Xu hướng kinh doanh nào sẽ “lên ngôi”?

Theo Nguyễn Chuẩn/diendandoanhnghiep.vn

Đại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, vừa đem lại thách thức, vừa giúp doanh nghiệp hình thành xu thế kinh doanh mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dù thời điểm này rất khó khăn, nhưng đây có thể lại chính là cơ hội cho các doanh nghiệp bứt phá đi lên.

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Trước đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp tập trung vào các mảng cốt lõi hoặc sử dụng chiến lược thuê ngoài ở những thị trường có chi phí thấp hơn. Nhưng chính sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã phá vỡ logic này.

Giờ đây, việc kiểm soát và sở hữu chuỗi giá trị, các nguồn lực sẽ trở nên quan trọng hơn, thay vì tìm kiếm chi phí thấp hơn trong phân công lao động toàn cầu. Trong đó, Intel, Amazon hay Maersk đang là những ví dụ sinh động nhất về việc kiểm soát và sở hữu chuỗi giá trị cùng các nguồn lực của mình. Chẳng hạn, Intel đã đầu tư sâu hơn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh chip của mình, thậm chí tự mình thiết lập Intel Foundry Services để giúp sản xuất các vật liệu đúc, gia công phần mềm dịch vụ cho TSMC của Đài Loan.

Hay như Amazon cũng đã thiết lập hơn 70% dịch vụ hậu cần nội bộ của mình, so với chỉ 46,6% vào năm 2019. Trong khi, Maersk lại đang nỗ lực tăng cường năng lực chuỗi cung ứng đầu cuối của mình ngoài vận chuyển, khi gần đây tập đoàn này đã đưa ra kế hoạch mua lại LF Logistics- một công ty chuyên về dịch vụ giao nhận, kho vận và vận tải quốc tế.

Có thể thấy, việc cấu hình lại chuỗi cung ứng giúp các công ty kiểm soát một hoặc nhiều công đoạn trong sản xuất hoặc phân phối, sẽ trở nên phổ biến hơn vào năm 2022.

Chuyển mình thích ứng

Trong bối cảnh nói trên, số hóa chính là xu hướng tất yếu. Và khi xu hướng số hóa đã trở nên phổ biến, các doanh nghiệp toàn cầu sẽ tìm kiếm mở rộng hoạt động ra ngoài ranh giới thực của mình. Những công ty dẫn đầu công nghệ trên toàn cầu, như Amazon, Netflix hay Tencent đều đã áp dụng hoàn toàn mô hình kinh doanh kỹ thuật số nhằm đáp ứng sự gia tăng đột biến nhu cầu trực tuyến.

Ngoài ra, một số mô hình kinh doanh sáng tạo mới cũng sẽ xuất hiện. Ví dụ, gần đây Nike đã mua lại RTFKT, một công ty sản xuất giày thể thao kỹ thuật số. RTFKT không chỉ cho phép người tiêu dùng mua giày thể thao kỹ thuật số trực tuyến mà còn có thể tùy chỉnh chúng để mang trong thế giới thực.

Song, những xu hướng tích hợp ngược cũng có thể diễn ra. Đơn cử như trường hợp của ByteDance (chủ sở hữu của TikTok) đã vượt ra ngoài ranh giới một nền tảng truyền thông xã hội, mạo hiểm với cả thương mại điện tử và đầu tư vào logistics.

Kinh doanh bền vững là nền tảng

Thiên tai, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu… đã tăng cường ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người tiêu dùng. Bởi vậy, người tiêu dùng sẽ ưa chuộng hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, đồng thời các doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi hơn nữa để giảm thiểu mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với hoạt động kinh doanh của họ.

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia nhận định kinh doanh bền vững sẽ tiếp tục trở thành nền tảng chính của phần lớn các doanh nghiệp trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sinh thái, năng lượng tái tạo và nhiều mảng sản xuất xanh khác được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ gặp phải rất nhiều những thách thức mới trong đảm bảo nguồn vốn tài chính, vốn xã hội và vốn môi trường. Do đó, cần đưa ra những gói hỗ trợ, giải pháp kịp thời và hiệu quả để tháo gỡ các nút thắt cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, cần khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ, cùng những hỗ trợ lớn hơn để xây dựng những hệ sinh thái tuần hoàn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.