Thanh toán điện tử và nguy cơ từ giao dịch tiền ảo

PV.

Trong kỷ nguyên số, tại các nước đang phát triển, vai trò của tiền mặt đang dần đựơc thay thế bởi các hình thức thanh toán khác như thanh toán điện tử, còn ở Việt Nam, sử dụng tiền mặt trong thanh toán vẫn là xu hướng chủ đạo, tuy nhiên, để bắt kịp xu hướng của Công nghiệp cách mạng công nghệ 4.0, trong tương lai gần, Việt Nam cũng sẽ dần loại bỏ hoàn toàn tiền mặt ra khỏi hình thức thanh toán.

Xu hướng nở rộ thanh toán điện tử

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện và phát triển các phương thức thanh toán truyền thống như thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán thông qua ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi… các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam gần đây đang có xu hướng phát triển mạnh và đa dạng.

Tiến kịp xu hướng mới, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã chủ động tiếp cận, phát triển các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, gia tăng tiện tích và tiện lợi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, như thẻ ngân hàng, thanh toán qua điện thoại di động, thanh toán qua Internet…

Để khuyến khích phát triển TTKDTM tại Việt Nam Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng, chính sách. Điển hình như: Quyết định 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và Quyết định 1726/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; Tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.

Triển khai cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tập trung thí điểm phát triển một số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn tại Việt Nam nhằm mục tiêu mở rộng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; tạo điều kiện cho các NHTM và các tổ chức đối tác của NHTM phát huy lợi thế về công nghệ và mạng lưới, phát triển đa dạng và phong phú các dịch vụ thanh toán, mở rộng độ phủ của các dịch vụ thanh toán tới các khu vực chưa có sự hiện diện của ngân hàng thương mại trên địa bàn cả nước.

Một số mô hình thanh toán đang được cho phép triển khai thí điểm có ứng dụng trên nền tảng mạng điện thoại di động như: mô hình dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Vietcombank trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của Công ty Cổ phần Di động Trực tuyến (M_Service) ở khu vực nông thôn; mô hình dịch vụ chuyển tiền của MB trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới của Viettel ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo…

Với nỗ lực trên, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8/2017. Về thương mại điện tử, theo số liệu của Bộ Công thương, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng 25-35% mỗi năm, tương đương tốc độ tăng trưởng của khu vực. Các dịch vụ TTKDTM cơ bản phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, ở mức chi phí chấp nhận được của đại bộ phận dân cư ở độ tuổi trưởng thành và doanh nghiệp, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên hệ thống thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoạt động an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Cảnh giác với hành vi rửa tiền qua giao dịch tiền ảo

Dù đã có nhiều thông báo, khuyến cáo của các cơ quan chức năng, trong thực tế, nhiều đồng tiền ảo vẫn tràn vào Việt Nam trong thời gian gần đay. Đáng lo ngại, việc giao dịch tiền ảo gắn với nhiều rủi ro, nguy cơ về lừa đảo tài sản, tội phạm rửa tiền... lại có xu hướng lan rộng ra vùng ven thành phố, các vùng quê.

Khuyến cáo người dân cảnh giác với nguy cơ này, đồng thời, nhấn mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến giao dịch tiền ảo, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho rằng: Theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về tiền tệ và ngân hàng thì không được phép sử dụng Bitcoin hay các loại tiền ảo khác như một loại tiền tệ.

Đồng thời, việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân; đồng thời tiềm ẩn nguy cơ về các loại tội phạm như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền... Do vậy, các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát sẽ tăng cường tuyên truyền; đấu tranh, xử lý nghiêm minh với các loại tội phạm liên quan đến giao dịch tiền ảo.

Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ngày 28/10/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát đi thông báo, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Theo đó, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.