Lĩnh vực chứng khoán – Mảnh đất màu mỡ cho tội phạm rửa tiền

Phạm Hạnh

(Tài chính) Trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng điều đáng lo ngại nhất đây chính là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm rửa tiền nhắm tới. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có hành lang pháp lý để nhận diện những hành vi mang nhiều rủi ro của loại tội phạm này, đồng thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chủ động đối phó với hành vi rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với chứng khoán

Hiện nay thị trường chứng khoán đã và đang lớn mạnh về cả quy mô và số lượng giao dịch; đồng thời cũng đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán một cách toàn diện. Năm qua, tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt hơn 237.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 27,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; trong đó, tổng giá trị huy động qua phát hành trái phiếu Chính phủ ước đạt 214.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 90% tổng giá trị vốn huy động và gần tương đương với mức huy động vốn kỷ lục trong năm 2013. Đặc biệt, thanh khoản thị trường 2014 cải thiện mạnh, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên, gồm cả cổ phiếu và trái phiếu đạt 5.500 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2013.

Theo nhận định của Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Tội phạm rửa tiền thường sử dụng chứng khoán vô danh, loại chứng khoán không được đăng ký trên sổ sách của tổ chức phát hành, bất cứ ai nắm giữ chứng khoán vô danh cũng đều có thể trở thành chủ sở hữu hưởng lợi của nó.

Đặc biệt nguy hiểm hơn đó là tội phạm rửa tiền thường lập các công ty bình phong, mục đích không phải để kinh doanh mà để tìm cách hợp pháp hóa các thủ tục hành chính, thuế, lợi dụng các kẽ hở về pháp luật đối với việc sở hữu tài sản và đăng ký các tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp.

Ngoài ra, tội phạm rửa tiền cũng có thể sử dụng các quỹ tín thác, các tài khoản mượn danh mục đích hoặc sử dụng các công ty vỏ bọc được thành lập một cách hợp pháp làm lá chắn cho các hoạt động thâu tóm, sáp nhập, chuyển giao tài sản phức tạp, thông qua đó đưa tiền có nguồn gốc bất hợp pháp vào hệ thống tài chính. Các sản phẩm chứng khoán phát sinh, hoặc các giao dịch tài chính phức tạp cũng có thể được sử dụng vào hoạt động rửa tiền…

Bên cạnh đó là các hành vi như: Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán; Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam; Khách hàng thường xuyên bán danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc;

Riêng đối với khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán bằng tiền mặt hoặc séc trong khoảng thời gian ngắn hoặc sẵn sàng đầu tư vào các danh mục chứng khoán không có lợi; Tài khoản chứng khoán của khách hàng không hoạt động trong một thời gian dài nhưng đột nhiên được đầu tư lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng; Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ các quỹ đầu tư được mở ở các vùng lãnh thổ được các tổ chức quốc tế xếp loại là có nguy cơ rửa tiền cao. Đây cũng là những dấu hiệu để nhận biết hành vi rửa tiền qua hoạt động chứng khoán.

Hoàn thiện cơ chế giám sát

Để hoàn thiện cơ chế giám sát và phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, tổ chức như Chính phủ, UBCKNN, các công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ…

Với tốc độ phát triển như vậy thì đòi hỏi thị trường chứng khoán Việt Nam cần có hành lang pháp lý để kiểm soát được mức độ rủi ro của các hành vi rửa tiền qua lĩnh vực này. Cở sở pháp lý quan trọng nhất đó là sự ra đời của Luật Phòng, chống rửa tiền được ban hành năm 2012. Theo đó Việt Nam đã luật hóa hành vi rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán tại Khoản 5 Điều 22 quy định các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm: Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện; Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý; Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán; Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam…Theo đó, các công ty chứng khoán phải có nghĩa vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng văn bản, thời hạn báo cáo tối đa là 48 giờ, kể từ thời điểm phát sinh giao dịch.

Với sự nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý ngăn chặn nguy cơ rửa tiền, đặc biệt là rửa tiền qua hình thức giao dịch chứng khoán đã góp phần đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thiếu hụt nghiêm trọng cơ chế về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Do đó, Việt Nam sẽ không còn là đối tượng giám sát của FATF theo quy trình giám sát liên tục về tính tuân thủ toàn cầu, về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Đây cũng chính là bằng chứng cho những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đối loại tội phạm xuyên quốc gia.