Triệt đường sống của tội phạm khủng bố

PV.

Bày tỏ quan quan điểm tại Hội nghị quốc tế về chống khủng bố tại Indonesia, các nước nhất trí rằng, biện pháp tốt nhất để triệt tận gốc bạo lực chính là phát hiện sớm và ngăn chặn các nguồn tài chính nuôi dưỡng khủng bố.

Từ năm 1999, Liên hợp quốc đã thông qua Công ước quốc tế về chống tài trợ cho khủng bố. Theo đó, bất kỳ ai cung cấp hoặc quyên góp tiền với ý định tài trợ hoặc sử dụng để tiến hành bất kỳ hành vi khủng bố nào, đều bị coi là hành vi bất hợp pháp.

Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) cũng khuyến nghị, các quốc gia cần thực hiện đầy đủ Công ước kể trên. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hiệu quả của cuộc chiến chống tài trợ tài chính cho khủng bố vẫn còn khá khiêm tốn. 

Góp phần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chống khủng bố, cuối năm 2016, các chuyên gia quản lý tài chính cùng Trung tâm thông tin về Indonesia và Australia phối hợp chức Hội nghị cấp cao về chống tài trợ khủng bố tại Bali, Indonesia.

Hội nghị một lần nữa chứng tỏ quyết tâm cao của các quốc gia trong việc phòng ngừa và ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố. Đây được coi là một dịp tập trung trí và lực cho chống khủng bố với sự tham gia của các bộ trưởng, các quan chức cấp cao và các chuyên gia kỹ thuật từ khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là diễn đàn đối thoại cởi mở giữa các đối tác quốc tế và khu vực về vấn đề chống khủng bố và bảo đảm an ninh, ổn định toàn cầu.

Ghi nhận ý kiến thảo luận tại hội nghị, các nước tham dự đã nhất trí các biện pháp ngăn chặn nguồn tài trợ cho khủng bố cũng như việc truyền bá tư tưởng cực đoan. Các nước cũng đạt được sự đồng thuận trong các đánh giá rủi ro khủng bố trong khu vực, đồng thời tập trung thảo luận các biện pháp ngăn chặn nguồn tài trợ khủng bố và các trang mạng độc hại truyền bá tư tưởng cực đoan, tuyển mộ, kết nối và lập kế hoạch khủng bố.

Kể từ sau Hội nghị cấp cao về chống tài trợ khủng bố đến nay, phần lớn các nước đều nhận thấy rằng, biện pháp tốt nhất để triệt tận gốc bạo lực chính là phát hiện sớm và ngăn chặn các nguồn tài chính nuôi dưỡng khủng bố. Người đứng đầu Trung tâm Phân tích và Giao dịch Tài chính Indonesia Muhammad Yusuf cho biết, với địa lý phức tạp, trải rộng, cùng với sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo, Indonesia thực sự lo lắng về các nguy cơ khủng bố và mong muốn thúc đẩy hợp tác với các nước trên thế giới nhằm giải quyết tận gốc vấn đề này, đảm bảo an ninh quốc gia và khu vực.

Thời gian qua, Indonesia đã phát hiện ra một số tiền rất lớn chảy vào Indonesia từ nhiều quốc gia dành cho các hoạt động từ thiện và xã hội. Nước này nghi ngờ một phần trong số đó sẽ được dùng vào mục đích tài trợ khủng bố.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức tiếp nhận tiền đã không nhận thức được rằng các nguồn tài trợ cho họ chính là từ tổ chức khủng bố. Liên quan tới việc truyền bá tư tưởng cực đoan, hội nghị khẳng định đây đang là một mối đe dọa toàn cầu thực sự. Vì vậy, sự hợp tác giữa các quốc gia là yếu tố vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Người đứng đầu cơ quan chống khủng bố của Chính phủ Indonesia (BNPT) Suhardi Alius vừa giới thiệu cuốn sách hướng dẫn các tổ chức và cơ quan chuyên trách chống khủng bố của Indonesia đề ra và thực hiện những chính sách để phát hiện và ngăn chặn những vụ chuyển khoản cho các hoạt động khủng bố. 

Theo ông Suhardi Alius, cuốn sách này thể hiện bản đồ của mạng lưới tài trợ cho các nhóm khủng bố, cũng như những số liệu về lực lượng Các tay súng khủng bố nước ngoài IS (FTF) ở Indonesia. 

Giới chuyên môn coi sự ra đời cuốn sách kể trên cho thấy, Indonesia quyết tâm chống khủng bố và việc phát hiện, ngăn chặn chuyển tiền liên quan tới IS sẽ góp phần vào cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực và trên thế giới. 

Gần đây  nhất, ngày 14/9/2017, người đứng đầu Cơ quan điều tra hình sự thuộc Cảnh sát quốc gia của Indonesia, Trung tướng Ari Dono Sukmanto cũng phát đi thông báo, lực lượng cảnh sát các nước thành viên ASEAN sẽ thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu được tích hợp mang tên ASEANAPOL điện tử (e-ADS). 

Và việc này sẽ giúp điều tra viên của các nước ASEAN có thể tiếp cận một cách nhanh chóng và an toàn để hỗ trợ cho cuộc chiến chống khủng bố. Trung tướng Ari Dono Sukmanto cho biết, công nghệ thông tin hiện đại trong hệ thống e-ADS là một trong những giải pháp đối phó với các thách thức hiện nay.