Xu thế và tiềm năng phát triển thương mại điện tử

Mai Thị Quỳnh Như - Khoa Kế toán - Đại học Duy Tân

Thương mại điện tử là hoạt động mua bán sản phẩm hoặc dịch vụ trên internet. Xu hướng mua sắm hiện nay đang chuyển dịch từ mua sắm truyền thống sang trực tuyến và thương mại điện tử đang trở thành một phần quan trọng của hoạt động mua sắm. Mua sắm trực tuyến giúp người tiêu dùng tiết kiết kiệm thời gian, có thể tìm thấy nhiều sản phẩm khác nhau với giá cả cạnh tranh, nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn so với mua sắm truyền thống.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Trên thế giới hiện có nhiều định nghĩa về thương mại điện tử (TMĐT), có thể tiếp cận các định nghĩa này ở những tổ chức: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ủy ban Thương mại điện tử của Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Ủy ban châu Âu… Tựu trung lại các định nghĩa có hai ý chính: TMĐT tập trung mua bán trực tuyến nhưng giao hàng hiện hữu; TMĐT là một thành phần của kinh doanh điện tử.

Trong những năm gần đây, thị trường TMĐT ngày càng mở rộng, trở thành phương thức kinh doanh – tiêu dùng phổ biển của nhiều doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 như chất xúc tác giúp thị trường TMĐT tăng tốc, phát triển nhảy vọt với sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ khi tận dụng được hạ tầng Internet, công nghệ hiện đại...

Sự mong đợi của khách hàng khi mua sắm

Khi khách hàng mua sắm sẽ có nhiều câu hỏi về sản phẩm của DN trước khi quyết định mua. Các DN phải đảm bảo sản phẩm và chất lượng sản phẩm để đáp ứng sự mong đợi của khách hàng ở những câu hỏi: Làm gì nếu khách hàng muốn hoàn hàng? Sản phẩm mà DN đang cung cấp có khuyến mãi gì không? Sản phẩm này có phù hợp với khách hàng? Sản phẩm đã có chất lượng cao? Số lượng sản phẩm có thể cung cấp? Khách hàng sử dụng sản phẩm như thế nào?... Đây là các vấn đề cần quan tâm khi sử dụng công nghệ online để mua hàng.

Chính vì thế, các hình thức TMĐT ra đời với nhiều dạng khác nhau để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Nếu chia theo đối tượng tham gia thì có 3 đối tượng chính bao gồm: Chính phủ (G-Government), DN (B-Business) và Khách hàng (C-Customer hay Consumer). Nếu kết hợp đôi một 3 đối tượng này sẽ có 9 hình thức theo đối tượng tham gia bao gồm: DN với DN (B2B), DN với Khách hàng (B2C), DN với Nhân viên (B2E), DN với Chính phủ (B2G), Chính phủ với DN (G2B), Chính phủ với Chính phủ (G2G), Chính phủ với Công dân (G2C), Khách hàng với Khách hàng (C2C), Khách hàng với DN (C2B).

Song song với việc ra đời nhiều hình thức TMĐT, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, DN phải nâng cao hơn nữa chất lượng TMĐT, từ các khâu giúp người tiêu dùng nhận diện, đánh giá được thương hiệu của mình là uy tín, đến khâu hoàn thiện đơn hàng sau bán, hệ thống logistic hỗ trợ giao hàng, tính linh hoạt, nhanh nhạy trong các khâu chăm sóc, hậu mãi… đều quyết định đến việc đánh giá chất lượng của người tiêu dùng.

Đối với công tác nhận diện thương hiệu trên các kênh bán hàng, trong thời đại bùng nổ về công nghệ số, việc chỉ duy trì một kênh chính để xây dựng hình ảnh thương hiệu kỹ thuật số là trang web chính thức của thương hiệu hay các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Tiki và Sendo trước đây có vẻ như đã lỗi thời. Các thương hiệu mạnh này, cùng với một số thương hiệu mới nổi đều hướng đến việc duy trì sự có mặt trên rất nhiều nền tảng số, đặc biệt là những nền tảng số đang là xu hướng sử dụng của thế hệ tiêu dùng trẻ tuổi. Ưu điểm của các nền tảng số này là DN có thể thu thập, đánh giá dữ liệu về lưu lượng truy cập của người tiêu dùng, thương hiệu, nhiều thông tin quan trọng khác để quyết định kênh bán hàng chẳng hạn như các đặc điểm nhân khẩu của khách hàng bao gồm tuổi, giới tính. năng lực chi tiêu…

Khâu hoàn thiện đơn hàng và hệ thống logistic là rất quan trọng trong hành trình trải nghiệm sản phẩm của người tiêu dùng. Khách hàng chọn sản phẩm vì phù hợp nhu cầu, vì được nghe giới thiệu về chất lượng, tuy nhiên, khâu chăm sóc khách hàng sau khi chốt đơn cũng cực kỳ quan trọng. Bước đi này là chính yếu trong hành trình trải nghiệm của khách hàng và nó quyết định khách hàng có quay trở lại với DN hay không, việc lựa chọn mô hình “TMĐT trung gian” hay thuê đơn vị thứ ba thực hiện hoàn thiện đơn hàng cũng là rất quan trọng cho bài toán chiến lược TMĐT.

Khi các DN hoạt động trong lĩnh vực TMĐT đã có một hệ khách hàng ổn định với thói quen mua sắm được duy trì, đó là khi họ phải nghĩ tới một kế hoạch dài hơi hơn để vừa có thể đáp ứng nhu cầu của hệ khách hàng hiện hữu, vừa có thể phát triển được một hệ khách hàng mới trong tương lai, các chiến lược ngắn hạn đã không còn là phương án duy nhất tạo nên sự linh hoạt và mức độ đạt được hiệu quả nhanh chóng, mà các kế hoạch dài hạn hướng tới tương lai cũng có thể bắt kịp xu hướng tiêu dùng và tiến bộ công nghệ, đồng thời duy trì các kênh bán hàng cốt lõi.

Xu hướng và tác động của thương mại điện tử đến thị trường

Ở Việt Nam, tính đến năm 2020, TMĐT đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 18% với quy mô 11,8 tỷ USD, tính chung cho cả khu vực Asean thì Việt Nam có tăng trưởng TMĐT ở mức 2 con số. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, nhiều khả năng quy mô của TMĐT Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực Asean vào năm 2025.

Từ chất xúc tác đại dịch COVID-19, nhu cầu về TMĐT của người tiêu dùng càng trở nên cấp thiết hơn với những sản phẩm đa dạng phục vụ cuộc sống. Các DN trong bối cảnh này muốn tồn tại và phát triển đều có xu hướng tìm đến TMĐT như là một đầu ra hữu hiệu trong việc tiêu thụ sản phẩm của mình, khi cung và cầu đều có xu hướng dịch chuyển về TMĐT. Thói quen tiêu dùng thay đổi thì số lượng người mau sắm thông qua TMĐT tăng vọt. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến đã lên đến hơn 49,3 triệu người. Vì vậy, đến hết năm 2022, quy mô thị trường TMĐT tại Việt Nam đã đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Thông qua TMĐT, người tiêu dùng được tiếp cận với đa dạng sản phẩm hơn, cùng một nhu cầu, nay người tiêu dùng có thể lựa chọn được sản phẩm sản xuất trong nước hay sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài với chất lượng và giá cả cạnh tranh hơn từ đó nâng cao hơn trải nghiệm tiêu dùng của mình. Bên cạnh đó, đối với DN tham gia vào hoạt động TMĐT cũng có được cơ hội giao lưu, trao đổi và so sánh sản phẩm của mình với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh trên toàn thế giới từ đó rút kinh nghiệm và hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực DN và nâng cao được giá trị chất lượng hàng hóa.

Như đã đề cập ở trên, hiện tại theo định nghĩa về TMĐT của hầu hết các tổ chức trên thế giới thì TMĐT tập trung mua bán trực tuyến nhưng giao hàng hiện hữu, hình thức này hiện nay đang giống như một xu hướng được phát triển ồ ạt và rất mạnh ở các quốc gia có nền tảng TMĐT phát triển như: Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam...

Ví dụ như, tốc độ ứng dụng và phát triển TMĐT của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ gần đây. Tại các thị trường châu Âu, số liệu thống kê từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, doanh số thương mại điện tử của 16 nước lớn nhất châu Âu đã đạt tới 146 tỷ euro và chiếm khoảng 25,5% doanh số TMĐT của cả châu Âu. Theo số liệu Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu TMĐT trong năm 2020 của nước này 1,69 nghìn tỷ NDT, tăng 31,1%. Tổng giao dịch xuất khẩu qua TMĐT tăng hơn 40% lên 1,12 nghìn tỷ NDT, Trung Quốc nhập khẩu hàng hoá từ thị trường nước ngoài qua TMĐT đạt 570 tỷ NDT, tăng trưởng 16,5%.

Tỷ trọng TMĐT trung bình của khu vực Asean so với thế giới tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trở lại đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình của thế giới (27,4%/năm trong giai đoạn 2016-2020). Khảo sát hành vi tiêu dùng trực tuyến của Lazada và Milieu Insight trong năm 2022 cho thấy, 73% người tiêu dùng Đông Nam Á đã xem mua sắm trực tuyến là một phần trong cuộc sống hàng ngày vì sự thoải mái và tiện lợi. Họ cũng sẵn sàng dành công sức và thời gian tìm kiếm các ưu đãi kèm theo tốt nhất để tiết kiệm chi tiêu. Doanh thu TMĐT giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, TMĐT sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho DN mở rộng thị trường.

Tiềm năng phát triển của thương mại điện tử trong tương lai

Hiện nay, các DN TMĐT đang trên đà phát triển, song song với việc phát triển của thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa, việc duy trì hình ảnh và luôn giữ được mối quan hệ với khách hàng là rất quan trọng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực này. DN phải hiểu được tầm quan trọng của việc sở hữu thế mạnh cạnh tranh, DN có thể đạt được điều này thông qua việc cung cấp cho khách hàng giá trị lớn hơn bằng cách để giá thấp hơn hoặc cung cấp lợi ích và dịch vụ tốt hơn để phù hợp với giá cả cao hơn.

Bên cạnh sự gia tăng dân số toàn cầu cùng với tốc độ tiếp cận Internet ngày càng cao đã tạo ra một lượng lớn người dùng tiềm năng cho thị TMĐT. Điều này mở ra cơ hội cho các DN phát triển và mở rộng thị trường của mình. Ngoài ra, sự tiến bộ của công nghệ đã mang lại những giải pháp mới cho việc mua sắm trực tuyến, từ trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, thực tế tăng cường, đến các giải pháp thanh toán di động và các công nghệ vận chuyển nhanh chóng hơn.

Thay đổi hành vi mua sắm cũng là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của TMĐT. Ngày nay, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến hơn vì sự thuận tiện, giá cả cạnh tranh và đa dạng sản phẩm. Điều này khẳng định xu hướng mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Một yếu tố khác đó là sự bùng nổ thị trường mới, các nước đang phát triển như: Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á và châu Phi ngày càng mở rộng thị trường TMĐT, tạo ra cơ hội phát triển lớn cho các DN. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi và hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển ngành TMĐT.

Không chỉ bán lẻ, TMĐT còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như dịch vụ, giáo dục, y tế và ngành công nghiệp. Các dịch vụ như đặt vé máy bay, khách sạn, thuê nhà, đặt bàn ăn, đặt taxi và mua vé sự kiện đều đang chuyển sang mô hình trực tuyến, thuận tiện và nhanh chóng hơn cho người tiêu dùng. Trong lĩnh vực giáo dục, thị trường giáo dục trực tuyến đang ngày càng phát triển với nhiều khóa học, chương trình đào tạo và nền tảng hỗ trợ học tập. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người học mà còn tạo cơ hội học tập cho những người ở vùng xa xôi. Ngành Y tế cũng đang tận dụng TMĐT trong việc cung cấp dịch vụ và sản phẩm, chẳng hạn như đặt lịch khám trực tuyến, mua thuốc, tư vấn sức khỏe và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa. Đối với công nghiệp và sản xuất, TMĐT cũng đang thâm nhập vào ngành công nghiệp, ví dụ như việc bán hàng công nghiệp, vật tư, máy móc và dịch vụ hậu mãi. Việc kết nối các DN và nhà cung cấp trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, TMĐT cần phải đối mặt và giải quyết các thách thức như an ninh mạng, quyền riêng tư, vấn đề giao hàng và thanh toán, cũng như pháp luật và quy định liên quan. Việc giải quyết những thách thức này sẽ góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Có thể nhận thấy, tiềm năng phát triển của TMĐT trong tương lai là rất lớn, sự tiến bộ công nghệ, thay đổi hành vi mua sắm, bùng nổ thị trường mới, chính sách ưu đãi và hợp tác quốc tế, cũng như sự mở rộng của các lĩnh vực TMĐT đều đóng góp vào sự phát triển này.

Để đạt được sự phát triển bền vững, các DN và Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết các thách thức và vấn đề đặt ra, sự hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển TMĐT. Điều này không chỉ giúp mở rộng thị trường mà còn góp phần xây dựng một hệ thống TMĐT toàn cầu, hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế số trên toàn thế giới.

TMĐT đang và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai nhờ sự tiến bộ của công nghệ, thay đổi hành vi mua sắm, bùng nổ thị trường mới và sự mở rộng các lĩnh vực TMĐT. Để đạt được sự phát triển bền vững, các DN, chính phủ và cộng đồng cần phối hợp và nỗ lực giải quyết các thách thức, đồng thời tận dụng cơ hội từ sự phát triển này.

Tài liệu tham khảo:

  1. Các báo cáo đào tạo nội bộ về thương mại điện tử của Lazada University;
  2. Ngân Nguyễn, Thương mại điện tử: Xu hướng tất yếu của nền kinh tế toàn cầu, https://subiz.com.vn/blog/thuong-mai-dien-tu.html;
  3. Thương mại điện tử – Xu hướng tất yếu trong kinh doanh online, https://www.navee.asia/kb/thuong-mai-dien-tu-la-gi.
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023