Vận dụng mô hình Dupont trong phân tích hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp phi tài chính

TS. Võ Văn Cần ThS. Nguyễn Thị Liên Hương - Trường Đại học Nha Trang

Nghiên cứu này vận dụng mô hình phân tích tài chính Dupont để phân tích hiệu quả kinh doanh của các công ty phi tài chính niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) trong giai đoạn 2017-2022. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra sự ảnh hưởng của tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) và vòng quay tổng tài sản (TAT) có ảnh hưởng tích cực lên hiệu quả kinh doanh được đo lường qua chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA), trong đó ảnh hưởng của ROS lên ROA mạnh hơn của TAT. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở quan trọng trong việc đưa ra các kiến nghị để nâng cao hiệu quả kinh doanh của các công ty.

Giới thiệu

Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh hiện nay, các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp (DN) phải áp dụng các kỹ năng cả trong và ngoài chức năng quản trị tài chính cụ thể. Nhà quản trị tài chính có thể được yêu cầu cung cấp thông tin chuyên sâu về các vấn đề như lập kế hoạch tài chính, đo lường sự thành công của chiến lược kinh doanh hoặc xác định khả năng thanh toán của DN. Do đó, bên cạnh các nhiệm vụ thông thường liên quan đến đánh giá và quản trị tài chính trong DN đòi hỏi nhà quản trị phải được trang bị đủ kiến thức phân tích tài chính một cách khoa học, đồng thời cũng phải mang tính thực tiễn.

Một trong những kỹ thuật quan trọng giúp cho các nhà quản trị tài chính có cái nhìn đầy đủ và ra được các quyết định tài chính quan trọng trong kinh doanh đó là kỹ thuật phân tích tài chính DuPont. Theo Isberg (1998), kỹ thuật phân tích DuPont là một công cụ hữu ích trong việc cung cấp gốc nhìn tổng quan lẫn chuyên sâu cho những phân tích tài chính. Cũng theo Isberg (1998), một bản phân tích báo cáo tài chính toàn diện sẽ cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động hay vị thế của DN xét về khả năng thanh khoản, đòn bẩy, hiệu suất hoạt động cũng như hiệu quả kinh doanh. Kỹ thuật phân tích DuPont có thể được sử dụng như một la bàn trong việc định hướng nhà phân tích nhận diện các điểm mạnh và điểm yếu quan trọng bởi vì kỹ thuật này giúp cho các nhà quản trị thấy được mối liên hệ giữa các chỉ tiêu tài chính, nhờ đó nhà quản trị có thể đánh giá cụ thể và ra quyết định nên cải thiện tình hình tài chính DN bằng cách nào.

Vận dụng những thế mạnh nói trên của kỹ thuật phân tích DuPont, bài nghiên cứu này đánh giá sự ảnh hưởng của các nhân tố đến hiệu quả kinh doanh của các công ty phi tài chính được niêm yết trên HOSE, từ đó kiến nghị một số giải pháp phù hợp nhằm cải thiện hơn tình hình quản trị tài chính công ty, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho chính các công ty này.

Lý thuyết về mô hình Dupont

Kỹ thuật phân tích DuPont do Frank Donaldson Brown - một kỹ sư điện - phát minh vào năm 1918. Khi đó, Tập đoàn hóa chất E.I. du Pont de Nemours and Company (gọi tắt là Công ty DuPont) đã thuê Brown để giải quyết tình trạng bất ổn tài chính của công ty. Ông đã nhận ra mối quan hệ toán học giữa tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (Return On Assets - ROA) với 2 chỉ tiêu tài chính, đó là tỷ suất sinh lời trên doanh thu - đo lường khả năng sinh lời trong kinh doanh (Return On Sales - ROS) và số vòng quay tổng tài sản - đo lường hiệu suất sử dụng tổng tài sản đầu tư (Total Asset Turnover - TAT), được thể hiện cụ thể qua công thức:

TSSL trên tài sản (ROA)

=

Lợi nhuận sau thuế

x

Doanh thu thuần

Doanh thu thuần

 

TTSbq

(1)

= TSSL trên doanh thu x Vòng quay tổng tài sản

= ROS x TAT

Trong đó, TSSL: Tỷ suất sinh lời; TTSbq: Tổng tài sản bình quân.

Phương trình (1) chính là phương trình Dupont nguyên thủy do Brown phát hiện mà về sau được gọi là mô hình Dupont. Sau khi giải quyết thành công các vấn đề tài chính của công ty DuPont, Ông đã tiếp tục vận dụng mô hình (1) trong giải quyết vấn đề tài chính của công ty General Motors và đã mang lại thành công quan trọng trong quản trị tài chính công ty. Từ đó, mô hình này dần được vận dụng trong quản trị tài chính ở các tập đoàn lớn tại Mỹ và ngày càng được mở rộng ứng dụng quản trị tài chính của các công ty trên thế giới (Blumenthal, 1998).

Mô hình này cho thấy, ROA chịu ảnh hưởng bởi ROS và TAT. Nếu như ROS là yếu tố phản ánh trình độ quản lý doanh thu và chi phí của DN thì TAT là yếu tố phản ánh trình độ khai thác và sử dụng tài sản trong kinh doanh của DN. Vì vậy, nếu DN theo đuổi chiến lược nâng cao ROS tức là DN đang theo đuổi chính sách giá bán cao hay tiết kiệm chi phí thì hiệu quả kinh doanh càng cao; và nếu DN theo đuổi chiến lược đẩy mạnh tốc độ quay vòng của đồng vốn đầu tư tức là DN đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động bán hàng để gia tăng quy mô doanh thu, tăng hiệu suất khai thác tài sản đầu tư thì chiến lược này cũng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh. Ngoài ra, nếu DN nâng cao hiệu quả bán hàng đồng thời đẩy mạnh hiệu suất sử dụng vốn sẽ càng nâng cao hiệu quả kinh doanh trên đồng vốn đầu tư.

Phương pháp nghiên cứu

Thu thập dữ liệu

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu lấy trực tiếp từ các báo cáo tài chính của các công ty được niêm yết trên HOSE, tuy nhiên chỉ tập trung nghiên cứu bộ dữ liệu của các công ty phi tài chính đã có đầy đủ dữ liệu từ năm 2017 đến năm 2022. Nghiên cứu này không thu thập dữ liệu đối với các công ty kinh doanh trong lĩnh vực tài chính vì hệ thống báo cáo tài chính có những đặc trưng riêng.

Theo Isberg (1998), một phân tích tài chính thích hợp cho kỹ thuật phân tích DuPont đòi hỏi dữ liệu cần có ít nhất từ 3 đến 5 năm để thể hiện được xu hướng và dữ liệu so sánh chéo. Dó đó, bài báo thu thập dữ liệu từ năm 2017 đến năm 2022 đảm bảo được yêu cầu về mặt dữ liệu cho phân tích này.

Phương pháp phân tích dữ liệu

Bài báo vận dụng mô hình phân tích DuPont truyền thống để đánh giá những nhìn nhận ban đầu về 2 yếu tố ROS và TAT tác động đến ROA trong mỗi năm, từ năm 2017-2022. Sau đó, tác giả sử dụng mô hình hồi quy gộp (Pooled OLS) để phân tích ảnh hưởng của từng nhân tố ROS, TAT đến ROA và chỉ ra nhân tố nào có ảnh hưởng mạnh hơn. Tuy nhiên, theo Wooldridge (2002), đối với dữ liệu bảng (Panel Data) thường xảy ra vấn đề phương sai của sai số thay đổi hay có hiện tượng tự tương quan phần dư hoặc xảy ra đồng thời cả 2 hiện tượng này. Nếu kết quả hồi quy chỉ có hiện tượng tự tương quan trong phần dư thì có thể sử dụng thủ tục lặp Cochrane-Orcutt, hoặc nếu kết quả hồi quy chỉ xảy ra vấn đề phương sai của sai số thay đổi có thể điều chỉnh sai số chuẩn mạnh của White để khắc phục (xem Gujarati, 2022), và nếu kết quả hồi quy vi phạm đồng thời cả 2 vấn đề trên thì nên sử dụng phương pháp ước lượng bình phương bé nhất tổng quát khả thi (Feasible Generalized Least Square - FGLS), Wooldridge (2002).

Ngoài ra, các kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến, sự phù hợp của mô hình... cũng được kiểm tra trước khi vận dụng để giải thích sự ảnh hưởng của ROS và TAT đến ROA.

Quy ước ký hiệu và cách tính các chỉ tiêu phân tích

Việc tính toán các chỉ tiêu dùng trong phân tích có ý nghĩa quan trọng đến tính chính xác kết quả nghiên cứu. Vì vậy, đối với các chỉ tiêu đo lường các tỷ số sinh lời như ROA hay ROS trong Bảng 1, chỉ tiêu lợi nhuận được lấy theo lợi nhuận sau thuế. Thực tế cho thấy trong các chỉ tiêu đo lường lợi nhuận kinh doanh của DN, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng để phân tích hiệu quả kinh doanh bởi vì nó phản ánh lợi nhuận ròng cuối cùng mà cổ đông (chủ sở hữu) có được sau một kỳ kinh doanh (Isberg, 1998).

Bảng 1: Quy ước các ký hiệu và cách tính các chỉ tiêu phân tích

Chỉ tiêu

Ký hiệu

Cách tính

TSSL trên tổng tài sản

ROA

Lợi nhuận sau thuế/TTSbq

TSSL trên doanh thu

ROS

Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần

Vòng quay tổng tài sản

TAT

Doanh thu thuần/TTSbq

Tổng tài sản bình quân

TTSbq

(Tổng tài sản đầu năm + Tổng tài sản cuối năm)/2

Nguồn: Nghiên cứu của nhóm tác giả

Ngoài ra, đối với chỉ tiêu tổng tài sản được sử dụng trong tính toán ROA và TAT ở Bảng 1, chỉ tiêu này cũng cần phải tính bình quân bằng cách lấy giá trị tổng tài sản đầu năm cộng với giá trị tổng tài sản cuối năm chia hai. Với cách lấy số liệu và tính toán chỉ tiêu tài sản như vậy sẽ giúp loại bỏ sai lệch trong tính toán tỷ số tài chính.

Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Kết quả thu thập dữ liệu

Dữ liệu liên quan được thu thập từ các báo cáo tài chính của 196 công ty phi tài chính được niêm yết trên HOSE trong giai đoạn từ 2017-2022, tương ứng 6 năm cho mỗi công ty, trong đó có 2 năm các công ty chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 (2020-2021). Như vậy, tổng số quan sát có trong bộ dữ liệu thu thập là 1.176 quan sát. Kết quả thống kê các chỉ tiêu ROS, TAT và ROA qua các năm 2017-2022 được trình bày ở Bảng 2.

Bảng 2: Thống kê các chỉ tiêu phân tích của các công ty phi tài chính niêm yết trên HOSE, giai đoạn 2017-2022

Tên biến

Đơn vị tính

Số quan sát

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị tối thiểu

Giá trị tối đa

TSSL trên tài sản

%

1.176

6,3

6,2

-15,3

36,6

TSSL trên doanh thu

%

1.176

11,2

13,3

-59,6

77,7

Vòng quay tổng tài sản

Lần

1.176

0,94

0,88

0,01

4,92

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của 196 công ty nghiên cứu

Dữ liệu từ Bảng 2 cho thấy, các chỉ tiêu ROS, TAT, ROA biến thiên khá lớn qua năm 2017-2022, trong đó ROA biến thiên từ -15,3% đến 36,6%, trong khi ROS thay đổi khá mạnh từ -59,6% đến 77,7%. Riêng TAT có giá trị thấp nhất là 0,01 lần và cao nhất là 4,92 lần. ROA có giá trị trung bình trong giai đoạn nghiên cứu này là 6,3%/năm, trong khi ROS có giá trị trung bình cao hơn ROA và đạt 11,2%/năm. TAT cho thấy, tốc độ quay vòng trung bình tổng tài sản của các công ty chưa đạt được 1 lần/năm, mà chỉ đạt 0,94 lần/năm.

Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến ROA theo mô hình DuPont

Bảng 3 thống kê các chỉ tiêu ROS, TAT, ROA cho mỗi năm, từ năm 2017 đến 2022, trong đó chỉ tiêu ROA được tính theo mô hình DuPont. Kết quả thống kê cho thấy, ROS biến động từ 4,94% đến 6,73%, trong đó ROS ở các năm 2020 và 2021 có giá trị thấp nhất có thể nói do bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Bảng 3: Thống kê các chỉ tiêu ROS, TAT và ROA theo mô hình DuPont giai đoạn 2017-2022

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2017

2018

2019

2020

2021

2022

ROS

%

6,58

6,73

6,33

5,66

4,94

6,21

TAT

Lần

1,48

1,42

1,40

1,60

1,73

1,67

ROA

%

9,74

9,55

8,87

9,04

8,57

10,38

Nguồn: Tính toán và tổng hợp từ báo cáo tài chính của 196 công ty nghiên cứu

Đối với TAT, chỉ tiêu này dao động từ 1,40 đến 1,73 lần. Điều đặt biệt cho thấy, trong thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các công ty đã cố gắng đẩy mạnh tốc độ quay vòng của vốn, và điều này đã làm cho TAT đạt khá cao trong 2 năm 2020-2021. Nhờ đó ROA trong 2 năm 2020, 2021 mặc dầu có giảm so với các năm còn lại, tuy nhiên mức độ giảm không sâu.

ROA của các công trong giai đoạn 2017-2022 dao động từ 8,57% (năm 2021) đến 10,38% (năm 2022). Kết quả phân tích dữ liệu cũng cho thấy, các ngành có tốc độ quay vòng vốn (TAT) nhanh bao gồm ngành thép, thực phẩm, du lịch… trong khi các ngành có tốc độ quay vòng vốn chậm phải kể đến là ngành dầu khí, bất động sản, xây dựng và đầu tư phát triển.

Ngoài ra, ngành có ROS biến động lớn phải kể đến ngành kinh doanh bất động sản, tiếp đến là ngành xây dựng, vận tải… Tất cả biến động của các chỉ tiêu trên ít nhiều đều có ảnh hưởng nhất định đến biến động của ROA. Cụ thể các ngành có ROA biến động mạnh như vận tải, bất động sản và đặc biệt ngành kinh doanh khách sạn chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19 trong 2 năm 2020-2021.

Kết quả phân tích hồi quy

Bảng 4: Kết quả phân tích hồi quy

Tên biến và các kiểm định

Mô hình gốc

Mô hình sau khi xử lý

Hệ số Vif

Hệ số

Mức ý nghĩa

Hệ số

Mức ý nghĩa

Hệ số đã chuẩn hóa

Tỷ suất sinh lời trên doanh thu

0,288

0,000

0,243

0,000

0,521

1,14

Vòng quay tổng tài sản

0,030

0,000

0,036

0,000

0,005

1,14

Hằng số

0,003

0,283

-0,001

0,784

 

 

Số quan sát

1.176

 

1.176

     

R2 điều chỉnh

0,380

 

0,404

     

Kiểm định Breusch-Pagan

16,101

0,059

       

Kiểm định F

361,71

0,000

332,5

0,000

   

Thống kê Durbin-Watson

0,431

 

1,759

     

Nguồn: Tổng hợp kết quả hồi quy trên phần mềm Stata 16

Kết quả hồi quy theo mô hình gốc đã chỉ ra mô hình đã có hiện tượng tự tương quan trong phần dư (thống kê Durbin-Watson khá nhỏ, chỉ đạt 0,431) trong khi các giả thuyết hồi quy khác đều được đảm bảo. Vì vậy, để khắc phục hiện tượng tự tương quan trong phần dư, tác giả sử dụng thủ tục lặp Cochrane-Orcutt.

Kết quả cho thấy, các hệ số hồi quy và hiện tượng tự tương quan trong phần dư của mô hình hồi quy sau xử lý đã được khắc phục (hệ số Durbin-Watson tiến dần đến 2). Ngoài ra, kiểm định F cũng cho thấy, mô hình phù hợp với bộ dữ liệu phân tích và mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến (hệ số Vif của các biến ROS và TAT đều khá nhỏ, dưới 10). Hệ số R2 điều chỉnh của mô hình hồi quy này cũng được cải thiện hơn mô hình hồi quy gốc cho thấy, 2 biến ROS và TAT có thể giải thích được 40,4% sự biến động của ROA.

Kết quả hồi quy từ mô hình sau khi xử lý cũng cho thấy, cả 2 biến độc lập là ROS và TAT đều là các biến có ảnh hưởng cùng chiều và có ý nghĩa đến biến động của ROA tại mức ý nghĩa 1%. Điều này cho thấy, nếu các công ty có các giải pháp cải thiện ROS và cả TAT thì đều có ảnh hưởng tích cực đến việc nâng cao chỉ tiêu ROA. Từ số liệu của các hệ số hồi quy được chuẩn hóa cũng cho thấy trong 2 chỉ tiêu ROS và TAT thì ROS có ảnh hưởng mạnh hơn TAT rất nhiều. Do đó, để cải thiện hiệu quả kinh doanh, các công ty có thể có chiến lược tác động đến ROS sẽ mang lại hiệu quả cao hơn khi tác động đến TAT.

Kết luận và hàm ý quản trị

Bài viết đã phát họa lên bức tranh tổng thể về hiệu quả kinh doanh (được đo lường qua ROA) của các công ty phi tài chính được niêm yết trên HOSE trong giai đoạn 2017-2022. Kết quả thống kê cho thấy, ROA của các công ty đạt được trong giai đoạn này dao động khá mạnh, từ -15,3% đến 36,6%/năm, với giá trị trung bình là 6,3%/năm.

Trong bài viết này, nhóm tác giả đã vận dụng lý thuyết phân tích DuPont truyền thống để phân tích sự ảnh hưởng của ROS và TAT đến ROA của các công ty nói trên. Kết quả phân tích này đã chỉ ra những ảnh hưởng của ROS và TAT lên ROA qua các năm 2017-2022, đặt biệt có sự ảnh hưởng khác biệt của ROS và TAT lên ROA trong 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, bài viết cũng đã chỉ ra rằng giữa 2 chỉ tiêu: ROS và TAT thì ảnh hưởng của ROS lên ROA mạnh hơn của TAT. Vì vậy trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả kinh doanh, các công ty đặc biệt cần chú ý cải thiện đến chỉ tiêu ROS, tức là kiểm soát và tiết kiệm tối đa chi phí kinh doanh. Bên cạnh đó các công ty cũng cần mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm để góp phần tăng tốc độ quay vòng của vốn nhằm nâng cao hơn nữa hiệu suất sử dụng vốn đầu tư.

Tài liệu tham khảo:

  1. Blumenthal, R. G. (1998). Tis the Gift to Be Simple: Why the 80-year-old DuPont model still has fans. CFO Magazine, 14, 61-63;
  2. Isberg, S. C. (1998). Financial analysis with the DuPont ratio: A useful compass. The credit and Financial Management review, 2(3), 11-21;
  3. Gujarati, D. N. (2022). Basic econometrics. Prentice Hall;
  4. Wooldridge, J. M. (2002). Econometric Analysis of Cross Section and Panel Data. Cambridge, USA, MA: MIT Press.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023