Tổng cục Hải quan:

Mạnh tay với hàng hóa xuất khẩu gian lận, lẩn tránh thuế chống bán phá giá


Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 13 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam và 6 vụ việc có khả năng bị điều tra trong thời gian tới. Trước tình hình đó, hiện Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các bộ, ngành và hiệp hội tăng cường công tác kiểm soát hàng hóa xuất khẩu có nghi ngờ gian lận, lẩn tránh thuế chống bán phá giá. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thống kê cho thấy, tính đến tháng 6/2020, Bộ Công Thương đã xử lý 176 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương đang xử lý 13 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam và 6 vụ việc có khả năng bị điều tra trong thời gian tới (lớn hơn số lượng vụ việc của cả năm 2019).

Theo bà Nguyễn Phạm Như Hà, Phó phòng Giám quản 4, Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, ngay từ khi xảy ra chiến tranh thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ, Tổng cục Hải quan đã chủ động kiểm soát hàng hóa xuất khẩu có nghi ngờ gian lận, lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Trong đó, mặt hàng gỗ, sản phẩm từ gỗ, ván dán… là một số trong nhiều mặt hàng Tổng cục Hải quan tập trung nguồn lực vào kiểm tra, giám sát gian lận xuất xứ.

Từ tháng 4 đến tháng 7/2020, Tổng cục Hải quan có trao đổi với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về danh sách những doanh nghiệp (DN) có nghi ngờ gian lận. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã có chuyên đề về điều tra chống lẩn tránh thuế ván dán, đã xác định một số DN nghi ngờ và đang tiến hành kiểm tra, xác minh.

Cũng theo bà Nguyễn Phạm Như Hà, Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam để phối hợp đưa ra danh sách DN có khả năng cao nhất, tránh kiểm tra tràn lan.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tich kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khối lượng ván dán xuất khẩu sang Hoa Kỳ khá lớn, nhiều sản phẩm có giá trị cao. Bởi vậy, nếu thực sự bị phía Hoa Kỳ áp thuế sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí “chết hẳn” cả ngành hàng.

Tuy vậy, ông Hoài cũng nhận định, phía Hoa Kỳ khởi xướng điều tra với thái độ khá thiện chí, khẳng định việc này chỉ nhằm “đánh” vào các nhà sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế mà có hành vi lẩn tránh, chứ không “nhắm” vào DN Việt Nam. Ông hy vọng phía Hoa Kỳ sẽ "cá thể hóa" chứ không phải điều tra toàn bộ DN Việt Nam xuất khẩu ván dán sang Hoa Kỳ.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng như hiện nay, không chỉ ngành gỗ mà nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của DN Việt Nam.

Mới đây, các chuyên gia thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập cũng đã có khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu và xác định nguy cơ, tìm phương án phòng tránh nguy cơ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài xảy ra như thay đổi nguồn cung ứng nguyên vật liệu từ các đối tác khác; sẵn sàng thu thập đầy đủ các thông tin, dữ liệu, sổ sách để chứng minh khi cần, có phương án thay đổi thị trường xuất khẩu nếu bị áp thuế; nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, các nhóm mặt hàng thường bị kiện... để hạn chế tối đa những thiệt hại do các vụ kiện phòng vệ thương mại gây ra.

Tính đến tháng 6/2020, Bộ Công Thương đã xử lý 176 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương đang xử lý 13 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam và 6 vụ việc có khả năng bị điều tra trong thời gian tới.