Thế giới trước hiểm họa rửa tiền và tài trợ khủng bố


Trên thế giới, hoạt động rửa tiền đã xuất hiện từ rất lâu. Thậm chí, nhiều nghiên cứu cho rằng, khái niệm về các quy định về rửa tiền bắt đầu từ thời cổ đại và sau này được biết nhiều hơn khi gắn liền với sự phát triển của lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Điều này cho thấy, rửa tiền là hoạt động phổ biến, thời nào cũng có, rất khó để “diệt tận gốc” và dường như chỉ có các giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu hoạt động này mà thôi.

Rửa tiền (money laundering) là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội hoặc tham nhũng trở thành các tài sản được coi là "hợp pháp". Thực tiễn cho thấy, rửa tiền được thực hiện lần đầu tiên với những cá nhân giấu diếm tài sản để tránh bị Nhà nước đánh thuế hoặc bị tịch thu tài sản hoặc kết hợp cả hai.

Trên thế giới, trong những năm gần đây, xảy ra không ít các vụ rửa tiền gây chấn động. Chẳng hạn, trong năm 2012-2013, Mỹ đã phát hiện và truy tố một vụ rửa tiền lớn nhất trong lịch sử nước này với tổng số tiền phi pháp lên đến 6 tỉ USD. Tâm điểm của vụ việc là Liberty Reserve - một công ty chuyên chuyển ngoại hối và thực hiện dịch vụ thanh toán có trụ sở tại Costa Rica. Kết luận điều tra cho thấy trong vòng khoảng 7 năm, Liberty Reserve đã xử lý 55 triệu giao dịch bất hợp pháp trên toàn thế giới cho 1 triệu người, bao gồm 200.000 người ở Mỹ. Từ đó đến nay, vụ rửa tiền thông qua Liberty Reserve vẫn là vụ án lớn nhất, tốn nhiều giấy mực của báo chí và công sức điều tra của các cơ quan chức năng của nước này.

Hiện nay, nếu như rửa tiền không chỉ liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy, mại dâm, tham nhũng, ăn cắp thẻ tín dụng..., mà đáng lo hơn, hoạt động rửa tiền có thể tài trợ cho các hoạt động khủng bố. Thông qua hoạt động rửa tiền, một nguồn tài chính lớn có thể vô cùng lớn để “nuôi dưỡng” cho các hoạt động khủng bố, gây ra nhiều hệ lụy cho chính trị - kinh tế - xã hội của toàn cầu.

Đây chính là lí do sau sự kiện vụ tấn công của khủng bố vào Tòa tháp đối của Mỹ (11/9/2001), các quốc gia trên thế giới càng cảnh giác với nguy cơ hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Chỉ hơn 1 tháng sau đó, “Đạo luật Yêu nước” được Tổng thống George W.Bush ký ban hành và các luật tương tự trên toàn thế giới ra đời, dẫn tới một sự chú trọng mới đến các luật rửa tiền để chống tài trợ khủng bố.

Từ năm 2002, các chính phủ trên khắp thế giới đã nâng cấp luật rửa tiền, theo dõi và giám sát các hệ thống về giao dịch tài chính. Chính phủ nhiều nước cũng đã đưa ra các kiểm soát mới hoặc tăng cường kiểm soát biên giới về lượng tiền mặt tối đa có thể mang theo và thiết lập các hệ thống báo cáo giao dịch trung ương, tại đó tất cả các tổ chức tài chính phải báo cáo tất cả các giao dịch tài chính bằng điện tử. Chẳng hạn, năm 2006, Australia thành lập hệ thống AUSTRAC và yêu cầu phải báo cáo tất cả các giao dịch tài chính.

Có thể nói, hoạt động rửa tiền thường gắn với các giao dịch tài chính, tức gắn với hoạt động của các tổ chức tài chính. Trong giai đoạn 2011-2015, một số ngân hàng lớn phải đối mặt với các khoản tiền phạt vi phạm các quy định về rửa tiền, bao gồm HSBC, đã bị phạt 1,9 tỷ USD vào tháng 12/2012 và BNP Paribas đã bị Chính phủ Mỹ phạt 8,9 tỷ USD vào tháng 7/2014. Sau đó, hầu hết chính phủ các nước đều yêu cầu các tổ chức tài chính cần nhanh chóng triển khai việc tham gia phòng chống rửa tiền, có giải pháp để nhận diện rủi ro, theo dõi và ngăn chặn các giao dịch tài chính đáng ngờ.

Hiện nay, Việt Nam cũng đã có nhiều quy định, trong đó yêu cầu các tổ chức tài chính nâng cao nhận thức về hoạt động rửa tiền, từ đó đưa ra các giải pháp nhận diện rủi ro, giám sát các hoạt động đáng nghi. Các tổ chức tín dụng này cũng đã chủ động tập huấn ch cán bộ nhân viên, hoặc đưa ra các chương trình hành động chống rửa tiền… Theo các chuyên gia tài chính quốc tế, đây là những bước đi đúng đắn của Việt Nam nhằm cùng hòa cùng với thế giới trong cuộc chiến chống rửa tiền còn vô cùng day dẳng này.