Vấn đề tiền lương, thù lao, thưởng tại các công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước

Luật gia Phạm Năng Hiệp - Ủy viên BTV Hội Luật gia Bình Thuận

Việc sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để đồng bộ và thống nhất trong thực hiện vấn đề tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý, kiểm soát viên và quản lý hoạt động của ban kiểm soát tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TMHH MTV) 100% vốn Nhà nước hiện nay là cần thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện nay, theo Luật Quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH14 ngày 26/11/2014), nguyên tắc xác định và chi trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý và Kiểm soát viên được quy định như sau:

- Đối với người quản lý (NQL): Căn cứ vào hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, xếp loại doanh nghiệp; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của NQL (Theo Điều 33).

- Đối với Kiểm soát viên (KSV): Căn cứ mức độ hoàn thành nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (Điều 45).  

Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020, Luật số 69/2014/QH14 ngày 26/11/2014 và các luật có liên quan khác, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về quản lý người giữ chức danh và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, ngoài một số nội dung quy định chung về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước… thì việc đánh giá đối với NQL doanh nghiệp nhà nước và KSV có sự khác nhau, cụ thể:

- NQL (Điều hành hoạt động doanh nghiệp) căn cứ vào việc điều hành và kết quả hoạt động sản xuất-kinh doanh, thông qua kết quả xếp loại doanh nghiệp.

- KSV (Chỉ kiểm soát quá trình quản lý và điều hành hoạt động của NQL) chỉ căn cứ vào việc đánh giá doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, điều lệ doanh nghiệp, ý kiến chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cấp có thẩm quyền; việc chấp hành, tuân thủ chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu đới với KSV.

Theo Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ và Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01/9/2016 của Bộ Lao động, Thương binh xã hội, việc xác định quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch, thực hiện và quỹ tiền thưởng hàng năm của NQL và KSV được căn cứ vào kế hoạch và kết quả hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, rà soát, đối chiếu và căn cứ vào các quy định hiện hành, các quy định tại Nghị định số 52/2016/NĐ-CP và Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay; kể cả việc không còn phù hợp với một số loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động mang tính đặc thù, thuộc lĩnh vực độc quyền tự nhiên theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, một số nội dung, vấn đề đang vướng mắc, chưa phù hợp quy định và thực tiễn hiện nay, cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung, thay thế hoặc hướng dẫn thực hiện, cụ thể như sau:

- Nghị định số 52/2016/NĐ-CP căn cứ Luật Doanh nghiệp 2014 và Bộ luật Lao động 2012 đã hết hiệu lực, hiện nay đang áp dụng Luật Doanh nghiệp 2020, Bộ Luật Lao động 2019, nên dẫn đến Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH cũng không còn phù hợp (NQL không còn phân biệt chuyên trách/không chuyên trách; KSV không phải là NQL, các biểu mẫu, tên gọi, nội dung…).

- Nguyên tắc xác định, trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với NQL giống như đối với KSV (gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát) là không còn phù hợp, vì hiện nay KSV đã độc lập, và 2 hoạt động quản lý, điều hành của NQL với hoạt động kiểm soát của KSV là khác nhau hoàn toàn, nên không thể áp dụng cùng một nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ để thực hiện được.

Theo quy định cũ nêu trên, KSV vẫn được xem là NQL nên công ty có trách nhiệm xây dựng, trình quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của KSV để cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt thì phù hợp. Nhưng hiện nay, KSV không thuộc sự quản lý của công ty, hoạt động của KSV là độc lập, nên việc công ty xác định, xây dựng và trình phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của KSV là không phù hợp vì không có căn cứ và đủ thông tin để thực hiện, cũng như thẩm quyền phân cấp và trách nhiệm.

- Đối với doanh nghiệp hoạt động mang tính đặc thù, thuộc lĩnh vực độc quyền tự nhiên, được quản lý theo quy định đặc thù riêng, ví dụ như lĩnh vực hoạt động kinh doanh xổ số, nếu thực hiện theo quy định nêu trên là không phù hợp, vì các doanh nghiệp này không được quyền tự quyết định số lượng vé phát hành, giá bán vé, hoa hồng đại lý, cơ cấu và giá trị giải thưởng, và một số khoản chi phí khác (đều do cơ quan có thẩm quyền cho phép). Chính vì vậy, doanh nghiệp không thể chủ động được hoàn toàn trong điều hành kinh doanh, rất khó để năng suất lao động và lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm nước được, trong khi tỷ lệ tiêu thụ vé của các doanh nghiệp hiện nay là gần như đạt sắp xỉ 100% vé phát hành. Chính vì vậy, trong thực tiễn, có doanh nghiệp nhiều năm phải xây dựng quỹ tiền lương kế hoạch thấp hơn thực hiện năm trước, trong khi các chỉ tiêu kinh doanh vẫn đạt, điều này cũng đã cho thấy sự bất hợp lý và sự không còn phù hợp của quy định nêu trên.

- Theo quy định hiện nay về lập báo cáo tài chính, kiểm toán; trình đánh giá và xếp loại doanh nghiệp, NQL, phê duyệt báo cáo tài chính… việc lập, trình phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng thực hiện năm trước và quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch cho NQL, KSV và người lao động sẽ không kịp được trong quý I. Thực tế thường rất chậm và kéo dài thời gian, vì vậy cần thiết nên xem lại quy trình, quy định về thời gian lập, trình và phê duyệt các hồ sơ, báo cáo nêu trên để đảm bảo sự phù hợp.

Theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp: "Cơ quan đại diện chủ sở hữu thành lập một đơn vị chuyên trách hoặc giao nhiệm vụ cho một đơn vị hoặc cá nhân thuộc cơ quan đại diện chủ sở hữu làm đầu mối theo dõi, giám sát, đánh giá, tổng hợp và xử lý các công việc liên quan đến hoạt động, quản lý, chế độ chính sách của Ban Kiểm soát, Kiểm soát viên". 

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tìm hiểu thực tế, người làm KSV hiện nay đang rất tâm tư và cũng rất lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ của mình, nhất là vấn đề về quản lý hoạt động, xác định tiền lương, thưởng, công tác thi đua-khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng, sinh hoạt, hội họp, xác nhận giấy tờ, khấu trừ, nộp thuế… vì hiện nay cũng chưa có cơ quan, đơn vị chuyên trách, nên việc đại diện, đầu mối của các cơ quan được phân công cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Do vậy, cơ quan thẩm quyền cần nghiên cứu sớm việc thành lập, quy định rõ hơn về cơ quan quản lý hoạt động đối với KSV, để tạo điều kiện thuận lợi cho KSV trong quá trình hoạt động của mình.