20 năm nữa, Việt Nam có thể đăng cai Thế vận hội Olympics

Tuấn Thủy

Đây là kỳ vọng của VinaCapital dựa trên những điểm tương đồng giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trong tương quan các sự kiện kinh tế xảy ra trước các kỳ Thế vận hội.

Đăng cai Thế vận hội Olympics là một cột mốc kinh tế quan trọng đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia khác vì sự kiện này đánh dấu bước chuyển đổi vị thế của các quốc gia từ “nước chậm phát triển” sang “nước có nền kinh tế phát triển ổn định”.

Theo ông Michael Kokalari, CFA - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, có thể nhận thấy, sự tương quan giữa các sự kiện kinh tế xảy ra trước các kỳ Thế vận hội do ba quốc gia nêu trên tổ chức so với tiến trình nâng tầm mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ diễn ra gần đây.

"Những điểm tương đồng đó là cơ sở để chúng tôi dự đoán rằng, Việt Nam đang hướng đến đăng cai Thế vận hội Olympics sau 20 năm nữa", ông Kokalari nhận định.

VinaCapital dự đoán Việt Nam sẽ tổ chức Thế vận hội Olympics trong 10-20 năm nữa. 
VinaCapital dự đoán Việt Nam sẽ tổ chức Thế vận hội Olympics trong 10-20 năm nữa. 

Cụ thể, khoảng một thập kỷ trước khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đăng cai Thế vận hội, đã có những bước phát triển kinh tế then chốt giúp củng cố quỹ đạo tăng trưởng vốn đã mạnh mẽ của các quốc gia này.

Với Nhật Bản, chiến tranh Triều Tiên đã thúc đẩy sự bùng nổ sản xuất công nghiệp của Nhật Bản vào đầu những năm 1950. Với Hàn Quốc nhờ có một quỹ đạo tăng trưởng vững chắc được định hướng bởi các kế hoạch phát triển công nghiệp 5 năm cùng nhiều thay đổi lớn về kinh tế, chính trị đã giúp đất nước này phát triển thậm chí còn mạnh mẽ hơn vào những năm 1980.

 Sự tương quan giữa các sự kiện kinh tế xảy ra trước các kỳ Thế vận hội tại các quốc gia đi trước. 
 Sự tương quan giữa các sự kiện kinh tế xảy ra trước các kỳ Thế vận hội tại các quốc gia đi trước. 

Trường hợp của Trung Quốc là cách nước này xử lý khéo léo cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, giúp khơi dậy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và nhận lại được những khoản đầu tư khổng lồ, tạo tiền đề đăng cai Thế vận hội.

Đối với Việt Nam, VinaCapital cho rằng, Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ sẽ là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu thời kì phát triển mới của Việt Nam. Việc nâng tầm quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” thể hiện bước nhảy vọt lớn của nền kinh tế Việt Nam.

Mối quan hệ Việt-Mỹ vừa nâng tầm sẽ thúc đẩy đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng mạnh. Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Mỹ – quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới – hiện chỉ chiếm dưới 3% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, so với khoảng một nửa của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hơn nữa, làn sóng đầu tư sắp tới của Mỹ vào Việt Nam dường như sẽ tập trung vào các ngành công nghệ cao, bao gồm cả các thiết bị bán dẫn, dựa trên nhiều thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden.

Ngoài ra, mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đã củng cố vị thế của Việt Nam như một thành viên trong nhóm “friend-shoring” gồm các quốc gia được Mỹ ủng hộ. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam để xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, không phải lo ngại về việc sản phẩm có thể phải chịu mức thuế quá cao.