Thị trường vàng và Nghị định số 24/2012/NĐ-CP


Thị trường vàng trong nước đã và đang ghi nhận những động thái đột phá lạ, với nhiều cái nhất chưa từng có: Giá vàng lập đỉnh cao nhất mọi thời đại; chênh lệch cao nhất giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, giá vàng SJC với giá vàng các thương hiệu khác, cũng như giá vàng bán ra - mua vào; biên độ tăng - giảm giá trong ngày lớn nhất từ trước đến nay...

Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng kết Nghị định số 24, sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng. Ảnh: ST
Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng kết Nghị định số 24, sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng. Ảnh: ST

Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 19 triệu đồng/lượng vào ngày 26/12/2023 (khi giá vàng thế giới quy đổi sang VND đã tính thuế, phí gia công ở mức 61,41 triệu đồng/lượng). Kết thúc tháng 3/2024, quy đổi theo tỷ giá USD của ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương 67,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn 3,3-4 triệu đồng so với vàng nhẫn trong nước; chênh lệch với giá vàng miếng SJC thu hẹp dần, còn chưa tới 14 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước đã hạ nhiệt chỉ sau một đêm tới 6 triệu đồng/lượng, sau Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế.

Giá vàng thế giới chịu tác động cộng hưởng của nhiều nhân tố như kỳ vọng cắt giảm lãi suất (có thể tới 3 lần trong năm 2024) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi lạm phát ở Mỹ tiệm cận hơn mục tiêu 2%; sự khó lường của căng thẳng địa chính trị và kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ sắp tới; kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng và việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục mua tích trữ vàng với khối lượng lớn cả nghìn tấn mỗi năm…

Giá vàng trong nước cũng chịu ảnh hưởng cùng chiều của các nhân tố trên do Việt Nam là nước nhập khẩu vàng trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm xuống thấp, các kênh đầu tư bất động sản và thị trường chứng khoán kém hấp dẫn...

Tuy nhiên, việc giá chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, cũng như giữa vàng SJC với các vàng thương hiệu khác cho thấy sự tắc nghẽn trong liên thông thị trường trong nước và quốc tế,  sự thiếu minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các thương hiệu vàng trong nước...

Đặc biệt, sự chênh lệch giá vàng SJC với các thương hiệu vàng khác và giữa vàng trong nước với quốc tế trên thực tế đã tạo ra một nghịch lý nguy hiểm là gia tăng xu hướng sùng bái, thậm chí là “tiền tệ hoá” vàng SJC và tạo cơ hội cho những hoạt động tiêu cực, nhất là việc đầu cơ, trục lợi và lợi ích nhóm trong quản lý vàng SJC.

Trong bối cảnh cơ hội và lợi nhuận đầu tư đa số các lĩnh vực khác gặp khó khăn, thì sự chênh lệch giá giữa vàng trong nước và quốc tế có thể làm tăng các hoạt động buôn lậu vàng như một số vụ án đang bị khởi tố gần đây chứng minh. Hơn nữa, sự chênh lệch giá vàng SJC với các thương hiệu vàng 9999 khác sẽ tạo cơ hội cho việc sản xuất và kinh doanh vàng SJC giả trên thị trường trong nước.

Thậm chí, chỉ cần mua vàng 9999 của các thương hiệu khác để sản xuất ra vàng miếng hay nhẫn SJC là có thể thu lời nhanh chóng, khi cơ chế quản lý SJC và các quy chuẩn về thương hiệu vàng quốc gia SJC chưa bao giờ được công bố công khai rộng rãi và liệu thực tế máy sản xuất vàng SJC đã có cơ chế quản lý chặt chẽ như quản lý máy in tiền quốc gia...?!

Thời gian cho thấy, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP với quy định Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng và sản xuất vàng miếng trong khi tạo hiệu quả khá tốt trong chống vàng hoá, thì việc tắc nghẽn tính liên thông thị trường vàng trong nước và quốc tế cùng với xu hướng tiền tệ hoá vàng SJC cũng nguy hại không kém và làm mờ đi ý nghĩa kết quả của thi hành Nghị định này. Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá cả vàng miếng. Tuy nhiên, Nhà nước luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân và cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác.

Rút cục, chỉ có người tiêu dùng bị thiệt thòi do phải mua vàng với giá đắt và nhiều người dân tất toán tiền tiết kiệm, chuyển sang nắm giữ vàng. Đồng thời, dòng tiền trong nền kinh tế bị vướng vào vòng luẩn quẩn: Nhà đầu tư chuyển vốn vào vàng, khiến nền kinh tế khan hiếm tiền vào đầu tư, sản xuất; khiến chính sách phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn, khiến xã hội phục hồi xu hướng vàng hoá và tiền tệ hoá vàng SJC.

Bởi vậy, việc sửa đổi nhanh Nghị định số 24/2012/NĐ-CP theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để làm tăng tính liên thông thị trường hoá, chống chênh lệch cao giá vàng trong nước, quốc tế; cũng như cần bổ sung các biện pháp cần thiết chống “tiền tệ hoá” vàng SJC và làm tăng sự minh bạch của thương hiệu này với các vàng 9999 khác là vấn đề cấp thiết. Thậm chí, các cơ quan chức năng có thể xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm toán hiệu quả chính sách đối với Nghị định.

Đó cũng là một phần nhiệm vụ quan trọng và trực tiếp, gián tiếp góp phần mở rộng, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế thị trường, tăng cường cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng đầy đủ và sâu rộng, toàn diện hơn.

Theo Báo Kiểm toán