Xu thế phát triển “kinh tế không tiếp xúc” tại Việt Nam


Xu thế bùng nổ của công nghệ số đã làm xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới như: Kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo... Đặc biệt, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khái niệm “kinh tế không tiếp xúc” được đề cập nhiều hơn, gắn với những yêu cầu về giãn cách xã hội của Chính phủ. Theo giới chuyên gia công nghệ, trước những thay đổi mang tính cấu trúc trong phương thức vận hành nền kinh tế trên thế giới, cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ số, việc phát triển “kinh tế không tiếp xúc” là xu hướng tất yếu trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các quan điểm về “kinh tế không tiếp xúc”

Nghiên cứu của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam với tựa đề “Kinh tế không tiếp xúc - Bạn chuẩn bị chưa?”cho rằng, “kinh tế không tiếp xúc” được thúc đẩy bởi cả hai phía gồm công nghệ kỹ thuật số (5G, nền tảng đám mây - AI) và các yếu tố từ nhu cầu (sự tiện lợi, nâng cao nhận thức về sức khỏe và an toàn).

Các chuyên gia của Deloitte phân chia nền “kinh tế không tiếp xúc” theo 2 nhánh lớn gồm: Tiêu thụ tại nhà và tiêu thụ không tiếp xúc bên ngoài. Trong đó, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam ước tính, hệ thống tiêu thụ tại nhà sẽ tăng hơn hai lần, lên tới 3.000 tỷ USD vào năm 2025 và gần 20% trong số này là do đại dịch COVID-19 tác động. Sản phẩm tiêu dùng, giải trí và giáo dục sẽ có quy mô thị trường lớn nhất, trong khi các dịch vụ tài chính, sức khỏe và tiêu dùng sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất.

Xu thế phát triển “kinh tế không tiếp xúc” tại Việt Nam  - Ảnh 1

Nhóm chuyên gia của Trường Đại học quốc tế RMIT đã đưa ra một khung phân loại “kinh tế không tiếp xúc” theo mức độ tương tác và cho rằng các lĩnh vực, như: Mua hàng trực tuyến, thương mại điện tử (TMĐT), giải trí trực tuyến, giáo dục trực tuyến, thanh toán điện tử, ví điện tử, mobile money, hệ thống điểm chấp nhận thanh toán thẻ POS… ứng dụng công nghệ mới để phục vụ khách hàng bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người, đặc biệt trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu. Bối cảnh dịch bệnh có thể yêu cầu chuyển đổi số để chuyển dịch từ mô hình kinh doanh “nhiều chạm” sang “ít chạm” hoặc “không chạm”.

Ignasi Sayol (2020) cho rằng, “kinh tế không tiếp xúc” thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) phải nghiên cứu, đưa ra các giải pháp kỹ thuật số và không tiếp xúc để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Một số nghiên cứu khác cho rằng, “kinh tế không tiếp xúc” phát triển góp phần thu hút các nguồn lực từ nước ngoài vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ với tiêu chuẩn công nghệ cao, công nghệ nguồn; khuyến khích các DN trong nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài liên doanh và tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ…

Phân khúc và động lực trong nền “kinh tế không tiếp xúc”

Phân khúc trong nền “kinh tế không tiếp xúc”

Theo nghiên cứu của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, khách hàng sẽ có sự phân hóa trong nền “kinh tế không tiếp xúc” với 4 phân khúc khác nhau, cụ thể:

- Phân khúc trải nghiệm mua sắm thực tế ảo: Khách hàng muốn nhận được các dịch vụ chăm sóc tốt nhất với nhiều sự lựa chọn, nhưng không muốn có sự tiếp xúc quá gần với con người và sản phẩm. DN có thể quản lý các hành trình hạn chế tiếp xúc này thông qua tương tác kỹ thuật số tại cửa hàng, chẳng hạn cho phép công nghệ như 5G, cảm biến và trí tuệ nhân tạo (IoT) hỗ trợ khách hàng.

- Nhóm khách hàng muốn mua sắm trực tiếp nhưng “không tiếp xúc”: Nhóm khách hàng này coi trọng tốc độ và sự đơn giản, không cần tương tác với con người, nhưng muốn trực tiếp lựa chọn sản phẩm và dịch vụ nên họ sẽ ra ngoài để mua sắm. Các tính năng chính để DN kết hợp trong hành trình của họ là các ki-ốt tự phục vụ không tiếp xúc, tùy chọn thanh toán nhanh, khay trả hàng tự động...

- Mua sắm qua sàn TMĐT: Các khách hàng này đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng và cũng muốn được giao hàng nhanh, trong khi mức tiền chi trả thấp nhất có thể. DN có thể phục vụ những khách hàng này thông qua nền tảng kỹ thuật số như các sàn TMĐT để giảm thiểu các chi phí quản lý, lưu trữ...

- Nhóm khách hàng muốn trải nghiệm ảo và không cần rời khỏi nhà: Xu hướng tiêu dùng ở nhà đang trở nên phổ biến từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Các DN có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ giá trị gia tăng bằng cách tận dụng công nghệ thông minh như IoT, AR (bổ sung những chi tiết ảo vào thế giới thực để tăng cường sự trải nghiệm), VR (kính thực tế ảo) được kích hoạt bởi 5G.

Động lực trong nền “kinh tế không tiếp xúc”

Nghiên cứu của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho thấy, có 5 động lực chính thúc đẩy “kinh tế không tiếp xúc” phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới như sau:

- Nhận thức về sức khỏe và an toàn ngày càng được nâng cao: Đây là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay. Theo khảo sát về người tiêu dùng do Công ty TNHH Deloitte Việt Nam thực hiện, khoảng một nửa số người tiêu dùng cảm thấy an toàn khi đến một cửa hàng hoặc giao tiếp với nhân viên. Ngay cả khi đã phục hồi, những lo ngại tiềm ẩn về một đợt dịch mới bùng phát tiếp tục tác động đến hành vi người tiêu dùng.

- Sự phát triển các công nghệ mới: Công nghệ đóng vai trò là xương sống cho kỹ thuật số và các dịch vụ không tiếp xúc. Điều này mở ra một xu hướng mới giúp DN mở rộng kiến trúc công nghệ thông qua việc áp dụng công nghệ đám mây sâu hơn, từ đó nâng cao hiệu quả và phản ứng nhanh với những hành vi tiêu dùng liên tục thay đổi.

- Kỹ thuật số giúp mọi người duy trì cảm giác ổn định: Việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho phép người tiêu dùng duy trì thói quen mua hàng trực tuyến. Khảo sát gần đây của Công ty TNHH Deloitte đã cho thấy, mức sử dụng tiền mặt từ khi đại dịch COVID- 19 bùng phát giảm đáng kể tại nhiều quốc gia như: Singapore (67%), Malaysia và Philippines (64%) và Thái Lan (59%). Ngược lại, gần 50% người tiêu dùng tại các quốc gia này tăng mua sắm trực tuyến.

- Sự bùng nổ của các nền tảng phục vụ cho trải nghiệm của con người: 56% bày tỏ sự cần thiết phải có thêm sự tiếp xúc của con người trong trải nghiệm kỹ thuật số. Điều này dẫn đến sự gia tăng của các nền tảng lấy con người làm trung tâm, phân tích hành vi người tiêu dùng và phản hồi theo ngữ cảnh và cảm xúc của họ.

- 5G gia tăng theo cấp số nhân: Khảo sát của Deloitte cho thấy, 76% các giám đốc điều hành tin rằng 5G sẽ là một công nghệ quan trọng cho hoạt động kinh doanh của họ trong 3 năm tới. Các khả năng tiên tiến của 5G sẽ giúp DN thay đổi dịch vụ, cải thiện trải nghiệm khách hàng và mở khóa lợi thế cạnh tranh để định hình nền kinh tế không tiếp xúc.

“Kinh tế không tiếp xúc” trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam

Đại dịch COVID-19 bùng phát cũng là lúc cụm từ “kinh tế ít chạm” hay “kinh tế không tiếp xúc” được đề cập thường xuyên. Tuy nhiên, khái niệm “kinh tế ít chạm” hay “kinh tế không tiếp xúc” được cho là đã xuất hiện từ trước đó (Trần Văn, 2021).

Nghiên cứu của Trường Đại học quốc tế RMIT cho thấy, thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến cơ cấu kinh tế, cũng như hành vi của xã hội và cho rằng Việt Nam nên chuẩn bị cho nền kinh tế không tiếp xúc ngay từ bây giờ, bởi cách sống và thông lệ kinh doanh mới hình thành. Một trong những minh chứng cho xu hướng "kinh tế không tiếp xúc" là sự bùng nổ của các hoạt động TMĐT kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện (cuối năm 2019).

Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2020, TMĐT Việt Nam tăng trưởng 18%, quy mô thị trường đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước với lượng khách hàng truy cập các sàn TMĐT trung bình khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày, tăng 1,5 lần so cùng kỳ.

Đặc biệt, để ứng phó với đại dịch COVID-19, các cơ quan quản lý khuyến khích ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt với các ví điện tử, thí điểm mô hình mobile money, dịch vụ công trực tuyến. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 22/4/2021, có 43 tổ chức được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có nhiều ví điện tử lớn, uy tín.

Tính đến hết quý I/2021, cả nước có 96 triệu thẻ ngân hàng nội địa và 18 triệu thẻ quốc tế, 19.714 máy ATM với gần 250 triệu giao dịch, tổng giá trị 767 nghìn tỷ đồng và 271.727 điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) với trên 103 nghìn giao dịch, tổng giá trị gần 180 nghìn tỷ đồng.

Việt Nam hiện có khoảng trên 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày, tốc độ tăng trưởng dịch vụ mobile banking là 200%/năm. Để giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh từ giao dịch trực tiếp và qua tiền mặt, Việt Nam đã đẩy nhanh, để triển khai chủ trương hạn chế thanh toán tiền mặt.

Thực tế cho thấy, đã có nhiều hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được phát triển với công nghệ tiên tiến, như: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống thanh toán bù trừ, hệ thống thanh toán nội bộ của từng ngân hàng thương mại, hệ thống thanh toán thẻ, hệ thống thanh toán qua internet và điện thoại di động…

Một số khuyến nghị

Theo Trần Văn (2021), hiện nay, “kinh tếkhông tiếp xúc” vẫn còn đối diện với không ít thách thức. Hành lang pháp lý cho “kinh tếkhông tiếp xúc” chưa có những đột phá đáng kể, chưa được luật hóa và chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho “kinh tế không tiếp xúc” chưa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng... Trong thời gian tới, để thúc đẩy “kinh tế không tiếp xúc” phát triển, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Về phía cơ quan nhà nước

- Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ sở để mô hình “kinh tế không tiếp xúc” phát triển có điều kiện phát triển đúng hướng, khắc phục tình trạng các quy định của pháp luật không theo kịp với thực tiễn phát triển của khoa học - công nghệ.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về DN khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng...

Nghiên cứu, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi của kinh tế không tiếp xúc nhằm tạo sự đồng bộ và khung pháp lý để nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp

- Tiên phong trong việc khởi dựng kiến tạo mô hình kinh tế không tiếp xúc, trong đó chú trọng đầu tư thúc đẩy TMĐT, trí tuệ nhân tạo... phát triển bởi suy cho cùng DN là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ mô hình kinh tế này.

- Xác định số lượng theo mỗi phân khúc để đạt mục tiêu.

- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao để phục vụ cho việc vận hành các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế phi tiếp xúc.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Văn (2021), Kinh tế không tiếp xúc: Nhận diện và một số hàm ý chính sách, Tạp chí Cộng sản điện tử;

2. Thùy Lê (2021), Nền kinh tế không tiếp xúc - Xu hướng trong thời kỳ mới, Báo Kiểm toán Nhà nước;

3. Deloitte (2020), Báo cáo “Kinh tế không tiếp xúc - Bạn chuẩn bị chưa?”

4. Ignasi Sayol (2020), Entering the Contactless Economy: Strategies and Drivers.

(*) TS. Đặng Văn Sáng, Trường Trung cấp Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 8/2021.