Tổng cục Hải quan góp ý, kiến nghị về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam


Ngày 3/11/2020, Tổng cục Hải quan có Công văn số 7059 /TCHQ-ĐTCBL kiến nghị, góp ý về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: tienphong.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: tienphong.vn

Theo Tổng cục Hải quan, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Biên phòng Việt Nam nghiên cứu chỉnh sửa do còn nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng lấn với nhiệm vụ kiểm soát phương tiện, xử lý vi phạm do cơ quan hải quan chủ trì thực hiện trong địa bàn hoạt động hải quan theo Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Góp ý vào Dự thảo Luật Biên phòng, Tổng cục Hải quan cho rằng các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng đang trùng chéo với cơ quan hải quan.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nhiệm vụ của biên phòng “đảm bảo việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”.

Theo Tổng cục Hải quan, việc quy định như dự thảo có phạm vi rất rộng, chưa rõ ràng. Tại khu vực cửa khẩu có nhiều lực lượng thực thi pháp luật như hải quan, kiểm dịch đồng vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế, công an…

Việc quy định như trên được hiểu Biên phòng là lực lượng giám sát, đảm bảo thi hành pháp luậtở tất cả các lĩnh vực của các lực lượng khác tại khu vực biên giới, cửa khẩu, trong khi chức năng này chỉ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và Mặt trận tổ quốc Việt Nam thực hiện, không phải chức năng của Bộ đội Biên phòng.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đề nghị Ban soạn thảo Luật rà soát, nghiên cứu chỉ rõ giới hạn, phạm vi, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng của Bộ đội biên phòng là đảm bảo thi hành pháp luật biên phòng.

Một nội dung khác, tại điểm d khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nguyên tắc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng “Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý theo quy định của pháp luật”

Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã giao hải quan trong địa bàn hoạt động, hải quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Tại điểm này, góp ý vào dự thảo Tổng cục Hải quan cho biết, Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã giao hải quan trong địa bàn hoạt động, hải quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Việc dự thảo Luật Biên phòng quy định như trên là không phù hợp, trùng chéo với Luật Hải quan.

Từ đó, Tổng cục Hải quan đề nghị sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật như sau: “d. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan theo quy định của pháp luật được giao chủ trì sẽ chịu trách nhiệm chính kiểm tra, xử lý.

Trong trường hợp, cơ quan, tổ chức, lực lượng phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng không phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính, chủ trì hoặc không có thẩm quyền xử lý thông báo ngay và phối hợp với cơ quan chịu trách nhiệm chính, có thẩm quyền xử lý để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật. Trường hợp cần thiết để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, sau khi áp dụng các biện pháp cần thiết phải chuyển giao hồ sơ, người, phương tiện, tang vật vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền giải quyết. Cơ quan tổ chức, lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý cho cơ quan, tổ chức, lực lượng chuyển giao biết.”

Ngoài ra, dự thảo Luật Biên phòng quy định tại khoản 5 Điều 13 quy định về nhiệm vụ của Biên phòng “Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; kiểm soát qua lại biên giới”; khoản 3 Điều 14 dự thảo Luật “Áp dụng các hình thức....kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩutheo quy định của pháp luật”.

Tổng cục Hải quan cho biết, trường hợp dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam với những quy định trên được thông qua sẽ dẫn đến 02 cơ quan (hải quan và biên phòng) cùng thực hiện một nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát cho 01 phương tiện xuất nhập cảnh; hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này dẫn đến tất cả các lực lượng tại cửa khẩu (hải quan, biên phòng, công an, kiểm dịch, Ban quản lý cửa  khẩu…) cùng thực hiện chức năng, kiểm tra, kiểm soát, làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện và người xuất nhập cảnh...

Trường hợp phát sinh buôn lậu, gian lận thương mại thì sẽ không xác định được trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng này làm tăng rủi ro tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại.