Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế tối thiểu toàn cầu

Thùy Linh

Sáng 18/4, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Toàn cảnh Hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam”.
Toàn cảnh Hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam”.

Chủ động ứng phó

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện các chính sách ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư của Việt Nam (ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp - TNDN; miễn thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế) được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Theo đó, nhờ có chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh, cùng với các thế mạnh như: tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động lớn..., dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới, trong khi đầu tư nước ngoài trên toàn cầu có xu hướng giảm. Đến năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định và vượt mốc 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong năm 2022, Việt Nam cũng đã thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với cùng kỳ nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.

Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế. Qua thống kê, hiện nay có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thấp hơn 15%, trong đó, thường là các DN trong lĩnh vực công nghệ cao (như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron...).

Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD). Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Chính vì vậy, nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng và Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế TNDN mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút vốn FDI và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án.

“Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu ngân sách nhà nước về thuế TNDN không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng Quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những DN FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước. Trường hợp Việt Nam không thu thuế TNDN bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các DN hiện tại sẽ được các nước phát triển có DN đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó. Mặt khác, khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Quy định IIR và UTPR) đối với những DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và có công ty con ở nước khác có số thuế TNDN thực tế thấp hơn mức tối thiểu thì sẽ thu thêm được thuế TNDN từ những DN này, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước”, ông Đặng Ngọc Minh phân tích.

Đáng chú ý, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cũng cho biết, không chỉ là nước nhận đầu tư, Việt Nam cũng có các nhà đầu tư ra nước ngoài như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dầu khí  Việt Nam (PVN), Tập đoàn Vingroup, Tổng công ty Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các ngân hàng thương mại. Như vậy, thuế tối thiểu toàn cầu cũng tạo ra cơ hội khi Việt Nam áp dụng quy định chung về thuế tối thiểu. Theo đó, Việt Nam có quyền đánh thuế bổ sung đối với các DN Việt Nam nếu thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu đầu tư ra nước ngoài, và đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15% tại các nước khác.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế tối thiểu toàn cầu, theo đó ban hành chính sách về thuế TNDN theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu để các DN này nộp phần chênh lệch giữa thuế TNDN thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

“Trước mắt có khoảng 100 DN chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, cần bổ sung quy định về thuế TNDN theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15%) để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu của các nước và áp dụng từ ngày 1/1/2024. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (bao gồm quy định tổng hợp thu nhập (IIR) và quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR) để áp dụng đối với các DN Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các DN khác thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch (nếu có)”, đại diện Tổng cục Thuế nói.

Xây dựng chính sách thuế đảm bảo thu hút đầu tư thực chất

Taị Hội thảo, bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ ngày 1/1/2024 và Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nội luật và thể hiện quan điểm ủng hộ thỏa thuận và cam kết thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Theo đó, các chính sách ứng phó với tác động của Trụ cột II được xây dựng trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần tranh thủ hỗ trợ, ý kiến tư vấn của OECD và các quốc gia, khu vực, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, DN đầu tư nước ngoài thông qua các diễn đàn đối thoại, hội thảo khoa học, truyền thông chính sách văn bản quy phạm pháp luật thuế suất tối thiểu toàn cầu và các thuế liên quan. Xây dựng đề án về thuế suất tối thiểu toàn cầu trong quý II/2023 trình Thủ tướng Chính phủ; đánh giá chủ trương chính sách của Việt Nam và đẩy nhanh tiến xây dựng nội luật áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu thuế, có thể bắt đầu thí điểm từ tháng 11/2023 và mở rộng hơn với tháng 12/2023 và thông báo chính thức chủ trương vào ngày 1/1/2024 khi thuế suất tối thiểu toàn cầu có hiệu lực. Nội luật được xây dựng trên cơ sở đối chiếu với quy định của OECD cũng như vấn đề về lợi ích và chi phí nếu thực hiện.

Trong dài hạn, hệ thống thuế cùng với các ưu đãi thuế cũng cần được xem xét cải cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Trụ cột II, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Việc ban hành chính sách hoặc cơ chế mới cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các DN thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Trụ cột II, đảm bảo thống nhất với quy định về bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư theo Luật Đầu tư hiện tại, cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế và quy định của OECD mà Việt Nam đang tham gia.

Đối với việc hỗ trợ các DN đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi Trụ cột II, bà Nguyễn Thy Nga cho rằng, Việt Nam nên chủ động lấy ý kiến và mời góp ý xây dựng hệ thống ưu đãi thuế để phù hợp hơn trong bối cảnh triển khai thuế suất, nhằm bảo vệ lợi ích của các DN này khi đầu tư tại Việt Nam để khuyến khích đầu tư, mở rộng đầu tư, đồng thời cũng dung hòa với quyền lợi của Việt Nam trong việc giành quyền đánh thuế trong bối cảnh GMT.

Theo ông Robert King - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nêu ý kiến, khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, Việt Nam cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Các biện pháp hỗ trợ cần đạt được hai mục tiêu quan trọng: Quyền lợi của nhà đầu tư, biện pháp hỗ trợ phải đem lại lợi ích thực sự cho nhà đầu tư; các biện pháp hỗ trợ phải đảm bảo không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như tuân thủ các quy tắc của Trụ cột 2.