Nhiều biện pháp “ngăn ngừa” rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán

Anh Minh

Chứng khoán là một trong những “mảnh đất” nhắm tới của tội phạm rửa tiền nhằm thực hiện hành vi biến những khoản tiền bất hợp pháp thành tiền “sạch”. Để ngăn chặn nguy cơ này, cơ quan quản lý và các công ty chứng khoán đã áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán.

Hệ thống pháp luật tương đối toàn diện

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở pháp lý quan trọng trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động chứng khoán. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán đã được xây dựng tương đối toàn diện.

Theo Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố của Ngân hàng Nhà nước, cổ phiếu là sản phẩm dễ bị các đối tượng tội phạm lợi dụng với mục đích rửa tiền nhất. Một trong những sản phẩm khác có tiềm ẩn nguy cơ để thực hiện hành vi rửa tiền đó là giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết, đăng ký giao dịch.

Theo đó, đã có các quy định về chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền (mức phạt lên đến 250.000.000 đồng) và xử lý hình sự (mức phạt tù tối đa lên đến 15 năm). Quy định về gia nhập ngành chứng khoán chặt chẽ, đảm bảo tính ngăn chặn cao những đối tượng gia nhập ngành với mục đích rửa tiền.

Luật phòng, chống rửa tiền và Luật Chứng khoán đều có quy định các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải nhận diện thông tin khách hàng. Thông tin khách hàng được nhận diện chủ yếu dựa trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn và các thông tin khác do khách hàng cung cấp như số điện thoại, email, mức độ chịu rủi ro, chủ sở hữu hưởng lợi...

Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố của Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, 98% công ty chứng khoán có quy định về lưu trữ hồ sơ của khách hàng và 100% các công ty chứng khoán có hệ thống công nghệ thông tin quản lý thông tin khách hàng, trong đó có 44% cho biết có module rà soát giao dịch và những dấu hiệu về rửa tiền.

Mức độ sẵn có của các nguồn thông tin độc lập của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hiện nay vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn thông tin về giao dịch tiền, lịch sử cuộc gọi, IP đặt lệnh... Để tháo gỡ khó khăn này, UBCKNN đã ký biên bản ghi nhớ về việc trao đổi thông tin với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Đồng thời, Luật chứng khoán (sửa đổi) vừa được kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV thông quan với những quy định về trách nhiệm phối hợp trong quản lý chứng khoán đã góp phần khắc phục những bất cập hiện nay.

Quy định về phòng, chống rửa tiền còn được thực hiện theo các cam kết quốc tế do cơ quan quản lý là UBCKNN cam kết nội dung về phòng, chống rửa tiền trong Bản ghi nhớ đa phương giữa các nước thành viên Tổ chức Quốc tế của các Uỷ ban Chứng khoán (IOSCO).

Nâng cao chất lượng giám sát phòng, chống rửa tiền

Hiện nay, công tác quản lý, giám sát phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán có thể được chia làm 03 cấp độ: Cơ quan quản lý nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và UBCKNN), công ty chứng khoán và nhân viên chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống rửa tiền.

Theo Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố của Ngân hàng Nhà nước, 74,5% công ty chứng khoán phân công trên 01 người tham gia giám sát tuân thủ phòng, chống rửa tiền, 98% công ty chứng khoán có quy định về lưu trữ hồ sơ của khách hàng và thực hiện báo cáo về phòng, chống rửa tiền và về cơ bản tất cả các công ty chứng khoán đều có hệ thống thông tin lưu giữ thông tin khách hàng, cho phép và hỗ trợ quá trình giám sát giao dịch của khách hàng dựa trên thông tin của khách hàng.

Các công ty chứng khoán đã thành lập bộ phận phòng, chống rửa tiền, có lãnh đạo phụ trách tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền, có nhân viên chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống rửa tiền, ban hành quy trình, quy định nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền. 96% công ty chứng khoán có quy trình, quy định lưu trữ về các sự cố, hành vi vi phạm do nhân viên gây ra (nhằm mục đích quản trị rủi ro hoạt động) và 90% công ty chứng khoán có chế tài xử phạt nhân viên vi phạm chính sách tuân thủ phòng, chống rửa tiền.

Để nâng cao chất lượng giám sát về phòng, chống rửa tiền, 93,6% công ty chứng khoán đã ban hành sổ tay hướng dẫn, quy trình, chính sách, quy định liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Đồng thời, các công ty chứng khoán cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống rửa tiền cho lãnh đạo và nhân viên, cán bộ chuyên trách phòng, chống rửa tiền về hệ thống và mô hình rửa tiền nội địa, xuyên quốc gia.

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, 100% nhân viên của các công ty chứng khoán không vi phạm nguyên tắc trung thực về phòng, chống rửa tiền. Để xây dựng cơ chế phù hợp nhằm bảo vệ nhân viên sau khi họ báo cáo giao dịch đáng ngờ, 85% công ty chứng khoán tham gia khảo sát đã xây dựng cơ chế giữ bí mật danh tính nhân viên trong trường hợp họ báo cáo giao dịch đáng ngờ hoặc các giao dịch liên quan khác.

Hàng năm, UBCKNN đều thực hiện kiểm tra, thanh tra định kỳ đối với các các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trong đó có nội dung về phòng, chống rửa tiền.