2 ngân hàng Mỹ phá sản có khả năng xảy ra hiệu ứng domino?

PV. (t/h)

Bộ Tài chính Mỹ vừa ra thông báo về việc đóng cửa ngân hàng Signature Bank (bang New York). Trước đó chỉ 2 ngày, ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB, bang Califonia) cũng tuyên bố phá sản. Như vậy, trong lịch sử ngành Ngân hàng nước Mỹ, đã có 3 ngân hàng lớn phải “đóng cửa” kể từ năm 2008. Câu hỏi đặt ra là sự việc có khả năng tạo hiệu ứng domino lan truyền sang cả hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Á và Việt Nam hay không?

Ngân hàng Mỹ phá sản, đóng cửa không tác động đến Việt Nam

Sáng ngày 10/3 theo giờ Mỹ, Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã dừng hoạt động. Theo các chuyên gia, sự sụp đổ của SVB một phần do chính sách nâng lãi mạnh tay của Fed trong năm 2022.

Khi lãi suất còn quanh 0%, các ngân hàng tích cực mua vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài, rủi ro thấp. Tuy nhiên, khi Fed nâng lãi để đối phó lạm phát, giá trị số trái phiếu này giảm theo, khiến các ngân hàng phải gánh khoản lỗ khổng lồ trên giấy tờ.

Sự sụp đổ của SVB một phần do chính sách nâng lãi mạnh tay của Fed trong năm 2022.
Sự sụp đổ của SVB một phần do chính sách nâng lãi mạnh tay của Fed trong năm 2022.

Tiếp đó, ngày 13/3, thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục nhận thông tin về việc Ngân hàng Signature Bank có trụ sở tại New York, Mỹ buộc phải đóng cửa vì mất thanh khoản.

Nhiều nhà phân tích trên thế giới đều cho rằng, vụ việc này khó có thể gây ra hiệu ứng domino với ngành Ngân hàng như cuộc khủng khoảng tài chính năm 2008. Theo báo New York Times, một số ngân hàng lớn nhất của Mỹ vẫn trong trạng thái "bình yên vô sự". Vậy các chuyên gia kinh tế của Việt Nam đánh giá ra sao?

Nhận định về những tác động có thể xảy ra đối với Việt Nam, TS. Bùi Kiến Thành cho rằng, SVB Mỹ đóng cửa không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng cũng như hoạt động kinh tế tài chính khác của Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS. Bùi Kiến Thành, dù ít dù nhiều thì sự việc này vẫn tạo tâm lý lo lắng cho một số cá nhân có tiền gửi ở các ngân hàng.

 

"Vụ đóng cửa của ngân hàng SVB không mang tầm cỡ quốc tế, không gây phản ứng dây chuyền trong hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam, mà nó chỉ là ảnh hưởng về tâm lý", Chuyên gia Lê Đăng Doanh nhận định.

Đồng quan điểm với TS. Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhận định, vụ đóng cửa của ngân hàng SVB không mang tầm cỡ quốc tế, không gây phản ứng dây chuyền trong hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam, mà nó chỉ là ảnh hưởng về tâm lý.

“Lỗi của ngân hàng này là cho vay quá nhiều, trong khi tiền vốn và tiền người dân gửi tiết kiệm qua kỳ dịch COVID-19 vừa rồi giảm sút. Vì thế, họ không có tiền trả lại cho khách. Theo Luật Phá sản của Mỹ, khi đơn vị không chi trả được các khoản nợ tới hạn ở một thời gian nhất định thì đơn vị đó phải làm thủ tục phá sản”, Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho hay.

Bên cạnh đó, sau thông tin 2 ngân hàng Mỹ phá sản, TS. Cấn Văn Lực cũng cho biết đã nhận được nhiều câu hỏi về việc liệu có xảy ra hiệu ứng domino lan truyền sang cả hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Á và Việt Nam hay không? Trả lời cho câu hỏi này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đối với thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam, việc ngân hàng Mỹ đổ vỡ có tác động nhưng không đến mức quá nặng nề.

“Với thị trường tài chính Mỹ, việc đóng cửa ngân hàng có thể sẽ khó gây ra hậu quả lan truyền trên thị trường tài chính. Một số ngân hàng có quy mô nhỏ, có mô hình hoạt động tương tự đã và đang chịu ảnh hưởng với giá cổ phiếu giảm, khách hàng rút tiền, chất lượng tín dụng có vấn đề hơn. Sự cố này cũng có thể sẽ khiến Fed xem xét và điều chỉnh nhẹ kế hoạch điều hành lãi suất thời gian tới”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đối với thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam, việc ngân hàng Mỹ đổ vỡ có tác động nhưng không đến mức quá nặng nề.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đối với thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam, việc ngân hàng Mỹ đổ vỡ có tác động nhưng không đến mức quá nặng nề.

Liên quan đến ý kiến cho rằng sự cố có thể khiến Fed xem xét “nhẹ tay” hơn, Giám đốc Khối Phân tích của VNDIRECT cũng bày tỏ rằng, SVB đang đặt Fed vào tình thế khó. “Một mặt, vẫn chịu áp lực phải tăng lãi suất điều hành để kiềm chế tình hình lạm phát. Mặt khác, tiếp tục tăng lãi suất có thể đẩy các tổ chức tài chính vào tình thế nguy hiểm".

Cũng theo chuyên gia này, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ bớt “diều hâu” hơn so với trước đây. Theo đó, thị trường hiện dự báo mức đỉnh lãi suất điều hành của Fed ở mức 5,0 - 5,25%, thấp hơn so với trước sự kiện SVB là 5,5 - 5,75% và kỳ vọng Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất điều hành kể từ quý IV/2023, sớm hơn so với dự báo trước đó là vào quý I/2025.”

Không lơ là, mất cảnh giác 

 

Theo TS. Cấn Văn Lực, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động: Tăng trưởng trong kiểm soát được rủi ro, trong đó cần đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính.

TS. Cấn Văn Lực quan điểm rằng, sự việc 2 ngân hàng Mỹ đổ vỡ tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam nhưng cũng cần nhìn nhận một số bài học kinh nghiệm cho thị trường tài chính.

Vị chuyên gia này cho rằng, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động: Tăng trưởng trong kiểm soát được rủi ro, trong đó cần đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính, và cần phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý đám đông mạnh, vì vậy, minh bạch, kỷ luật thị trường cùng với nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ tài chính, và hiệu quả truyền thông là rất quan trọng.

“Trường hợp của ngân hàng Mỹ, các cơ quan giám sát ngân hàng của bang này chưa có những cảnh báo kịp thời. Cùng với đó, mỗi quốc gia cần có một mạng lưới an toàn tài chính. Trong đó, cần quan tâm đến rủi ro hệ thống, rủi ro liên thông giữa ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và nền kinh tế thực. Trên cơ sở đó, cần có sẵn cơ chế xử lý khủng hoảng để có thể phản ứng nhanh, bài bản, hiệu quả.”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Sau vụ phá sản, đóng cửa các ngân hàng của Mỹ, cần nhìn nhận những bài học cho thị trường tài chính Việt Nam.
Sau vụ phá sản, đóng cửa các ngân hàng của Mỹ, cần nhìn nhận những bài học cho thị trường tài chính Việt Nam.

Cùng với đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, sự việc này sẽ là bài học để nhìn sang Việt Nam, 2 ngân hàng này đều nắm giữ lượng lớn trái phiếu từ chính phủ Mỹ và các trái phiếu bất động sản đảm bảo. Những trái phiếu 2 ngân hàng này giảm giá đáng kể do Fed tăng lãi suất mạnh, từ gần 0% lên biên độ 4,5-4,75% trong vòng chưa đầy một năm. Lãi suất tăng vọt khiến các loại trái phiếu mà ngân hàng mua bằng tiền gửi giá rẻ từ khách hàng giảm giá trị. 

Đồng thời, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, hiện nay, các ngân hàng Việt đang nắm giữ trái phiếu đa số của doanh nghiệp bất động sản. Số trái phiếu ngân hàng nắm giữ khoảng 300.000 tỷ đồng, trong đó nhiều trái phiếu đến hạn năm nay và năm tới. Trong số này 1/3 là doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Như vậy, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhiều trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng nắm giữ cũng rất rủi ro.

Theo dõi những thay đổi của thị trường tài chính trước tác động từ sự việc ngân hàng Mỹ phá sản, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã đưa ra ý kiến về bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Theo đó,  tại Việt Nam, với một số ngân hàng thương mại có tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) cao sẽ phải chú ý và thực tế Ngân hàng Nhà nước cũng đang siết chặt theo tiêu chuẩn của Basel II, yêu cầu các ngân hàng không đẩy mạnh vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn...