông qua thu hút FDI, Việt Nam được tiếp cận máy móc hiện đại, kỹ thuật tiên nhất, công nghệ cao. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước tiến kịp với sự phát triển của thế giới.

Có thể khẳng định, tiếp thu công nghệ cao thông qua FDI là con đường ngắn nhất giúp Việt Nam tiết kiệm nguồn nhân lực; đồng thời, rút ngắn được thời gian nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm mới với chất lượng cao, từng bước đưa nền kinh tế đi lên bằng chính nguồn lực của mình, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, quản lý và kinh doanh, giúp thu hẹp nhanh khoảng cách về công nghệ giữa Việt Nam với các nước.

Bên cạnh đó, các DN FDI đã tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng cao với hình thức mẫu mã đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường trong nước và nhiều sản phẩm đã xuất khẩu được ra nước ngoài. Trong đó, nhiều DN FDI đã xuất khẩu gần 100% sản phẩm (điện tử, tin học, quang cơ - điện tử...) sản xuất tại Việt Nam ra thị trường nước ngoài, giúp cân bằng cán cân thương mại và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm qua.

Mặt khác, với sức ép cạnh tranh ngày càng tăng từ sản phẩm của DN FDI công nghệ cao, nên nhiều DN trong nước đã đầu tư nhập khẩu thiết bị và công nghệ mới, lập bộ phận hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển. Vì vậy, họ đã sản xuất được sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, thay thế hàng nhập khẩu với giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Dầu khí và truyền thông là hai ngành kinh tế nhờ chuyển giao công nghệ gắn với FDI, nên đã phát triển với tốc độ nhanh, hiện đại, tiến kịp trình độ thế giới.

Có thể khẳng định, FDI đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Song cũng phải thừa nhận rằng, FDI chưa đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đặt ra cho thu hút công nghệ cao do một số nguyên nhân, hạn chế sau:

- Các mặt hàng chủ yếu là gia công, lắp ráp: Báo cáo định kỳ của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập khẩu (XNK) các mặt hàng của khu vực FDI cho thấy, về tổng thể năm 2019-2020 khu vực FDI đều xuất siêu, nhưng đi vào cụ thể từng mặt hàng, số chênh lệch XNK dương phần lớn thuộc về nhóm hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa thuộc về công nghiệp nhẹ.

Nhóm hàng hóa thuộc công nghiệp chế tạo, cần công nghệ cao có chênh lệch xuất nhập khẩu dương thấp, thậm chí là âm. Chẳng hạn như: Mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, có chênh lệch xuất nhập khẩu âm 2 năm liền. Năm 2019, chênh lệch XNK là -11,59 triệu USD, năm 2020 con số này là -13,66 triệu USD. Như vậy, phần giá trị gia tăng trong sản phẩm của khối FDI còn thấp, Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vật tư, nguyên liệu nước ngoài.

- Máy móc thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao chuyển giao cho Việt Nam còn hạn chế: Thực tế cho thấy, công nghệ mà nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam phần lớn là công nghệ trung bình hoặc trung bình tiến tiến so với các nước trong khu vực (trừ một số dự án có quy mô lớn thuộc lĩnh vực điện tử – viễn thông, thiết bị tin học…). Nguyên nhân chủ yếu do chính quyền một số tỉnh thành, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế chưa chú trọng nâng cao năng lực thẩm định trình độ kỹ thuật, trình độ công nghệ của máy móc thiết bị.

- Hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ của các DNFDI còn ít: Nghiên cứu và phát triển là một trong các hoạt động đầu tiên và quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của DN, nhưng đến nay, hoạt động này mới chỉ ở mức công nghệ nhỏ, đơn giản... hoặc để cải tiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam, do vậy việc học hỏi công nghệ thông qua thu hút FDI nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Sức lan tỏa về công nghệ, văn hóa kinh doanh, về quản tri chưa cao: Hầu hết các dự án FDI là dự án 100% vốn nước ngoài, liên doanh giữa nước ngoài với DN trong nước không đáng kể; không đạt được mục đích chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản trị tiên tiến. Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển nên sự tham gia của DN trong nước vào các dự án FDI còn yếu.

- Một bộ phận DN FDI còn gây ô nhiễm môi trường: Thời gian qua, công tác thẩm định, quản lý công nghệ FDI đưa vào Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, mục tiêu của các nhà đầu tư là lợi nhuận nên họ sẵn sàng bỏ qua các quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu thiết bị và vận hành công nghệ…

Đề xuất, khuyến nghị

Để chuyển giao công nghệ gắn với FDI đạt được hiệu quả kinh tế-xã hội cao hơn, thời gian tới Nhà nước cần thực hiện những giải pháp sau:

Một là, chính sách thu hút FDI công nghệ cao và ưu đãi khi chuyển giao công nghệ cần phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của quốc gia. Khi xây dựng danh mục dự án thu hút FDI công nghệ cao trong giai đoạn tới, cần tính đến tác động và ảnh hưởng toàn cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, dành những ưu tiên đặc biệt cho FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghệ 4.0 mới này như: internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, tương tác thực tại ảo, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn…

Những năm gần đây, với việc áp dụng các công nghệ mới trong trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản… nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã xuất khẩu được với giá trị lớn. Để tận dụng những lợi thế này, bên cạnh đẩy mạnh thu hút công nghệ cao vào các ngành công nghiệp, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các dự án FDI công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp trong giai đoạn tới.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện các giải pháp hỗ trợ (chính sách ưu đãi, tài chính, đào tạo...) để thúc đẩy khả năng các DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa phát triển, đáp ứng được các đòi hỏi liên kết trong sản xuất, kinh doanh của các DN FDI công nghệ cao, nhằm khắc phục sự thiếu liên kết giữa hai khối DN FDI và DN trong nước hiện nay.

Ba là, nâng cao chất lượng thẩm định, trách nhiệm quản lý công nghệ nhập khẩu của bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trong nhập khẩu, vận hành công nghệ FDI tại Việt Nam.

Bốn là, rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để hình thành các khu công nghệ cao, các cụm công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao tại một số địa bàn có nhiều điều kiện thuận lợi nhất, đã và sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất (như: các khu kinh tế hiện có, các đặc khu hành chính – kinh tế đặc biệt đang hình thành) làm đầu tàu kéo trình độ công nghệ cao cả nước phát triển.

Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cần đào tạo đội ngũ, nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng đủ số lượng và chất lượng nhân lực cho yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN FDI. Đào tạo, hướng dẫn nguồn lao động này cách tiếp cận, tiếp thu, tiến tới nắm chắc được công nghệ cao qua thực tế được bố trí làm việc tại các DN FDI, để khi quay trở lại làm việc tại các DN Việt Nam sẽ áp dụng được vào thực tế trong nước, cũng như tham gia được vào quá trình đào tạo nội bộ.

Sáu là, tăng cường công tác thẩm định, quản lý công nghệ FDI đưa vào Việt Nam; Sàng lọc để loại bỏ ưu FDI đãi đối với những lĩnh vực đầu tư mà DN Việt Nam có thể thực hiện bằng công nghệ ngang bằng mức tiên tiến với thế giới. Có những chính sách ưu đãi riêng về nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ cao đối với DN FDI.

Bảy là, tăng cường hỗ trợ DN trong nước để đáp ứng yêu cầu liên kết sản xuất kinh doanh của các DN FDI công nghệ cao. DN FDI công nghệ cao đòi hỏi phụ trợ chất lượng cao của DN trong nước. Để đáp ứng được yêu cầu này Nhà nước tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ tài chính, ưu đãi các DN trong nước để khuyến khích các DN trong nước đáp ứng được đòi hỏi của DN FDI…        

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2005), Luật Đầu tư, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;

2. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - Trung tâm Thông tin tư liệu (2017), Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Một số vấn đề về thực trạng và giải pháp;

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (2018), Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới giai đoạn 2018 - 2030;

4. Phan Hữu Thắng (2018), 30 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam: Giải bài toán thu hút FDI công nghệ cao;

5. Các website: vcci.com.vn, baochinhphu.vn, tapchitaichinh.vn…

(*) TS. Mai Hương Giang, TS. Bùi Huy Trung - Học viện Ngân hàng.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.