Ảnh hưởng của năng lực công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo đến kết quả hoạt động doanh nghiệp

Đặng Xuân Huy, Nguyễn Thanh Hùng - Trường Đại học Trà Vinh.

Nghiên cứu này phân tích ảnh hưởng của nhân tố năng lực công nghệ thông tin và năng lực đổi mới sáng tạo đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Phương pháp khảo sát phân tầng được thực hiện trên 536 quan sát từ các nhà quản lý doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Phương pháp phân tích độ tin cậy, phân tích nhân tố khẳng định và mô hình cấu trúc tuyến tính được thực hiện để kiểm định các giả thuyết đã được đặt ra. Kết quả cho thấy, năng lực công nghệ thông tin và năng lực đổi mới sáng tạo có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nhân tố trung gian là định hướng kỹ thuật số.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giới thiệu

Những năm vừa qua, thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19, bất ổn chính trị tại một số quốc gia, giá xăng dầu tăng, thiếu nguyên liệu sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng… Những điều này khiến các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, thách thức. DN Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó và yêu cầu đặt ra là DN Việt Nam cần có chiến lược, cách thức vận hành hợp lý giúp gia tăng kết quả hoạt động, đạt mục tiêu lợi nhuận.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, 4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 49.872 DN đăng ký thành lập mới, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 3.630 DN (chiếm 7,3% cả nước). Năm 2022, cả nước có 148.533 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký bổ sung là 4.763.536 tỷ đồng, trong đó, ĐBSCL góp 11.536 DN (chiếm 7,8%). Tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Vùng là 8,5%. Ngành Nông nghiệp vùng ĐBSCL luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt trên 3,01%/năm trong giai đoạn 2016-2018, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%/năm), đóng góp 34,6% GDP toàn ngành Nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP chung vùng ĐBSCL. Trong năm 2022, GRDP nông nghiệp của Vùng tiếp tục tăng trưởng 3,01% đóng góp vào 32% GDP toàn ngành Nông nghiệp (Chu Khôi, 2023). Năm 2022 đánh dấu bước chuyển mình của ĐBSCL từ tập trung vào sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp có ứng dụng tri thức và công nghệ thay cho kinh nghiệm. ĐBSCL chiếm 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. Nhiều loại trái cây như: sầu riêng, chuối, xoài, nhãn, thanh long giá xuất khẩu tăng gấp đôi khi xuất sang các thị trường lớn, thị trường mới, các phân khúc cao cấp.

Lúa gạo được xem là điểm sáng kinh tế ngành hàng của Vùng, xuất khẩu gạo năm 2022 vượt kỳ vọng, ước tính đạt khoảng 7,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu gạo cao nhất khoảng 4 tỷ USD (Trần Hữu Hiệp, 2023). Số liệu trên cho thấy, khu vực ĐBSCL có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước. Đây cũng là địa bàn thích hợp cho hoạt động nghiên cứu về kết quả kinh doanh của DN. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện nghiên cứu về các vấn đề năng lực và định hướng công nghệ thông tin của DN trở nên cần thiết để tìm kiếm những giải pháp gia tăng kết quả hoạt động của DN ở mọi mặt.

Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu đề xuất

Khái niệm và giả thuyết nghiên cứu

Năng lực công nghệ thông tin của nhà quản lý và định hướng kỹ thuật số của DN: Một cách khái quát, đa số các quan điểm ủng hộ rằng, năng lực CNTT là việc sử dụng, khai phá, phát triển và khai thác (Chen và ctg, 2020), (Tippins và Sohi, 2003) mà trong đó, việc phát triển và khai thác CNTT bản chất là một thành phần của định hướng kỹ thuật số của DN. Nói cách khác, năng lực CNTT có ảnh hưởng lớn đến định hướng kỹ thuật số.

Các quan điểm khác cũng ủng hộ cho mối quan hệ này. Điển hình như Tippins và Sohi (2003) cho rằng, năng lực CNTT là việc vận dụng các nguồn lực CNTT để thực hiện các công tác quản lý thông tin trong công ty và tạo ra các giá trị. Việc vận dụng các công nghệ này theo hướng gia tăng hay giảm thiểu vai trò của công nghệ trong hoạt động phụ thuộc nhiều vào năng lực và quan điểm của nhà quản lý. Trong trường hợp các nhà quản lý có đủ năng lực công nghệ, các quyết định cũng như định hướng sẽ có xu hướng gia tăng các hoạt động liên quan đến công nghệ, gia tăng sự ứng dụng công nghệ. Đây là biểu hiện của gia tăng định hướng kỹ thuật số trong DN.

H1: Năng lực CNTT của nhà quản lý ảnh hưởng tích cực đến định hướng kỹ thuật số của DN.

Năng lực đổi mới sáng tạo của nhà quản lý và định hướng kỹ thuật số của DN: Schumpeter (1934) cho rằng, sự đổi mới là phần giao thoa giữa phát minh và sáng chế để tạo ra giá trị cho nền kinh tế - xã hội. Với quan điểm này có thể thấy, việc đổi mới sáng tạo là động lực khiến các DN tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới. Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi Cách mạng công nghiệp 4.0, các giải pháp công nghệ mà các DN hướng đến không thể thiếu các giải pháp số. Đổi mới sáng tạo trong DN sẽ hướng thẳng DN đến với công nghệ số. Năng lực đổi mới sáng tạo của nhà quản lý càng cao thì định hướng kỹ thuật số của DN sẽ càng rõ nét.

Đổi mới sáng tạo trở thành cốt lõi để gia tăng kết quả của DN. Tuy nhiên, sự gia tăng này được hiện thực thông qua nhiều yếu tố trung gian, bao gồm cả CNTT trong DN. Với những lập luận đó, sự hoài nghi về sự ảnh hưởng của năng lực đổi mới sáng tạo đến định hướng kỹ thuật số được nghiên cứu đặt ra trong giả thuyết nghiên cứu:

H2: Năng lực đổi mới sáng tạo của nhà quản lý ảnh hưởng tích cực đến định hướng kỹ thuật số của DN.

Định hướng kỹ thuật số của DN và kết quả kinh doanh của DN: Các ưu điểm của công nghệ số mang lại những ích lợi lớn cho DN. Điển hình như, tính chất có thể tái lập trình của công nghệ kỹ thuật số có thể giúp DN nhanh chóng cải thiện chức năng của các sản phẩm và dịch vụ (Nasiri và ctg, 2020). Từ đó, các đổi mới có thể được tạo ra với các công nghệ kỹ thuật số cho phép các sản phẩm trở nên thông minh hơn bằng các đặc điểm như khả năng lập trình, khả năng xác định địa chỉ, tính nhạy cảm, khả năng truyền đạt, khả năng ghi nhớ, truy xuất nguồn gốc và khả năng liên kết (Nasiri và ctg, 2020).

Các nghiên cứu trước đây đã nhấn mạnh cách công nghệ kỹ thuật số cho phép các hoạt động xuyên biên giới mà không có bất kỳ giới hạn nào về thời gian, chức năng hoặc địa điểm (Patel và ctg, 2015). Đây cũng là một cơ sở quan trọng giúp DN gia tăng phạm vi hoạt động, gia tăng thị trường, tăng trưởng doanh số. Qua đó cho thấy, vai trò của CNTT đối với kết quả hoạt động của DN. Một DN có định hướng kỹ thuật số rõ ràng sẽ có xu hướng gia tăng được kết quả hoạt động ở mọi mặt.

H3: Định hướng kỹ thuật số của DN ảnh hưởng tích cực đến kết quả kinh doanh của DN.

Mô hình nghiên cứu

Từ những giả thuyết được xác định, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu tương ứng với mối quan hệ giữa các biến đã được xác định trong các giả thuyết. Tổng hợp các giả thuyết hình thành mô hình cấu trúc tuyến tính như Hình 1.

Mẫu nghiên cứu và thang đo

Mẫu nghiên cứu

Đối tượng khảo sát là các DN tại khu vực ĐBSCL, trong đó đối tượng trả lời phỏng vấn, khảo sát trong nghiên cứu định tính và định lượng là các nhà quản lý DN trong khu vực. Thời gian thực hiện khảo sát trong tháng 9-10/2022. Phương pháp chọn mẫu được sử dụng là phương pháp phi xác xuất thuận tiện. Bảng hỏi được phát trực tiếp tới đối tượng là nhà quản lý trong DN. Kết thúc giai đoạn khảo sát, sau khi làm sạch dữ liệu, nghiên cứu thu được 536 phiếu khảo sát hợp lệ.

Thang đo các biến nghiên cứu

Từ khái niệm kết quả kinh doanh và các biến nghiên cứu trong mô hình, tác giả đề xuất xem xét các thang đo, kế thừa từ các thang đo từ nghiên cứu trước. Đồng thời, xem xét thêm các thang đo từ các nghiên cứu khác. Thang đo được tổng hợp dựa trên các nghiên cứu trước, được việt hóa và tinh chỉnh bằng phương pháp phỏng vấn và thử nghiệm với cỡ mẫu nhỏ. Qua quá trình đó, thang đo chính thức được xác định như Bảng 1.

Bảng 1: Thang đo chính thức

Mã hóa

Nội dung

Nguồn

Kết quả kinh doanh

KQ1

Công ty chúng tôi đang gia tăng thị phần

Adomako và Tran (2022)

KQ2

Công ty chúng tôi đang gia tăng về doanh số

KQ3

Công ty chúng tôi đang gia tăng về lợi nhuận

KQ4

Công ty chúng tôi đang tăng về quy mô

KQ5

Công ty chúng tôi đang phát triển về mọi mặt

Định hướng kỹ thuật số

KS1

Công ty chúng tôi sử dụng công nghệ kỹ thuật số để phát triển các giải pháp mới cho công việc

Khin và Ho (2018)

KS2

Công ty lựa chọn các giải pháp có công nghệ kỹ thuật số vượt trội

KS3

Công ty dễ dàng chấp nhận công nghệ kỹ thuật số mới

KS4

Công ty luôn tìm kiếm các cơ hội để sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong quá trình đổi mới hoạt động

Năng lực đổi mới sáng tạo

ST1

Tôi có thể tiếp thu các công nghệ quan trọng

Khin và Ho (2018)

ST2

Tôi có thể xác định các cơ hội mới

ST3

Tôi có thể đáp ứng được quá trình chuyển đổi số

ST4

Tôi có thể làm chủ các công nghệ kỹ thuật hiện đại

ST5

Tôi có thể dựa vào công nghệ để sáng tạo, phát triển sản phẩm/ dịch vụ/ quy trình.

Năng lực công nghệ thông tin

CN1

Tôi có năng lực công nghệ để thực hiện công việc liên quan đến hoạt động mua sắm và quản lý hàng tồn kho

Soto-Acosta và ctg (2018)

CN2

Tôi có năng lực công nghệ để thực hiện công việc liên quan đến hoạt động thiết kế sản phẩm

 

CN3

Tôi có năng lực công nghệ để thực hiện công việc liên quan đến hoạt động sản xuất

 

CN4

Tôi có năng lực công nghệ để thực hiện công việc liên quan đến hoạt động tiếp thị

 

CN5

Tôi có năng lực công nghệ để thực hiện công việc liên quan đến hoạt động phân phối sản phẩm

 

Nguồn: Kết quả phỏng vấn điều chỉnh thang đo

Các thang đo này được sử dụng để thiết kế phiếu khảo sát chính thức của nghiên cứu. Phiếu khảo sát sau đó được phát trực tiếp đến đối tượng khảo sát để thu thập dữ liệu.

Kết quả nghiên cứu

Ảnh hưởng của năng lực công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo đến kết quả hoạt động doanh nghiệp  - Ảnh 1

Bảng 2: Kiểm định độ tin cậy của thang đo

Biến

Trung bình nếu loại biến

Phương sai nếu loại biến

Tương quan

Độ tin cậy nếu loại biến

Kết quả kinh doanh: 0,906

KQ1

12.62

9.253

.769

.884

KQ2

12.57

9.465

.762

.886

KQ3

12.41

9.334

.769

.884

KQ4

12.35

9.356

.768

.884

KQ5

12.27

9.524

.751

.888

Định hướng kỹ thuật số: 0,876

KS1

8.20

6.164

.694

.856

KS2

8.09

6.204

.758

.832

KS3

8.15

5.983

.758

.831

KS4

8.12

6.060

.723

.845

Năng lực đổi mới sáng tạo: 0,910

ST1

11.93

10.821

.810

.909

ST2

11.92

10.983

.817

.908

ST3

12.37

10.707

.806

.909

ST4

12.86

10.764

.797

.911

ST5

12.45

10.689

.803

.910

Năng lực công nghệ thông tin: 0,906

CN1

12.81

10.959

.746

.889

CN2

12.70

10.966

.747

.889

CN3

12.61

10.847

.768

.885

CN4

12.53

10.960

.770

.884

CN5

12.41

10.840

.789

.880

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu khảo sát

Kiểm định Cronbach's Alpha

Theo Nunnally và Burnstein (1978); Peterson (1994), thang đo được đánh giá chấp nhận và tốt đòi hỏi đồng thời 2 điều kiện là hệ số Alpha của tổng thể > 0,6 và hệ số tương quan biến tổng (corrected item-total correlation) > 0,3. Tác giả tiến hành kiểm định hệ số Cronbach’s Alpha với 19 biến quan sát. Kết quả kiểm định cho thấy, hệ số Alpha của cả các biến đo lường đều thỏa điều kiện ≥ 0,7; các hệ số tương quan biến tổng đều > 0,3. Tất cả 19 biến quan sát sẽ được giữ lại để sử dụng trong bước phân tích CFA tiếp theo.

Phân tích nhân tố khẳng định (CFA)

Theo Crowley và Fan (1997); Kline (1998); McDonald và Ho (2002), mô hình đo lường phù hợp với dữ liệu thực tế phải đảm bảo phù hợp với 4 thước đo: (i) Cmin/df; (ii) TLI, (iii) CFI, (iv) RMSEA. Kết quả phân tích CFA của mô hình tới hạn có giá trị p= 0,000 < 0,05; χ2 (Chi-square) = 183,517 có df= 146 bậc tự do; chỉ số CMIN/df = 1,257 ≤ 5 (Bentler, P. M., and Bonett, 1980); các chỉ số CFI = 0,994; TLI = 0,993; chỉ số RMSEA = 0,022 < 0,08 (Hu và Bentler, 1995; Garver và Mentzer, 1999). Các chỉ số thỏa mãn các yêu cầu để kết luận mô hình phù hợp với dữ liệu chính thức.

Kiểm định giả thuyết nghiên cứu

Bảng 3: Hệ số hồi quy của các mối quan hệ

Giả thuyết

Ước lượng

S.E.

P

Kết luận

H1: Năng lực công nghệ thông tin của nhà quản lý ảnh hưởng tích cực đến Định hướng kỹ thuật số của doanh nghiệp

0,206

0,048

***

Chấp nhận

H2: Năng lực đổi mới sáng tạo của nhà quản lý ảnh hưởng tích cực đến Định hướng kỹ thuật số của doanh nghiệp.

0,262

0,050

***

Chấp nhận

H3: Định hướng kỹ thuật số của doanh nghiệp ảnh hưởng tích cực đến Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

0,281

0,045

***

Chấp nhận

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu khảo sát

Phân tích SEM được sử dụng tiếp theo để đánh giá và kết luận các giả thuyết nghiên cứu. Phân tích này được thực hiện với các công đoạn gồm đánh giá độ phù hợp của mô hình nghiên cứu và kiểm định đồng thời các đường dẫn. Kết quả Hình 3 cho thấy, các chỉ số phù hợp của mô hình đều đạt yêu cầu.

Kết quả ước lượng mô hình các biến đều có ý nghĩa thống kê ở mức 5%, các giả thuyết mà tác giả đã đặt ra đều được chấp nhận. Theo đó, định hướng kỹ thuật số có ảnh hưởng tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (β = 0.281). Kết quả cũng chứng minh rằng năng lực CNTT và năng lực đổi mới sáng tạo cũng đồng thời ảnh hưởng đến định hướng kỹ thuật số của DN. Trong đó, năng lực đổi mới sáng tạo có tác động mạnh hơn với hệ số tác động là (β = 0,262). Kết quả nghiên cứu trên phù hợp với những luận chứng đã được đặt ra khi xây dựng giả thuyết.

Kết luận

Nghiên cứu đã chứng minh, năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực CNTT của nhà quản lý có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN thông qua việc làm gia tăng định hướng kỹ thuật số. Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, việc áp dụng CNTT là yếu tố quan trọng để tăng cường năng suất và cạnh tranh trong thị trường. Nhà quản lý có năng lực CNTT thường có khả năng hiểu và sử dụng các công nghệ mới nhất để tối ưu hóa các quy trình và quản lý các dữ liệu. Điều này giúp cải thiện quy trình sản xuất, giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động của DN. Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của nhà quản lý cũng rất quan trọng. Những nhà quản lý có năng lực đổi mới sáng tạo thường có khả năng tạo ra các ý tưởng mới và đột phá trong sản phẩm, dịch vụ và quy trình kinh doanh của DN. Điều này giúp DN tạo ra sự khác biệt và cạnh tranh trong thị trường, thu hút khách hàng và tăng doanh số bán hàng.

Ngoài những lợi ích trực tiếp, năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực CNTT của nhà quản lý còn tác động và làm gia tăng định hướng kỹ thuật số của DN. Điều này giúp DN tiếp cận được với các cơ hội và thách thức mới trong thời đại kỹ thuật số, bao gồm cả việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số, tiếp cận khách hàng thông qua các kênh trực tuyến và tối ưu hoá các quy trình kinh doanh bằng các công nghệ mới nhất. Tất cả những điều này đều có thể giúp DN tăng trưởng và cạnh tranh trong thị trường.

Gia tăng năng lực công nghệ thông tin

Để gia tăng năng lực CNTT cho nhà quản lý DN, cần có kế hoạch đào tạo, phát triển năng lực phù hợp với từng cá nhân và DN. Các giải pháp có thể đa dạng và tùy điều kiện của từng DN.

- Đào tạo kiến thức và kỹ năng CNTT: DN cung cấp các khóa đào tạo về các công nghệ mới nhất và các kỹ năng cần thiết để sử dụng. Điều này có thể bao gồm các khóa học trực tuyến hoặc tại chỗ, các chứng chỉ chuyên môn và các khóa học ngắn hạn.

- Xây dựng một môi trường học tập và thực hành công nghệ: DN cần cung cấp các thiết bị công nghệ thông tin và phần mềm cho nhà quản lý để họ có thể thực hành và tự học. Đồng thời, tạo ra một môi trường học tập thoải mái, thân thiện và khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động đào tạo.

Gia năng năng lực đổi mới sáng tạo

Để gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo của nhà quản lý, DN cần có kế hoạch đào tạo, phát triển năng lực phù hợp với từng cá nhân và DN. DN cần khuyến khích sáng tạo và đổi mới, tạo ra một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, tạo điều kiện cho nhân viên đưa ra các ý tưởng mới và đột phá. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập các cuộc họp định kỳ để thảo luận về ý tưởng mới, tạo ra các chương trình khuyến khích đổi mới và tạo ra các giải thưởng cho nhân viên đưa ra các ý tưởng được chấp nhận và thực hiện thành công. Ngoài ra, cần đào tạo, trau dồi kỹ năng đổi mới sáng tạo, bao gồm cả kỹ năng tư duy sáng tạo và kỹ năng quản lý đổi mới.

Tài liệu tham khảo:

  1. Adomako, S., & Tran, M. D. (2022). Stakeholder management, CSR commitment, corporate social performance: The moderating role of uncertainty in CSR regulation. Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 29(5), 1414-1423;
  2. Chen, S., Liang, Y. C., Sun, S., Kang, S., Cheng, W., & Peng, M. (2020). Vision, requirements, and technology trend of 6G: How to tackle the challenges of system coverage, capacity, user data-rate and movement speed. IEEE Wireless Communications, 27(2), 218-228;
  3. Khin, S., & Ho, T. C. (2018). Digital technology, digital capability and organizational performance: A mediating role of digital innovation. International Journal of Innovation Science, 11(2), 177-195;
  4. Patel, P. C., Kohtamäki, M., Parida, V., & Wincent, J. (2015). Entrepreneurial orientation‐as‐experimentation and firm performance: The enabling role of absorptive capacity. Strategic Management Journal, 36(11), 1739-1749.

 

Ảnh hưởng của năng lực công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo đến kết quả hoạt động doanh nghiệp  - Ảnh 2
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023